Thứ 2, 29/07/2024, 15:31[GMT+7]

“Ðánh thức” dòng sông

Thứ 6, 15/01/2016 | 10:06:08
5,273 lượt xem
Với người dân xã Ðộc Lập (Hưng Hà), dòng sông Hồng bấy lâu chỉ là tuyến đường thủy để lưu thông tàu, thuyền, là nơi người dân lấy nước phục vụ cho sinh hoạt hay sản xuất nông nghiệp. Bao đời nay, dòng sông ấy, đoạn sông ấy vẫn “ngủ quên” nếu không có một người đến “đánh thức”.

Cá chép giòn tại cơ sở nuôi cá lồng của anh Phạm Đức Thụ.

 

Người ấy là chàng trai tuổi mới ngoài 30, quê gốc ở xã Minh Khai (Hưng Hà). Học xong Khoa Đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương, Phạm Đức Thụ ra trường và theo nghề dạy học. Những tưởng yên phận với nghề nhưng bản tính ưa khám phá, thích chinh phục cái khó, việc lạ nên ngoài việc dạy học anh còn đầu tư kinh doanh ở một số lĩnh vực. Cũng từ nghề dạy học, anh đã vô tình bén duyên với những lồng cá trên sông. Anh Thụ chia sẻ: Trong quá trình dạy học, tôi quen một học sinh, người cha của học sinh đó cùng quê Hưng Hà cũng có ý tưởng muốn đầu tư nuôi cá lồng trên sông. “Ý tưởng lớn” gặp nhau, cuối năm 2014, chúng tôi cùng cộng tác và rồi những lồng cá trên sông ra đời. Cũng theo anh Thụ, thời gian gần đây, phong trào nuôi cá lồng trên sông khá phát triển. Do đó, phải nuôi thế nào, nuôi loại gì để mang tính chất “độc” và có tiềm năng phát triển mạnh là điều mà anh và người cộng tác đã mất rất nhiều thời gian bàn tính.

 

Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Thụ có một quyết định táo bạo là tập trung đầu tư nuôi cá chép giòn. Ban đầu nuôi từ 5 - 6 lồng, chủ yếu là cá truyền thống, sau anh tiếp tục mở rộng quy mô lồng và giống cá. Đến nay, cơ sở của anh đã phát triển gần 50 lồng cá, trong đó có 3 lồng nuôi cá chép giòn, 10 lồng cá lăng, 10 lồng cá rô phi, 3 lồng cá diêu hồng, số lồng còn lại nuôi cá trắm cỏ và một số loại cá truyền thống khác. Tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi về mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng, anh Thụ cho biết: Tôi muốn làm một điều gì đó cho quê hương và nung nấu “tham vọng” là để người Việt Nam được dùng hàng Việt Nam, bắt đầu từ chính những sản vật của quê hương mình.

 

Với suy nghĩ đó, anh Phạm Đức Thụ đã và đang từng ngày tạo dựng bằng được cho mình thương hiệu nuôi cá chép giòn với quy mô lớn nhưng phải mang tính ổn định lâu dài. Anh Thụ chia sẻ thêm: Nước sông Hồng có thể nói là sạch nhất trong các sông hiện nay. Đoạn sông mà tôi khai thác nước chảy mạnh, rất phù hợp để nuôi cá chép giòn và một số loại cá khác. Vì thế, nếu không khai thác được lợi thế này thì thật lãng phí. Mỗi con cá chép giòn của tôi nặng bình quân từ  6 - 10kg, có con nặng tới 15kg. Giá bán cá chép giòn hiện tại ra thị trường bình quân là 250.000 đồng/kg, con to từ 10kg trở lên thì giá bán khoảng 400.000 - 450.000 đồng/kg. Cùng với đầu tư phát triển quy mô nuôi cá chép giòn trở thành thương hiệu riêng cho mình, hiện tại, anh Thụ còn đầu tư nuôi cá lăng với số lượng khoảng 20 tấn, bình quân mỗi con từ 1,8kg - 2kg. Ngoài ra, còn có hàng chục tấn cá rô phi, cá diêu hồng và cá trắm cỏ. Vì nuôi với quy mô lớn nên anh Thụ làm các lồng cá rất chắc chắn, bảo đảm đúng quy chuẩn đối với từng loại cá nuôi và làm hoàn toàn bằng sắt, kể cả đường ra lồng cũng được làm bằng sắt, giúp cho việc thu hoạch và đi lại trên lồng thuận tiện. Năm 2015, anh Thụ thu về hơn 1 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu thuận lợi, năm 2016, hệ thống lồng cá của anh sẽ cho thu nhập cao hơn năm 2015.

 

 

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của anh Phạm Đức Thụ đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động. Anh Phạm Quang Hiệp, công nhân làm tại cơ sở đã hai năm cho biết: Công việc của người nuôi cá cũng không vất vả nhiều, thu nhập lại khá ổn định, khoảng 4 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, chúng tôi cho cá ăn hai lần bằng hạt đậu tằm. Hạt đậu này rất giàu protein. Vì các lồng cá lúc nào cũng có các loại cá với kích cỡ khác nhau nên chúng tôi cần quan tâm đến lượng thức ăn cho từng lồng và thường xuyên chú ý phát hiện những biểu hiện lạ nếu cá bị dịch bệnh để xử lý sớm, hạn chế thiệt hại.

 

Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Phạm Đức Thụ nuôi gối liên tiếp để có cá bán thường xuyên, đáp ứng nhu cầu người mua. Đến nay, cá của anh chủ yếu xuất bán cho các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... Dám nghĩ, dám làm, mô hình nuôi cá chép giòn của anh Phạm Đức Thụ bước đầu cho hiệu quả cao. Hiện nay, anh Thụ mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ vay vốn cũng như các điều kiện sản xuất, kinh doanh để anh tiếp tục mở rộng sản xuất, thực hiện thành công ước mơ “đánh thức” dòng sông và xây dựng thương hiệu cá chép giòn trên quê hương Hưng Hà.

 

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày