Thứ 4, 31/07/2024, 15:24[GMT+7]

Đông Hưng đa dạng cây trồng theo hướng hàng hóa

Chủ nhật, 03/01/2016 | 16:04:51
1,827 lượt xem
Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, năm 2015, huyện Đông Hưng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng việc quy hoạch vùng, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, huyện chú trọng thực hiện quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu; duy trì và mở rộng diện tích các vùng lúa có giá trị kinh tế cao, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, từng bước thực hiện sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích vụ đông, diện tích chuyên canh trồng cây màu 4 vụ/năm và tạo điều kiện cho nông dân dồn đổi, cho thuê ruộng để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 21 cánh đồng lớn với tổng diện tích 926ha (tăng 7 cánh đồng và 150ha so với cùng kỳ năm 2014), duy trì cánh đồng 4 vụ/năm với diện tích 61ha ở các xã Nguyên Xá, An Châu, Đông Xá, Đông Phương, Minh Tân...

Trọng Quan là xã có truyền thống trồng cây khoai tây nhiều năm nay. Với thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 85 - 90 ngày cho thu hoạch, phù hợp với đồng đất Trọng Quan nên cây khoai tây được người dân nơi đây lựa chọn là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông. Hàng năm, cây khoai tây thường chiếm trên 50% diện tích cây vụ đông của xã, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 75 triệu đồng/ha. Vụ đông năm 2015, toàn xã trồng trên 87ha cây khoai tây (tăng 7ha so với vụ đông năm 2014). Ông Trần Minh Bằng, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Trọng Quan cho biết: Cùng với việc khuyến khích mở rộng về diện tích, thời gian qua, HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tích cực tiếp thu giống khoai mới cho năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. HTX thực hiện vai trò đầu mối tổ chức sản xuất, tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều chương trình, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã đem lại lợi ích thiết thực, góp phần tạo thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế bền vững, ổn định cuộc sống.

Xác định sản xuất vụ đông là vụ sản xuất chính thứ ba trong năm nên quan điểm chỉ đạo của xã Nguyên Xá là khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng mới cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện địa phương vào sản xuất như mướp đắng, bí xanh, ớt, khoai tây..., từng bước hình thành các vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Nguyên Xá đã quy hoạch được vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất rau màu thực hiện công thức luân canh 3 - 4 vụ màu/năm (2 vụ mướp đắng, 1 vụ súp lơ/bắp cải sớm, 1 vụ màu đông) có sự tham gia liên kết của Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Hải Dương bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ước tính, vùng chuyên màu cho thu lãi từ 8,5 - 9 triệu đồng/sào/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần cấy lúa.

Nông dân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) thu hoạch ớt.

Cũng như các xã Trọng Quan, Nguyên Xá, nhằm giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao thu nhập, cấp ủy, chính quyền xã Đông Phương đã có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã Đông Phương cho biết: Để tạo tiền đề cho xã viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo HTX DVNN tập trung vận động người dân đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa, giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất. Nhờ vậy, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã chuyển đổi sang trồng những loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn gắn liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu là mô hình vùng sản xuất trồng bí xanh được triển khai vào tháng 6/2015 với diện tích 2,2ha, năng suất đạt 1,5 tấn/sào/vụ. Thực hiện mô hình chuyển đổi, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm, bảo đảm giúp bà con yên tâm sản xuất và cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Địa phương cũng đã quy hoạch vùng tập trung để sản xuất lúa hàng hóa theo quy trình VietGAP và liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa T10 với diện tích 40ha. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng giống lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình liên kết, thu mua sản phẩm; HTX DVNN đứng ra tổ chức các khâu dịch vụ, thủy lợi, gieo cấy, làm đất... Đây là mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa mang lại hiệu quả rõ rệt...

Có thể nói, hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Đông Hưng thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 28,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 2,98%.

Nguyễn Hậu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày