Thứ 6, 02/08/2024, 13:19[GMT+7]

Hiệu quả kinh tế từ vùng chuyển đổi ở Ðông Thọ

Thứ 4, 06/04/2016 | 08:30:12
541 lượt xem
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu, nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) đã thực hiện quy hoạch vùng achuyển đổi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình trồng quất cảnh và nuôi cá của ông Phạm Văn Ngọc (người ngoài cùng bên trái).

 

Gia đình ông Hà Văn Ổn, thôn Quang Trung là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư ra vùng chuyển đổi và có thu nhập cao. Ông chia sẻ: Gia đình tôi ra vùng chuyển đổi từ năm 2011, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất, chưa có kinh nghiệm gì nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương cùng sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình, mọi hoạt động dần đi vào ổn định và phát triển. Với diện tích gần 3.000m2, tôi đầu tư nuôi lợn thịt, gà và vịt đẻ. Một năm xuất đều hai lứa lợn, mỗi lứa gần 300 con lợn thịt. Thu nhập của gia đình tôi từ lợn, gà và vịt đẻ khoảng 600 - 700 triệu đồng/năm. Hiện nay, tôi đang đầu tư xây dựng thêm chuồng nuôi lợn nái để chủ động nguồn giống.

 

Không chọn chăn nuôi gia súc, gia cầm như ông Ổn, ông Phạm Văn Ngọc, thôn Trần Phú chọn trồng cây quất cảnh và đào ao nuôi cá tại vùng chuyển đổi của gia đình để phát triển kinh tế. Ông Ngọc cho biết: Gia đình tôi đầu tư ra vùng chuyển đổi được 4 năm nay. Với diện tích 4.600m2, tôi dành 2.420m2 để trồng quất cảnh, rau màu, cây ăn quả các loại và 2.180m2 đào ao thả các giống cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi… Ngoài sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bản thân tôi thường xuyên tìm đến các mô hình phát triển kinh tế của các xã lân cận để tham quan, học hỏi, thấy điều gì hay, có hiệu quả tôi áp dụng vào mô hình của gia đình. Tổng thu nhập của gia đình tôi từ mô hình này khoảng 300 triệu đồng/năm.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã rất chú trọng đầu tư quy hoạch các vùng chuyển đổi nhằm phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân. Địa phương thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo quy hoạch chi tiết về vùng chuyển đổi từ vùng cấy lúa kém hiệu quả với tổng diện tích 20ha. Bước đầu thực hiện, xã gặp rất nhiều khó khăn bởi vùng chuyển đổi mới hình thành, bà con phải đầu tư số vốn lớn, đầu ra chưa ổn định và nhiều hộ gia đình còn thiếu vốn, không có điều kiện sản xuất. Đứng trước những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Tổ hợp tác trồng cây quất cảnh tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị đầu bờ, tạo điều kiện cho bà con nông dân liên kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tham quan, học hỏi các mô hình có hiệu quả. Song song với đó, xã có những cơ chế hỗ trợ giúp bà con vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất. Thường xuyên tổ chức các buổi quảng bá, truyền thông về những sản phẩm của vùng chuyển đổi để khách hàng biết đến, tạo đầu ra thuận lợi cho bà con. Tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tập trung phát huy, phát triển các cây, con có giá trị cao như quất cảnh, đào, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện bê tông hóa hệ thống giao thông nội đồng, các bờ vùng, bờ thửa của vùng chuyển đổi, phục vụ thuận lợi cho sản xuất.

 

Về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2014, từ đó đến nay, Đông Thọ vẫn luôn sâu sát chỉ đạo, tuyên truyền các ban, ngành, đoàn thể và bà con nông dân thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của vùng chuyển đổi. Giá trị từ vùng chuyển đổi mang lại ngày càng được khẳng định, nếu so với cấy lúa như trước đây, giá trị kinh tế hiện nay của vùng chuyển đổi cao hơn từ 10 - 15 lần. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, hoàn vốn đầu tư và thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 2,61%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tăng 8,5 triệu đồng so với năm 2011.

 

Thời gian tới, Đông Thọ tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con nông dân liên kết với nhau để phát triển mạnh hơn nữa các mô hình cây, con có hiệu quả, không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế chung của xã.

 

Phạm Huế

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày