Thứ 3, 13/08/2024, 08:27[GMT+7]

Vũ Công đột phá trong phương thức gieo sạ

Thứ 3, 08/03/2016 | 10:46:57
545 lượt xem
Hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích từ ngày 20/2, hiện tại, nông dân xã Vũ Công (Kiến Xương) đang bắt tay vào chăm sóc lúa xuân. Vụ xuân những năm gần đây, thay vì gieo cấy theo phương thức truyền thống, nông dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng phương thức gieo sạ, tạo bước đột phá trong sản xuất lúa.

Người dân thôn Thái Công Nam, xã Vũ Công chăm sóc diện tích gieo sạ.

 

Là xã thuần nông với đặc điểm đồng ruộng úng trũng, khó thoát nước, những năm trước đây, Vũ Công gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, lực lượng trong độ tuổi lao động thường xuyên đi làm ăn xa, mỗi khi bước vào mùa vụ địa phương bị thiếu nhân công khiến cho thời gian sản xuất kéo dài cả tháng. Trước đây, khi còn duy trì phương thức gieo cấy truyền thống, để bảo đảm khung thời vụ, nhiều gia đình phải thuê nhân công cấy với giá cao, vì thế chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng tới tâm lý của người nông dân, nhiều hộ không thiết tha với đồng ruộng, đi làm công nhân ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp.

 

Trước thực trạng trên, Ban Quản trị HTX DVNN xã quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất và tập quán canh tác của người dân địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Chủ nhiệm HTX DVNN xã cho biết: Vụ xuân năm 2013, Ban Quản trị HTX DVNN xã đã chọn vùng làm điểm áp dụng phương thức gieo sạ với diện tích hơn 10ha. Từ mô hình làm điểm cho thấy phương thức gieo sạ đã rút ngắn khung thời vụ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất. Nếu như thời gian gieo cấy vụ xuân những năm trước đây kéo dài từ 15 - 20 ngày thì khi áp dụng phương thức gieo sạ chỉ cần từ 5 - 7 ngày. Về chi phí sản xuất, một mẫu ruộng cấy tay mất khoảng 2 triệu tiền công (bình quân 200.000 đồng/người/sào/ngày) thì nay một mẫu ruộng gieo sạ chỉ mất 3 công làm đất và gieo sạ, 2 công dặm tỉa (ước tính giảm 50% chi phí). Trong khi đó, lúa cấy theo phương thức gieo sạ cho năng suất cao hơn 15 - 20% so với lúa cấy theo phương thức truyền thống. Sau làm điểm thành công, bà con nông dân đã vào cuộc rất nhanh. Nếu vụ xuân năm 2014 diện tích gieo sạ toàn xã mới đạt 50% tổng diện tích thì vụ xuân năm 2015 đã tăng lên 95%. Vụ xuân năm 2016, toàn xã hoàn thành gieo cấy hơn 319ha lúa xuân, trong đó diện tích gieo sạ chiếm 99,3% tổng diện tích.

 

Những năm trước đây, để đạt mục tiêu năng suất lúa 130 tạ/ha/năm, Vũ Công mới chỉ đưa vào gieo sạ các nhóm giống lúa lai và lúa thuần cho năng suất cao. Sau khi áp dụng phương thức gieo sạ, cơ cấu giống lúa của xã có sự thay đổi rõ rệt. Vụ xuân năm 2014 và năm 2015, xã đã mở rộng diện tích sạ một số giống lúa hàng hóa, sau thu hoạch năng suất bình quân vẫn đạt trên 71 tạ/ha, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Vụ xuân năm 2016, xã tiếp tục bố trí cơ cấu giống với nhóm lúa lai chiếm 35% diện tích, nhóm lúa thuần cho năng suất cao chiếm 40%, còn lại là nhóm lúa chất lượng cao; phấn đấu năng suất đạt từ 70 - 72 tạ/ha trở lên. Trước hiệu quả và lợi thế từ phương thức gieo sạ mang lại, bà con nông dân không chỉ hào hứng với đồng ruộng mà còn chủ động tăng diện tích gieo cấy lúa hàng hóa, từ đó đời sống từng bước đổi thay. Gia đình anh Lều Hữu Đình và chị Lều Thị Oanh (thôn Thái Công Nam) là một trong những hộ có diện tích gieo sạ lớn. Chị Oanh cho biết: Trước đây, nhà tôi chỉ có 7 sào ruộng, mỗi khi đến vụ cấy tôi cảm thấy sợ vì không thuê được nhân công, chồng thì đi làm xa, con cái còn nhỏ... Từ khi áp dụng phương thức gieo sạ, nhà tôi đấu thầu cấy gần 4,5 mẫu ruộng, vụ xuân gieo sạ 100% diện tích, chưa đến 10 ngày đã gieo cấy xong. Giờ làm mùa vụ không chỉ nhàn mà lợi thế đủ đường, giảm được công lao động, chi phí gieo mạ và công dặm tỉa, lúa có khả năng chống chịu với thời tiết xấu và sâu bệnh tốt hơn, cho năng suất cao hơn. Nếu 1 sào lúa cấy tay với giống BC15 mất từ 2 - 4kg thóc giống, năng suất đạt bình quân 2 - 2,2 tạ/sào thì 1 sào lúa gieo sạ chỉ cần 1kg thóc giống, năng suất đạt bình quân 2,5 tạ/sào.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạnh, áp dụng phương thức gieo sạ ở vụ xuân đã thực sự tạo bước đột phá trong sản xuất lúa, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển mạnh. Có được chuyển biến tích cực này là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất; Ban Quản trị HTX DVNN xã luôn chủ động tham mưu xây dựng đề án sản xuất sát với điều kiện, tình hình thực tế địa phương, chặt chẽ trong khâu điều hành, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm kế hoạch sản xuất… Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, Vũ Công đã chú trọng dồn điền đổi thửa, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó mở   rộng diện tích gieo sạ. Có thể khẳng định, những năm tiếp theo, gieo sạ ở vụ xuân chính là phương thức canh tác hiệu quả của địa phương.

 

Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày