Thứ 2, 05/08/2024, 13:19[GMT+7]

Bảo vệ đàn vật nuôi trong rét đậm, rét hại

Thứ 3, 26/01/2016 | 09:55:33
789 lượt xem
Mặc dù đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện chưa bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại, song không vì thế mà nông dân các địa phương trong huyện Hưng Hà chủ quan, lơ là mà đã chủ động, tích cực chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm tránh bị thiệt hại.

Nông dân xã Điệp Nông (Hưng Hà) thắp đèn sưởi ấm cho đàn lợn.

 

Được thông tin về đợt rét đậm, rét hại, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Việt Yên, xã Điệp Nông đã sớm chuẩn bị phòng, chống rét cho đàn lợn, gà của gia đình. Anh Dũng cho biết: Gia đình hiện có 12 con lợn nái, 15 con lợn thịt, 60 con lợn con và gần 100 con gà. Để phòng, chống rét cho đàn lợn, gà gia đình đã đóng kín cửa ra vào chuồng, cửa sổ và che nilon những chỗ bị hở để tránh gió lùa. Nền chuồng cũng được trải rơm, trấu, ngoài ra còn thắp thêm 5 bóng điện sợi đốt và đốt ủ trấu nhằm tăng nhiệt độ trong khu vực chuồng trại. Vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 12oC gia đình cho gia súc, gia cầm ăn uống đầy đủ, bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, ngô, gạo để bảo đảm sức khỏe. Bà Trần Thị Hiên, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã chia sẻ: Trong những ngày xảy ra rét đậm, rét hại, Ban Chăn nuôi và Thú y xã đã tuyên truyền tới các hộ nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống rét, tuyệt đối không thả rông trâu bò vào những ngày giá rét. Đặc biệt, tuyên truyền nông dân chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm để bảo đảm gia súc, gia cầm không bị đói trong những ngày rét. Hiện nay, toàn xã có trên 6.000 con gia súc và trên 41.000 con gia cầm. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã chưa xảy ra thiệt hại gì về gia súc, gia cầm.

 

Cũng như các hộ nông dân ở xã Điệp Nông, gia đình chị Phạm Thị Dinh, thôn Thanh La, xã Minh Khai hiện có đàn gà khoảng 100 con để dành bán trong dịp tết. Từ khi được thông tin về đợt rét đậm, rét hại, chị đã chủ động nhốt gà vào khu vực kín gió và đốt ủ trấu để bảo đảm gà không bị rét, đồng thời cho ăn theo khẩu phần tự do. Mặt khác, được Ban Chăn nuôi và Thú y xã hướng dẫn, chị chú ý duy trì công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc khu chăn nuôi, thường xuyên kiểm tra đề phòng dịch bệnh phát sinh. Bà Nguyễn Thị Thơ, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết thêm: Hiện toàn xã Minh Khai có 1 trang trại và gần 40 gia trại với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 55.000 con, trong đó, 224 con trâu bò, trên 2.570 con lợn, còn lại là gia cầm, thủy cầm. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi chuẩn bị dự trữ thức ăn, Ban Chăn nuôi và Thú y xã hướng dẫn nông dân kỹ thuật che chắn chuồng trại chống rét đối với gia súc, gia cầm. Theo bà Thơ, điều đáng mừng là hiện nay ý thức người dân ở đây đã được nâng cao, nhiều hộ chăn nuôi luôn chủ động phòng, chống đói, rét bảo đảm cho gia súc, gia cầm của gia đình được an toàn.

 

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện: Việc hướng dẫn người chăn nuôi củng cố, che chắn chuồng trại, bảo đảm phòng, chống rét và đủ điều kiện vệ sinh hiện nay hết sức cần thiết trong thời gian có rét đậm, rét hại. Bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện còn hướng dẫn nông dân cần lưu ý làm mới hoặc sửa chữa, củng cố chuồng trại bảo đảm đủ diện tích, che chắn chuồng trại bằng các loại vải bạt, bao dứa, nilon, vật liệu sẵn có tránh mưa hắt, gió lùa vào chuồng nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời bảo đảm thoáng khí, giữ cho nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, có đủ chất độn chuồng. Vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 12oC cần nuôi nhốt gia súc ở trong chuồng trại và cho gia súc, gia cầm ăn uống đầy đủ. Làm áo ấm mặc cho trâu bò, đồng thời cho trâu, bò nghỉ làm việc. Đốt sưởi cho gia súc, gia cầm khi trời lạnh bằng các nhiên liệu như: trấu, củi, than hoặc có thể thắp bóng đèn điện sợi đốt 100 - 150W để giữ ấm trong chuồng.

 

Mặc dù qua kiểm tra đến thời điểm này số gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện vẫn ổn định, chưa phát hiện gia súc, gia cầm bị chết do đói rét nhưng huyện Hưng Hà không lơ là, chủ quan do thời tiết còn diễn biến bất thường. Huyện chỉ đạo các địa phương trên địa bàn, ngoài thực hiện nghiêm túc việc chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi cần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho gia súc đến người chăn nuôi. Khi có dự báo rét đậm, rét hại phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi để bảo đảm đàn vật nuôi được bảo vệ an toàn.

 

Để chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại cho khoảng 6.130 con trâu, bò, 135.600 con lợn, 1,3 triệu con gia cầm và động vật thủy sản, huyện Tiền Hải đã làm tốt công tác tuyên truyền đến các địa phương, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi; bảo đảm không để dịch bệnh phát sinh khi nhiệt độ xuống thấp, gây thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi.

 

Cùng đi với cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện về kiểm tra công tác phòng, chống rét tại xã Vũ Lăng, chúng tôi được biết những ngày này công tác chỉ đạo, tuyên truyền của chính quyền địa phương hết sức quyết liệt, nghiêm túc. Các khuyến cáo để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn trong những ngày rét hại được tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; ban chăn nuôi và thú y xã đến từng hộ gia đình chăn nuôi vận động, hướng dẫn các biện pháp giữ ấm chuồng nuôi, không chăn thả gia súc những ngày nhiệt độ dưới 15oC; tăng cường thức ăn có chứa nhiều vitamin nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi... Cùng với Vũ Lăng, các địa phương trong toàn huyện đều có nhiều giải pháp tuyên truyền đến nhân dân tích cực bảo vệ đàn gia súc, gia cầm tiêu biểu như Tây Ninh, Nam Trung, Tây Tiến, Đông Trà... Ông Bùi Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã Tây Ninh cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của địa phương thực hiện khá tốt. Để bảo vệ cho đàn lợn 1.510 con, gia cầm 17.500 con, đàn trâu, bò 84 con, địa phương thực hiện theo văn bản hướng dẫn của huyện tuyên truyền sâu rộng để nhân dân không chủ quan, chủ động các biện pháp cụ thể về phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm và động vật thủy sản đến từng thôn, gia trại chăn nuôi... giữ ấm chuồng trại bằng điện, đốt trấu, củi, trong quá trình đốt sưởi phải chú ý đề phòng hỏa hoạn và ngạt khí (CO2, CO). Thực hiện tốt việc che chắn chuồng trại, dùng các loại vải, bạt che kín, tránh mưa hắt, gió lùa vào chuồng nuôi gia súc, gia cầm.

 

Theo ngành chuyên môn dự báo rét đậm, rét hại còn kéo dài nên rất dễ phát sinh nhiều bệnh truyền nhiễm ở vật nuôi nếu trước không tiêm phòng và phòng, chống rét cho vật nuôi được tốt như phát sinh bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn và các bệnh đường hô hấp. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tính đến thời điểm này, công tác tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của huyện Tiền Hải thực hiện khá tốt, tỷ lệ tiêm phòng đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả tiêm phòng vụ xuân hè, thu đông, tiêm bổ sung năm 2015 các loại vắc-xin được 598.851 con, trong đó dịch tả lợn 182.366 con, tụ dấu lợn 82.674 con, phó thương hàn 70.112 con, lở mồm long móng 81.949 con, các loại vắc-xin khác đạt 181.760 con. Đối với việc tiêu độc khử trùng, huyện đã cấp hỗ trợ 5.900kg Chlorine, 837kg Han Iodine. Ngoài lượng hóa chất được huyện hỗ trợ, các xã, thị trấn, các hộ chăn nuôi mua bổ sung thêm hóa chất, vôi bột để thực hiện việc tiêu độc khử trùng.

 

Biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

 

Để giúp bà con chăn nuôi chủ động, không lúng túng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần làm tốt một số biện pháp cụ thể phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi như sau:

1. Chuồng trại:

 - Chủ động gia cố, dùng bạt, nilon... che chắn bảo đảm chuồng trại đủ ấm không bị mưa tạt, gió lùa và nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Thường xuyên thay chất độn chuồng và hạn chế rửa chuồng (nhất là lợn con theo mẹ và lợn mới cai sữa).

 - Có thể sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng nuôi bằng trấu, mùn cưa, than củi... Chú ý nơi đốt sưởi có khoảng cách nhất định để cho vật nuôi đủ ấm và phải bảo đảm an toàn trong chuồng nuôi (tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy chuồng nuôi). Đặc biệt đối với gia súc, gia cầm non cần phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi bảo đảm nhiệt độ trong ô úm từ 22-28oC.

 - Đối với những gia súc lớn như trâu, bò, dê,… có thể sử dụng các loại chăn cũ, bao tải, bạt… (nếu có bao tải gai là tốt nhất) may áo giữ ấm cho gia súc.

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng:

- Cần cho gia súc, gia cầm ăn những thức ăn giàu chất dinh dưỡng và pha thêm lượng muối ăn vào thức ăn để tăng khả năng chống rét cho đàn vật nuôi.

- Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex, điện giải... để tăng sức đề kháng của gia cầm, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

3. Về chế độ chăn thả:

- Những ngày thời tiết có nhiệt độ từ 13 - 15oC, gia cầm có thể thả vườn khi trời có nắng và vườn khô ráo. Hạn chế chăn thả trâu bò, cho ăn tại chuồng hoặc cho trâu bò đi muộn về sớm.

- Những ngày thời tiết rét hại <12oC khi có sương muối và băng tuyết vào ban đêm, sáng sớm, nhốt gia súc và gia cầm trong chuồng, có che chắn và cho ăn, uống đầy đủ và sưởi ấm. Mặc áo chống rét cho trâu bò nhất là trâu bò già và bê nghé. Chỉ thả trâu bò ra ngoài khi trời tan sương, có nắng.

4. Chủ động phòng bệnh bằng vắc - xin:

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

5. Kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi:

Hàng ngày bà con chăn nuôi cần theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi và có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời khi con vật ốm. Phát hiện sớm khi vật nuôi bị một số bệnh nguy hiểm như: tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm... phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời.

 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh

 

Mai Thư - Mạnh Thắng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày