Thứ 4, 31/07/2024, 03:25[GMT+7]

Khúc hoan ca trên biển

Thứ 6, 05/02/2016 | 09:15:07
765 lượt xem
Giữa biển khơi đầy sóng gió, ngư dân bám biển mưu sinh phải đối mặt với biết bao rủi ro, hiểm nguy, thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Song vượt lên trên mọi hiểm nguy đe dọa, ngư dân vẫn kiên cường vươn khơi bám biển khai thác hải sản. Không chỉ với mục đích vươn lên làm giàu mà mỗi ngư dân còn nhận thức sâu sắc rằng, một con tàu cá dù nhỏ bé nhưng với lá quốc kỳ tung bay chính là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Tàu của ông Nguyễn Văn Cường (thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy) đang được đóng mới tại Công ty Cổ phần Đại Dương.

Nhà nhà, người người hân hoan

Không giấu niềm phấn khởi, anh Tô Bá Viết ở khu 9, thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy) cho biết, gia đình anh có tàu công suất 440CV, kéo lưới đôi vùng xa bờ, khai thác cá tạp. Năm 2015, trừ mọi chi phí gia đình thu lãi được 700 triệu đồng. Cả khu 9, nơi anh sinh sống đều mưu sinh nhờ bám biển, trong đó có khoảng 60 tàu khai thác, còn lại làm nghề dịch vụ, hậu cần nghề cá. Bản thân gia đình anh và gia đình người anh trai là Tô Bá Viên vốn đi biển từ ngày còn bé, nghề đi biển cũng đã được truyền đến 4 đời. Hơn 30 năm làm nghề đi biển, ông Bùi Xuân Cử, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cho biết: Chưa có năm nào việc đánh bắt ghẹ bằng lồng bẫy của ông thuận lợi như năm 2015. Giá dầu xuống thấp, sản lượng ghẹ lại nhiều. Với tàu vỏ gỗ 110CV, 6 tháng chính vụ đầu năm 2015 ông thu được khoảng 1 tỷ đồng, những tháng cuối năm được gần 500 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Cử tràn đầy niềm vui mà 6 lao động làm thường xuyên trên tàu của ông cũng phấn khởi với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Gặp các chủ tàu khác đang neo đậu tại bến cá cửa Lân (Tiền Hải) như ông Khuyên, ông Khái... gương mặt ai cũng rạng rỡ, hân hoan bởi một năm qua đi, dù là tàu khai thác hay tàu hậu cần nghề cá đều cho thu nhập cao, từ 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, năm 2015 trên địa bàn 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải hiện có hơn 1.000 phương tiện hoạt động nghề cá, đạt sản lượng khai thác nước mặn, lợ gần 54.000 tấn, cho giá trị khai thác thủy sản ước đạt 1.006,018 tỷ đồng.

Sửa chữa, nâng cấp tàu.

Những điểm tựa vững chắc

Khi được hỏi về những hiểm nguy phải đối mặt trên biển, những ngư dân chúng tôi gặp đều khẳng định là có nhưng họ không sợ. Anh Tô Bá Viết cho biết: Những lần đánh bắt vùng xa, không ít lần anh gặp tàu nước ngoài vào ban đêm. Không sợ những tàu lạ bởi anh có kinh nghiệm nhiều năm đi biển, đồng thời biết mình đang đánh bắt hải sản trên vùng biển của đất nước ta. Còn ông Bùi Xuân Cử cho biết: Khi ra khơi khai thác hải sản ông thường đi theo đội tàu để hỗ trợ lẫn nhau khi có biến cố. Mặt khác, mình là "chủ nhà" lý đâu lại sợ "phường trộm cướp". Ngoài ra, trên hải phận của ta còn rất nhiều lực lượng là điểm tựa vững chắc cho ngư dân như lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, cứu hộ... Ðặc biệt, các ngư dân vững tin, phấn khởi khi Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho họ. Tháng 1/2015, đôi tàu của hai anh em anh Tô Bá Viết được hỗ trợ 150 triệu đồng theo Quyết định số 3044/QÐ-UBND của UBND tỉnh. Khoản tiền đó được hai anh em sử dụng mua trang thiết bị thông tin liên lạc, mua lưới và máy dò luồng cá. Ông Bùi Xuân Cử cũng vững tin hơn khi ông chuẩn bị được ra khơi không phải bằng tàu vỏ gỗ công suất thấp, thay vào đó là tàu vỏ thép công suất 811CV đóng mới theo Nghị định số 67 với vốn đầu tư 15,4 tỷ đồng đang đóng tại Doanh nghiệp tư nhân cơ khí đóng tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn (Kiến Xương). Tại Công ty Cổ phần Ðại Dương (Thái Thụy), tàu cá vỏ thép công suất 814CV, vốn đầu tư gần 18 tỷ đồng (đã giải ngân 2,06 tỷ đồng) theo Nghị định số 67 của chủ tàu Nguyễn Văn Cường (thị trấn Diêm Ðiền, Thái Thụy) cũng đang được lắp ráp phần tôn vỏ. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 67 tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã phê duyệt danh sách 25 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67, trong đó có 18 tàu khai thác (huyện Thái Thụy 13 tàu, huyện Tiền Hải 5 tàu) và 7 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (huyện Thái Thụy 5 tàu, huyện Tiền Hải 2 tàu). Ðến tháng 10/2015 có 5 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng với tổng số tiền cam kết cho vay 53,6 tỷ đồng và giải ngân được 10,12 tỷ đồng. Cũng trong chương trình thực hiện Nghị định số 67, đã hỗ trợ gần 647 triệu đồng kinh phí bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên cho tàu cá.

Năm 2015 đã khép lại với những niềm vui vô bờ bến của ngư dân. Chào xuân mới Bính Thân năm 2016, những người con của đất nước anh hùng, yêu chuộng hòa bình với bản tính hiền lành, cần cù nhưng cũng rất đỗi kiên cường, tiếp tục vươn khơi bám biển làm giàu, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trên biển, họ mang theo sự gửi gắm niềm tin từ đất liền, hàng ngày, hàng giờ cất cao lời hát: Biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa...

Ông Ðào Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản

Ngoài các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong lĩnh vực khai thác thủy sản như Quyết định số 3044/2013/QÐ-UBND, Quyết định số 16/2014/QÐ-UBND... Ðơn cử như thực hiện Quyết định số 16, ngày 31/12/2014, UBND tỉnh đã cấp gần 1,4 tỷ đồng cho huyện Thái Thụy hỗ trợ cho 85 chủ tàu cá trong việc đóng mới, cải hoán, mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên; ngày 12/10/2015 cấp hơn 7 tỷ đồng để hỗ trợ đóng mới, nâng cấp 56 tàu cá; cuối tháng 12/2015, các cơ quan chức năng trình UBND tỉnh hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp tàu cá và mua bảo hiểm thân tàu...

Ông Bùi Xuân Cử, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải)

Ðang sử dụng tàu vỏ gỗ, được vay vốn đóng tàu vỏ thép, gia đình tôi cũng như các chủ tàu được tham gia vay vốn theo Nghị định số 67 vô cùng phấn khởi. Với những con tàu vỏ thép, công suất lớn, thiết bị hiện đại giúp chúng tôi có điều kiện khai thác xa bờ, đạt giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta. Ðặc biệt, việc Chính phủ ban hành Nghị định 89/2015/NÐ-CP đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định số 67 như tăng thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới...

Ông Tô Bá Viết, khu 9, thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy)

Cá nhân tôi nói riêng, các ngư dân nói chung vô cùng phấn khởi khi được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi mong muốn các chính sách hỗ trợ ngư dân tiếp tục được triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, tôi đề nghị các cấp, các ngành xem xét mức hỗ trợ nhiều hơn để ngư dân có điều kiện mua sắm trang thiết bị hiện đại để hoạt động có hiệu quả hơn. Chẳng hạn, hiện tàu của chúng tôi mới trang bị được máy dò cá loại đứng, nếu được trang bị máy dò ngang thì hiệu quả khai thác sẽ cao hơn rất nhiều. Song máy dò cá ngang khoảng 200 - 300 triệu đồng, gấp gần 10 lần máy dò cá đứng.

Đức Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày