Thứ 2, 01/07/2024, 01:20[GMT+7]

Bây giờ, rau diếp… làm đình!

Thứ 2, 18/01/2016 | 09:47:52
4,063 lượt xem
Câu ca từ ngày xửa ngày xưa mỗi lần cất lên cứ nghèn nghẹn trong cổ như một lời than thân, trách phận duyên kiếp không thành của đôi trai gái quê nghèo: “Bao giờ rau diếp làm đình?/Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta”. Ấy vậy mà giờ đây, kiếp phận đổi đời nên nỗi “Rau diếp làm đình” trở thành sự thật. Không phải là mơ, mà là ước vọng đổi đời, là thành quả hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Ðảng người nông dân có cơ hội làm chủ cuộc đời, ngày ngày trăn trở trên những luống cày, thửa đất, ươ

 

Sau mấy ngày mưa rét, chiều cuối tuần bỗng dưng trời hửng nắng, mát tay ga, tôi vượt khỏi sự ồn ào đô thị tìm về vùng ngoại ô. Trước mắt tôi, vùng rau chuyên canh chất lượng cao Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) trải một màu xanh mát mắt. Những luống xà lách, cải ngọt, mùi thơm… tươi non mơn mởn. Anh Mưu, một nông dân chân chỉ, “chính gốc” Vũ Phúc cởi mở cùng tôi, anh bảo nhà anh có hai sào đất trồng màu, mỗi sào làm được bốn luống rau. Chi phí không nhiều, giống rau có “nhà cung cấp”, cứ việc trồng, đến kỳ thu hoạch, họ (nhà cung cấp) thu gom mang đi. Phân hữu cơ ủ mục, 15.000 đồng/kg, bón lót một lần, cần bao nhiêu, “nhà cung cấp” cho người mang đến. Ðiều tôi quan tâm là rau trồng tươi non thế, liệu có chất gì tưới cho nó không. Mưu nói luôn là không. Rau trồng không phun thuốc trừ sâu, không phun thuốc kích thích. Nước tưới thì đào giếng, nước sạch “trăm phần trăm”. Nhà có điều kiện thì một mình một giếng, không có điều kiện thì vài ba nhà chung nhau. Mưu than phiền, trời hanh khô, phải gánh nước tưới rau, sáng tưới, chiều lại phải tưới. Mà cái dự án nước sạch tưới rau gì ấy nghe đâu bạc tỷ mấy năm nay không thấy tăm hơi.

 

 

Niềm vui khi người nông dân làm chủ ruộng đồng, ươm mầm non xanh.

 

Bất chợt, tiếng xe máy ào qua bờ ruộng. Xe gom rau. Những gói rau bằng túi nilon ước chừng chục ký được xếp đầy xe. Thương lái thuê người đi cắt rau, thuê người chở đến điểm tập kết. Ở đó, rau được xếp lên xe ô tô trọng tải lớn, rồi chở vào các tỉnh phía Nam. Ðà Nẵng là nơi tiêu thụ nhiều nhất. Tôi hỏi Mưu bao lâu được thu hoạch rau? Mưu nhanh nhảu: xà lách, rau mùi thì chừng 45 ngày, rau cải ngọt nhanh hơn khoảng 25 ngày, các loại rau khác cũng ước chừng vậy. Ðang thời điểm thu hoạch, rau đang được giá nhưng thương lái ép quá. Mưu bảo, chỉ “ăn” năm mươi phần trăm thôi. Tôi thắc mắc, Mưu giải thích: năm mươi phần trăm, nghĩa là một ký rau tươi thu hoạch tại ruộng giá hiện tại là 15.000 đồng nhưng họ mua luống. Mỗi luống 800.000 đồng, ước chừng một tạ rau, vậy có phải là “ăn” nửa sao? Tôi hỏi gặng: Mỗi sào mấy luống? Mưu đáp: Sào được bốn luống chạy dài, vị chi hai sào nhà tớ tám luống, mình tính xem, được hơn sáu triệu bạc. Sáu triệu mà chỉ có hơn tháng trời, xem ra gấp bội lần cấy lúa? Thấy tôi tròn mắt, Mưu nói ngay: “Hơn thì là cái chắc rồi, tính ra cũng ngót trăm triệu/héc-ta/năm đấy”.

 

 

Những chiếc xe máy hối hả gom rau.

 

Ðây là vùng chuyên trồng rau, rau trồng quanh năm. Gặp thời tiết thuận lợi, không mưa to, gió lớn thì túc tắc, nông dân hái lá ra tiền. Tôi muốn biết thêm về “nhà cung cấp” mưu chỉ tay sang phía cánh đồng làng bên, Mưu bảo, sang bên đó là đất Trung An, muốn tìm hiểu thì gặp anh Sở, anh Mong.

 

Chỉ vài bước chân, cả một vùng trồng rau chuyên canh Trung An mở ra trước mắt tôi. Tôi nghe thấy tiếng cười nói rôm rả. Một đám người toàn đàn bà sồn sồn 35 - 40 tuổi đi cắt rau thuê cho “nhà cung cấp”. Chị Huê, người cắt rau thuê cho anh Mong cho biết, chị làm nghề cắt rau thuê mấy năm nay, cánh đồng này, thửa nào, ruộng nào của ai chị đều biết. Chị cắt rau thuê cho “nhà cung cấp” được họ trả 120.000 đồng/ngày. Làm liên tục trong tháng cũng đủ tiền cho các cháu ăn học. Rau cắt đến đâu, chủ cho người tưới nước, đóng gói và chuyển đi ngay đến đó. Quan sát cách họ làm, tôi nhận ra một điều, tuy tự phát nhưng những người làm việc thu gom rau (gọi tắt là ông chủ)  rất chuyên nghiệp. Rau được cắt theo sự tính toán của ông chủ thu gom. Luống nào, thửa nào, rau sinh trưởng bao nhiêu ngày, tình trạng rau như thế nào, được hay chưa được thu hoạch, ông chủ này thuộc vanh vách.

 

 

Thành quả lao động.

 

Những đợt gió bấc se lạnh, thổi miên man trên từng luống rau như vuốt ve, nâng rước cho từng mầm rau xanh non. Ước vọng no ấm ngàn đời của người nông dân đang dần hiện lên khi những ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi ngày một nhiều ở vùng quê nghèo xưa kia. Khi heo may rải đồng, đám cưới của những đôi trai gái trong làng thương nhau không còn phải mượn cảnh ví von thân phận như cây rau diếp, bởi những điều không thể đã trở thành điều có thể ngay trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi mặn chát bao đời: “Bây giờ, rau diếp… làm đình!”.

 

Lê Quang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày