Thứ 4, 31/07/2024, 21:24[GMT+7]

Cá lồng Vũ Thư

Chủ nhật, 03/01/2016 | 16:01:13
1,986 lượt xem
Vũ Thư, mảnh đất cửa ngõ phía Tây của tỉnh, nơi nổi tiếng với Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia chùa Keo, với đặc sản nếp cái hoa vàng… Ngày nay, nói đến Vũ Thư, người ta còn nhắc nhau về một thứ "đặc sản" không riêng có nhưng rất đặc trưng và ấn tượng ở mảnh đất này, đó là nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình anh Trần Duy Quỳnh (xã Vũ Vân, Vũ Thư).

Men theo tuyến đường đê bối, qua những bãi ngô xanh ngút đầu người, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi cá lồng của anh Trần Duy Quỳnh ở thôn Tiền Phong, xã Vũ Vân. Nắng hanh chiều đông và gió từ sông Hồng thổi về lồng lộng, chốc chốc những chú cá diêu hồng quẫy bọt tung trắng xóa. Anh Quỳnh cho biết: Được các ngành chức năng của tỉnh và huyện quan tâm, khuyến khích, năm 2012, tôi chọn một đoạn nhánh sông Hồng mà người dân địa phương quen gọi là sông Bơn để đầu tư xây dựng 12 lồng cá có kích thước 9,7m x 4,7m x 3m/lồng. Đến nay, tôi đã mở rộng lên 20 lồng, mỗi lồng có thể cho sản lượng 5 tấn cá/lứa và 1,5 lứa/năm. Anh Quỳnh chọn cá diêu hồng đầu tư nuôi đại trà bởi loại cá này dễ nuôi, thuận lợi khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra còn có các loại cá chất lượng cao như cá lăng, nheo Mỹ phục vụ các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Tổng kinh phí gia đình anh Quỳnh đầu tư lắp đặt, nâng cấp lồng khoảng 2 tỷ đồng và 4 tỷ đồng/năm chi phí thức ăn cho cá. Đầu tư lớn, bù lại, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá lồng cao. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 100 triệu đồng/lồng/năm. Ngoài ra còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: So với các địa phương khác, Vũ Thư có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn trong chăn nuôi cá lồng. Huyện có trên 50km sông Hồng chảy qua địa bàn, có lưu tốc dòng chảy ổn định hơn, ít dòng xoáy hơn so với sông Hồng qua địa bàn huyện Hưng Hà. Địa hình xa biển hơn nên mức độ nước bị xâm nhập mặn ít hơn so với huyện Kiến Xương. Chất lượng nước sông Hồng được đánh giá là một trong những nguồn nước tự nhiên sạch nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nhằm khai thác tiềm năng mặt nước, năm 2012, huyện đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng, ban đầu chỉ có 3 hộ tham gia với khoảng 50 lồng cá. Đến nay, toàn huyện có 135 lồng cá, thu hút hơn chục hộ dân của 5 xã Vũ Đoài, Vũ Vân, Hồng Lý, Hồng Phong, Duy Nhất tham gia.

Ông Trần Văn Toàn, chủ trang trại cá lồng ở xã Duy Nhất chia sẻ: Khó khăn nhất trong nuôi cá lồng là khâu quản lý, kiểm tra, theo dõi dịch bệnh của cá. Hầu hết các loại cá dễ bị các bệnh phù đầu, lồi mắt, hoại tử ruột, do đó, để phòng ngừa phải thường xuyên bổ sung Vitamin C vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá. Đặc biệt, các loại cá nhạy cảm với môi trường, nếu mưa bão lớn, nước sông bị vẩn đục cao hoặc nước bị ô nhiễm do nông dân phun thuốc trừ sâu trên nội đồng rửa trôi xuống sông có thể khiến cá chết hàng loạt, gây rủi ro cao trong chăn nuôi. Bình quân mỗi lồng cá nuôi ở sông Hồng diện tích khoảng 40m2 (độ sâu 3m) cho sản lượng khoảng 5 tấn cá/lứa, trong khi để đạt được sản lượng tương đương, nếu nuôi ở ao, hồ phải có diện tích mặt nước khoảng 3 mẫu (10.800m2) và thời gian nuôi kéo dài hơn so với nuôi cá lồng từ 3 - 4 tháng. Nhờ cá ít dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, năng suất cao nên hiệu quả kinh tế của nuôi cá lồng trên sông Hồng cao. Bình quân mỗi năm, 1 lồng cá cho doanh thu gần 400 triệu đồng, trừ chi phí, người chăn nuôi lãi khoảng 100 triệu đồng/lồng/năm.

Năm 2015, Vũ Thư cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1.000 tấn cá lồng, mang về nguồn thu gần 16 tỷ đồng, góp phần tích cực tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Với tiềm năng diện tích mặt nước sông Hồng lớn, có thể phát triển tối đa 3.000 lồng cá, những năm tới, huyện đẩy mạnh mở rộng nuôi cá lồng trên sông Hồng, trong đó phấn đấu mục tiêu năm 2016 - 2017, toàn huyện sẽ có từ 300 - 500 lồng cá.

 

Đồng chí Đỗ Năng Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng, thời gian tới, Vũ Thư sẽ tập trung làm tốt công tác khảo sát, quy hoạch phát triển khu vực nuôi cá lồng bảo đảm các yếu tố như bảo vệ đê điều, giao thông đường thủy, môi trường… Huyện sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thu hút các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cá lồng sau thu hoạch; công bố rộng rãi quy hoạch, tuyên truyền, vận động thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, thủ tục và hỗ trợ tích cực về kỹ thuật giúp người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân

Tiềm năng phát triển cá lồng trên sông của địa phương rất lớn, tuy nhiên, hiện nay, số lượng lồng cá vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu tư lồng và thức ăn chăn nuôi cá cao, nông dân chưa đủ điều kiện về vốn. Cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi theo quy định để người dân đầu tư nuôi cá lồng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Phạm Đình Chiểu, chủ trang trại nuôi cá lồng xã Vũ Đoài

Gia đình tôi hiện có 72 lồng cá, mỗi năm cung cấp gần 300 tấn cá ra thị trường, sau khi trừ chi phí còn lãi được vài tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động. Hiệu quả kinh tế cao nhưng nuôi cá lồng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, vì vậy, tôi rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngân hàng hỗ trợ chúng tôi vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như gia đình tôi một năm phải đầu tư 26 tỷ đồng mua thức ăn cho cá (chưa kể các chi phí khác), thế nhưng cũng chỉ vay được tối đa 500 triệu đồng/năm, số tiền này chưa thấm tháp gì để có thể nuôi cá lồng với quy mô lớn.

Quỳnh  Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày