Thứ 3, 30/07/2024, 09:25[GMT+7]

Hào hứng gieo sạ vụ xuân

Thứ 5, 25/02/2016 | 09:36:45
1,043 lượt xem
Những ngày đầu xuân Bính Thân 2016, cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh nô nức sản xuất vụ xuân, nông dân Kiến Xương cũng đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy cho kịp khung thời vụ. Vụ xuân những năm gần đây, thay vì gieo cấy theo phương thức truyền thống, người nông dân đã chuyển mạnh sang phương thức gieo sạ, góp phần giảm công lao động, chi phí sản xuất, đẩy nhanh lịch thời vụ và tăng năng suất rõ rệt.

Nông dân xã Quốc Tuấn gieo sạ ở vụ xuân năm 2016.

 

Lê Lợi là một trong những xã đi đầu trong sản xuất lúa xuân theo phương thức gieo sạ. Tại cánh đồng của thôn Đông Thổ, các gia đình đang huy động hết nhân lực, vật lực xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Trên những mảnh ruộng rộng lớn, vuông vắn như ô bàn cờ, người thì nhanh tay san phẳng mặt ruộng, chia ô, người thì mải miết vãi mộng đều tăm tắp. Bà Nguyễn Thị Bốn vừa vãi mộng mạ vừa trò chuyện với chúng tôi: Từ nhiều năm nay, vụ xuân cũng như vụ mùa, bà con trong thôn chúng tôi đều áp dụng phương thức gieo sạ. Cả thôn bây giờ không còn nhà nào gieo cấy theo phương thức truyền thống nữa. Nhà tôi có 4 khẩu, tính ra chỉ có hơn 6 sào ruộng nhưng hiện tại có đến gần 2 mẫu ruộng do đấu thầu thêm diện tích của những gia đình đi làm ăn xa. Nếu như trước đây, với hơn 6 sào ruộng, hai vợ chồng tôi vừa nhổ mạ vừa vận chuyển vừa cấy mất khoảng từ 4 - 5 ngày thì bây giờ gần 2 mẫu ruộng gieo sạ chỉ mất khoảng 2 ngày nhưng lại nhàn hơn rất nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Lê Lợi, những vụ đầu khi chuyển sang áp dụng phương thức gieo sạ, do đã quen với tập quán canh tác truyền thống nên nhiều hộ dân vẫn còn tâm lý ngại thay đổi và băn khoăn về hiệu quả của phương thức gieo sạ. Năm 2008, HTX đã chọn vùng làm điểm áp dụng phương thức gieo sạ với diện tích 10ha, sau đó tổ chức hội thảo đầu bờ, mời bà con đến tham quan, so sánh hiệu quả với gieo mạ nền cấy tay, gieo mạ khay cấy máy thì thấy phương thức gieo sạ đem lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, Lê Lợi là xã nghề, đa số người dân đều tham gia làm nghề nên việc áp dụng phương thức gieo sạ trong sản xuất nông nghiệp đã giảm được công lao động, đẩy nhanh lịch thời vụ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân dành thời gian cho làm nghề, trong khi đó năng suất lại cao hơn từ 10 - 20% so với cấy lúa truyền thống. Thấy được những lợi thế từ phương thức gieo sạ, nhân dân trong vùng đã vào cuộc rất nhanh, nếu vụ xuân năm 2009 diện tích gieo sạ toàn xã chiếm 30% thì năm 2012 đã tăng lên 70%, năm 2015 là 90%. Vụ xuân năm 2016, toàn xã phấn đấu gieo cấy 408,7ha lúa xuân, trong đó diện tích gieo sạ là 405ha.

 

Rời Lê Lợi, chúng tôi đi qua cánh đồng của xã Quốc Tuấn. Mặc dù đã gần trưa nhưng không khí lao động vẫn rất tất bật. Trên cánh đồng của thôn Đắc Chúng Nam, vừa gieo sạ xong mảnh ruộng 5 sào, bà Phạm Thị Thanh đang thu dọn đồ đạc để chuẩn bị ra về. Bà Thanh cho biết: Nhiều năm nay, ngoài diện tích ruộng của gia đình, tôi còn đấu thầu thêm diện tích cấy lúa với tổng 3,7 mẫu. Ngày trước còn gieo cấy theo phương thức truyền thống, chồng tôi hay đi làm ăn xa, nhà chỉ có 7 sào ruộng nên cứ mỗi khi đến thời vụ tôi lại phải gọi điện cho chồng về phụ giúp công việc đồng áng. Giờ gần 4 mẫu ruộng, một mình tôi túc tắc làm, cùng với hai con tranh thủ phụ giúp những buổi được nghỉ học cũng chỉ cần 4 ngày là xong hết. Áp dụng phương thức gieo sạ, người làm nông nghiệp như chúng tôi được giải phóng sức lao động, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất. Chỉ cần làm phép tính so sánh chi phí cho thóc giống cũng thấy được: nếu như trước đây, để có mạ cấy cho mỗi sào ruộng thì phải ngâm, ủ từ 3 - 4kg thóc giống nhưng bây giờ gieo sạ chỉ mất từ 1 - 1,2kg thóc giống, trong khi đó năng suất lúa lại cao hơn. Cụ thể, gieo cấy giống lúa Q5 theo phương thức truyền thống nếu được mùa cũng chỉ đạt khoảng 2 - 2,2 tạ/sào, trong khi gieo sạ thì đạt bình quân 2,5 tạ/sào. Ông Phạm Quang Hiến, Phó Chủ nhiệm HTX DVNN xã Quốc Tuấn cho biết: Trước dồn điền đổi thửa, ruộng đất còn manh mún, nhỏ lẻ, tổng diện tích gieo sạ toàn xã chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Sau dồn điền đổi thửa theo chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được đầu tư đồng bộ, tưới tiêu hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, 100% hộ dân trong xã đều áp dụng phương thức gieo sạ, nhờ đó năng suất tăng lên. Vụ xuân năm 2016, Quốc Tuấn phấn đấu gieo cấy 340ha lúa xuân với cơ cấu giống lúa năng suất cao chiếm 30%, lúa chất lượng cao chiếm 50%, còn lại là các giống khác; phấn đấu đạt năng suất trên 70 tạ/ha.

 

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương, phương thức gieo sạ đã được người dân địa phương áp dụng từ nhiều năm nay nhưng thực sự phát triển mạnh từ năm 2014. Vụ xuân năm 2016, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 11.300ha lúa xuân, trong đó diện tích lúa gieo sạ chiếm 50% tổng diện tích (bằng diện tích gieo sạ vụ xuân năm 2015). Nhưng đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của HTX DVNN các xã, thị trấn đã cơ bản hoàn thành diện tích gieo cấy lúa vụ xuân theo phương thức gieo sạ với tổng diện tích hơn 6.000ha (tăng gần 500ha so với kế hoạch).

 

Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày