Thứ 7, 28/12/2024, 03:02[GMT+7]

Hồng An Những cánh đồng màu cho thu tiền tỷ

Thứ 6, 28/01/2011 | 09:23:24
2,673 lượt xem
Sản xuất cây màu trên đất Hồng An (Hưng Hà) đã đạt 150 triệu đến trên 300 triệu đồng/ ha/năm; mỗi vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho thu hàng tỷ đồng mỗi vụ.

Anh Trần Ngọc Hoan, thôn Bắc Sơn ( Hồng An), trồng 3 sào cà chua nhót năng suất 2,5 tấn - 3 tấn/ sào, giá trị đạt 15 - 18 triệu đồng/ sào /vụ.

Nông dân bán rau màu thu nhập mỗi lứa vài triệu/ sào là chuyện bình thường”. Ông Trần Đình Lân, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng An cho hay. Hồng An là xã đầu tiên trong huyện đạt cánh đồng 50 triệu đồng/ ha/ năm cách đây không lâu, nhưng chuyện mỗi ha cho thu gần nửa tỷ đồng, thật sự khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng.

Thực tế cho thấy, nông dân Hồng An đã biết cách luân canh, xen canh gối vụ, đưa các giống mới vào sản xuất nên đã xây dựng được 5 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mỗi vùng rộng 5  đến 17 ha; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ ha/ vụ.

Chúng tôi về Hồng An vào giữa vụ đông 2010, đúng thời điểm nhiều loại cây trồng đã và đang cho thu hoạch rộ. Điều khác biệt ở đây so với nhiều địa phương khác trong tỉnh là cây màu vụ đông đã trở thành hàng hóa thực thụ. Không còn hình ảnh người dân gánh rau đi chợ bán, mà thay vào đó là những chiếc xe tải lớn, tải nhỏ về vận chuyển hàng chục tấn rau màu các loại/ ngày đi các tỉnh.

Đây cũng là kết quả tất yếu giữa cung và cầu, khi Hồng An luôn bảo đảm sản lượng các loại cây màu quanh năm cho các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Bởi lẽ, trong 5 vùng sản xuất cây màu, có tới 2 vùng chuyên sản xuất màu quanh năm và đây cũng chính là yếu tố quyết định đến giá trị/ ha canh tác.

Nếu tính riêng các vùng sản xuất hàng hóa trên, hiện giá trị đạt từ 150 triệu đến trên 300 triệu đồng/ ha; tính bình quân chung trên tổng diện tích đất canh tác của cả xã đạt 87 triệu đồng/ ha/ năm. Để có được 5 vùng sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao, nông dân ở đây đã thực hiện nghiêm túc theo  các công thức luân canh, xen canh gối vụ mà HTX xây dựng.

Cụ thể, vùng đất trũng thôn Bắc Sơn và Việt Thắng, rộng 17 ha luân canh 3 vụ: cà chua xuân + ngô hè thu+ cà chua đông; giá trị bình quân đạt 250 – 280 triệu đồng/ ha/ năm. Vùng chuyên sản xuất rau màu các loại rộng 14 ha ở thôn Nam Tiến trồng 3 vụ màu/năm; riêng một vụ đông xen canh được 3 loại cây như su hào sớm, su hào trung vụ, su hào xuân và đậu đỗ các loại; giá trị sản xuất đạt 200 triệu đồng/ ha/ năm. Vùng thôn Điềm rộng 10ha luân canh 3 vụ: lúa xuân ngắn ngày+ lúa mùa sớm + khoai tây đông; giá trị sản xuất đạt 150 – 170 triệu đồng/ ha/ năm...

Điển hình về thâm canh cây màu ở đây có hộ anh Trần Ngọc Hoan, thôn Bắc Sơn, với 7 sào ruộng anh đã luân canh theo công thức vụ đông trồng cải bắp, su hào cực sớm, cà chua xuất khẩu; vụ xuân trồng đậu đỗ các loại và dưa chuột; cấy lúa mùa ngắn ngày cực sớm.

Để cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, Anh Hoan cho biết, với vụ đông gia đình anh đã bố trí trồng su hào, cải bắp ngay từ cuối tháng 8, riêng trà này khi thu hoạch đạt gần 10 triệu đồng/ sào; kế tiếp anh trồng su sào, cải bắp trà trung để phục vụ tết. Riêng đối với cây cà chua anh trồng từ tháng 10, hiện đã và đang cho thu hoạch, năng suất 2,5 tấn đến 3 tấn/ sào, như giá hiện tại  thì giá trị đạt 18 triệu đồng/ sào.

Hay như hộ anh Nguyễn Văn Lượng, thôn Nam Tiến, không chỉ trồng cây màu cho hiệu quả kinh tế cao mà còn đứng ra thu mua sản phẩm của các hộ khác để đem đi các tỉnh tiêu thụ. Vụ đông 2010, gia đình anh trồng gần một mẫu rau màu các loại. Do chủ động trồng sớm một số loại cây như su hào, cải bắp và bán vào dịp đầu vụ nên được giá, trừ mọi chi phí còn lãi trên 3 triệu đồng/ sào; hiện su hào lứa 2 cũng sắp  cho thu hoạch.

Như vậy, riêng vụ đông gia đình anh có thể thu trên 10 triệu đồng/ sào; 2 vụ còn lại trong năm anh trồng dưa bở, đậu đỗ... cũng cho giá trị tương tự. Để bảo đảm sản phẩm cây màu của gia đình cũng như của bà con trong xã thu hoạch đến đâu tiêu thụ ngay tới đó, anh đã chủ động liên hệ với các đầu mối tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tây, Hà Nam.

Anh Lượng tâm sự, đến nay anh đã có 14 năm trong nghề làm đầu mối thu mua, hiện cứ 2 ngày anh lại xuất 1 xe rau màu với khối lượng khoảng 2 tấn; một vụ bình quân anh chở đi các nơi tiêu thụ khoảng 80 – 100 tấn rau màu các loại. Với việc thâm canh cây màu như hộ anh  Hoan, anh Lượng, có thể tính nhẩm ra mỗi ha giá trị đã đạt gần 500 triệu đồng/ năm. Những gì mà người dân ở đây đang làm đã góp phần xây dựng thành công bước đầu về các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chí nông thôn mới.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng sản phẩm nông sản ứ đọng khi thu hoạch đại trà bị tư thương ép giá, người dân ở đây mong muốn các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ xây dựng công ty chế biến rau quả và kho lạnh bảo quản, không phải phụ thuộc vào  các nhà máy ở Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng...

Một mùa xuân mới đang đến gần, những cánh đồng màu ở Hồng An như thêm xanh, cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ ha, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Mục tiêu phấn đấu tổng giá trị sản xuất vụ đông 2010 đạt 12 – 13 tỷ đồng ở Hồng An đã trở thành hiện thực. Điều đáng mừng hơn là, mặc dù thời điểm này cây trồng vụ đông đang cho thu hoạch rộ, nhưng các loại rau, củ, quả vẫn được giá, như su hào 2 nghìn đến 2,5 nghìn đồng/ củ, cà chua 6 nghìn đồng/ kg... “Phi nông bất ổn” câu đúc kết từ ngàn đời ấy thực sự đáng được minh chứng ngày càng rõ nét hơn trên đất Hồng An.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày