Thứ 7, 18/05/2024, 13:36[GMT+7]

Để có “tấc đất, tấc vàng”

Thứ 3, 02/02/2016 | 16:37:23
881 lượt xem
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác là nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực trồng trọt, đã và đang được đẩy mạnh thực hiện. Những năm gần đây, phần lớn diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng luân canh các loại cây trồng khác như ngô, khoai, mướp đắng, dưa… mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Cánh đồng hoa xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình).

 

Năm 2012, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) đã chuyển đổi 30ha đất cấy lúa kém hiệu quả ở những vùng cao sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao như ngô ngọt, dưa gang theo công thức luân canh: ngô ngọt xuân - dưa gang hè - lúa mùa - ngô ngọt đông, từ 3 vụ/năm tăng lên 4 vụ/năm, giá trị kinh tế tăng gấp hai lần. Những mảnh ruộng đã được cày lật, người dân đang tích cực làm luống, chuẩn bị cho một vụ sản xuất mới. Ông Trần Quang Cai, Chủ nhiệm HTX DVNN Tân An (Quỳnh Hoàng) cho biết: Công thức luân canh ngô ngọt xuân - dưa gang hè - lúa mùa - ngô ngọt đông có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương đang từng bước được nhân rộng trong những vụ tới. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao gấp hai lần cấy lúa, mô hình chuyển đổi gắn với bao tiêu sản phẩm còn giúp người dân yên tâm, tin tưởng đầu tư vào sản xuất.

 

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, năm 2015, ngành Nông nghiệp tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, góp phần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Ðến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 177 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 10.546ha, tăng 34 cánh đồng mẫu so với năm 2014. Số cánh đồng mẫu có hợp đồng liên kết sản xuất từ đầu vụ là 111 cánh đồng với diện tích 6.834ha. Là địa phương có truyền thống trồng cây dưa lê hè, một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng lại khá khắt khe về thời vụ, từ năm 2009 trở lại đây, xã Song An (Vũ Thư) đã mở rộng được diện tích trồng dưa lê hè từ 100ha lên 140 - 150ha nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bao tiêu sản phẩm. Ông Trương Nhất Chiến, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Song An cho biết: Từ năm 2009, Song An đã quy hoạch 60ha vùng sản xuất lúa hàng hóa, đưa giống lúa Nhật Koshi vào sản xuất, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH An Ðình (Hà Nội), đến nay diện tích duy trì hơn 100ha mỗi vụ, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cũng nhờ việc đưa giống lúa ngắn ngày vào sản xuất nên đã tạo được quỹ đất sớm, mở rộng diện tích dưa lê hè, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

 

 

Cơ giới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh.

 

Tích tụ ruộng đất là một xu hướng tất yếu để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, sức cạnh tranh cao. Thời gian qua, trong lĩnh vực trồng trọt, tích tụ ruộng đất cũng đã manh nha xuất hiện, đã có nhiều cá nhân, tập thể chủ động đi trước, tạo bước khởi động cho mô hình sản xuất quy mô lớn nhằm xây dựng những vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ðể khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, UBND tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ với quy mô nông hộ từ 3ha trở lên. Mô hình một số hộ nông dân thuê đất để sản xuất với quy mô lớn tại xã Thái Thành (Thái Thụy) là một trong những điển hình đang được ngành Nông nghiệp quan tâm, mở rộng. Ông Phạm Hùng Khiên, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Thái Thành cho biết: Năm 2012, 16 hộ dân trong xã đã đứng ra thuê lại hơn 60 mẫu ruộng của những hộ không có nhu cầu sử dụng thuộc xã Thái Phúc (Thái Thụy) để đầu tư sản xuất. Ðể thuận lợi cho thâm canh, các hộ dân đã tổ chức quy hoạch lại, cải tạo và mua sắm các loại máy móc, nông cụ: máy làm đất, máy gặt, máy phun thuốc trừ sâu để phục vụ sản xuất. Sau một năm đầu cấy các loại giống lúa tự do, năm 2014, các hộ dân thuê ruộng đưa giống lúa Nhật ÐS1 vào sản xuất, HTX đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Năng suất ổn định từ 2 - 2,2 tạ/sào (thóc tươi), Công ty thu mua thóc tươi tại ruộng với giá 5.900 đồng/kg, mô hình “3 không, 5 cùng” này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, là tín hiệu vui đối với sự hình thành của quá trình tích tụ ruộng đất, hướng tới một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

 

 

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tin rằng, với những bước đi đúng đắn, lĩnh vực trồng trọt sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục mang những mùa vàng, những cánh đồng bội thu đến với người nông dân.

Lưu Ngần - Thành Tâm

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày