Thứ 7, 18/05/2024, 15:25[GMT+7]

Đông Hưng tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa xuân

Thứ 6, 18/03/2016 | 09:29:45
1,288 lượt xem
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Đông Hưng tích cực xuống đồng chăm sóc, bảo vệ lúa xuân với mong muốn giành mùa vàng bội thu.

Nông dân xã Đông Các bón thúc đợt 1 cho lúa xuân.

Vụ xuân năm 2016, Đông Hưng gieo cấy được 11.800ha, trong đó diện tích lúa gieo thẳng đạt 4.500ha. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn huyện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Những diện tích gieo vãi, gieo sạ đã ra từ 2 - 3 lá; trà lúa cấy bằng mạ dược, mạ sân đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh. Để bảo đảm thắng lợi vụ xuân, những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân các địa phương trong huyện đã tập trung ra đồng tỉa dặm, bón phân, chăm sóc lúa xuân... Cùng với bón thúc đợt 1, bà con còn kết hợp với làm cỏ để cỏ dại không cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng của lúa, giúp giải phóng khí độc tích tụ trong đất, cung cấp ôxy giúp lúa phát triển tốt bộ rễ cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tránh hiện tượng mất dinh dưỡng do rửa trôi và bay hơi.

Ông Trần Đình Diên, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Phong Châu cho biết: Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa xuân của xã cơ bản phát triển tốt, chưa phát hiện sâu bệnh. Đối với những ruộng lúa có tỷ lệ chết thấp, HTX đã hướng dẫn nông dân cấy dặm ngay để bảo đảm mật độ, đồng thời thường xuyên giữ mực nước để lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa xuân, HTX đã chỉ đạo các thôn điều tiết nước hợp lý, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình chăm bón, tạo điều kiện cho lúa phát triển ngay từ đầu vụ với các loại phân tổng hợp, phân đa dinh dưỡng... Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức đánh bắt chuột, diệt ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công, hóa học nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột, ốc bươu vàng gây ra làm khuyết mật độ và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa xuân.

Có mặt tại cánh đồng xã Đông Các, chúng tôi cảm nhận được không khí tấp nập, khẩn trương chăm sóc lúa xuân của bà con nông dân nơi đây. Bên thửa ruộng xanh non mơn mởn, anh Bùi Văn Hới ở thôn Bắc Lịch Động đang bón phân cho lúa chia sẻ: Thời tiết sau gieo cấy tương đối thuận lợi nên lúa phát triển đều và đẹp. Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 1,2 mẫu, chủ yếu là giống Bắc thơm, T10… Đến ngày 18/2, toàn bộ diện tích đã được cấy xong, hiện nay lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, đã ra được 3 lá. Xác định chăm sóc lúa là yếu tố quyết định cho một vụ sản xuất thắng lợi nên ngay sau khi gieo cấy xong gia đình tôi đã chủ động ra đồng tỉa dặm, bón thúc đợt 1, tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt nhất.

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng tại một số địa phương cho thấy, công tác chăm bón còn chậm, một số diện tích gieo cấy không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là một số diện tích lúa gieo thẳng có mật độ cao; một số diện tích gieo thẳng cạn nước, bị chuột, ốc bươu vàng gây hại. Trước tình trạng trên, để tạo điều kiện cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển thuận lợi, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa xuân, trong đó cần lưu ý giữ đủ nước cho lúa từ 3 - 5cm đối với ruộng cấy bằng mạ dược, 2 - 3cm đối với ruộng cấy bằng mạ gieo trên nền đất cứng. Đối với diện tích lúa gieo thẳng cần cho nước vào ngập chân mạ và tỉa dặm sớm để bảo đảm mật độ. Thực hiện nghiêm quy trình bón phân đối với từng giống lúa, không bón đạm đơn, đặc biệt là với các giống BC15, Q5 và một số giống nhiễm bệnh đạo ôn. Đối với lúa cấy phải bón thúc sớm khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, bón đủ lượng, tạo điều kiện cho lúa phát triển ngay từ đầu. Sử dụng các loại phân tổng hợp, phân đa dinh dưỡng NPK chuyên thúc để bón cho lúa… Thời gian tập trung chăm sóc, bón thúc đợt 1 cho lúa kết thúc trước ngày 15/3; thời gian bón thúc đợt 2 sau bón thúc đợt 1 từ 10 - 15 ngày. Đối với những diện tích lúa gieo thẳng, khi cây lúa đạt từ 2,5 - 3 lá cần giữ nước láng mặt ruộng kết hợp với bón nhử từ 2 - 3kg đạm/sào, khi cây lúa đạt từ 3 - 4 lá cần tập trung bón thúc kết hợp tỉa dặm và duy trì nước nông trên mặt ruộng. Ngoài các biện pháp kích thích cho lúa sinh trưởng, phát triển, bà con nông dân cũng cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh kịp thời, tiêu diệt sớm, không để nguy cơ lây lan, phát sinh thành dịch, đồng thời cần chú ý các đối tượng như chuột, ốc bươu vàng…

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày