Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Tiêm phòng vắc xin cho lợn tại huyện Kiến Xương.
Dịch bệnh còn phức tạp
Nhìn lại năm 2015, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh cơ bản ổn định; các bệnh thông thường xuất hiện ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác đã được xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch. Tuy nhiên, chỉ trong ba tháng cuối năm đã xuất hiện hai trường hợp bệnh dịch đáng lưu ý. Vào tháng 10/2015 phát sinh ổ dịch cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ) với tổng đàn 2.000 con gà. Kết quả kiểm tra lâm sàng, mổ khám và xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng II - Cục Thú y đã khẳng định, đàn gia cầm đã bị mắc bệnh cúm gia cầm H5N6. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với UBND huyện Quỳnh Phụ tập trung chỉ đạo sử dụng 61,5kg hóa chất (60kg Bencocid, 1,5kg Cloramin) và 800kg vôi bột xử lý và khoanh vùng dịch bệnh, đồng thời tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho 14.891 con gia cầm (13.802 con gà, 1.089 con vịt, ngan) của 148 hộ chăn nuôi theo quy trình xử lý ổ dịch. Đến ngày 3/11/2015, qua 21 ngày, tình hình dịch bệnh ở xã Quỳnh Khê ổn định, không xuất hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm mới.
Tiếp đó, từ ngày 24/12/2015 đến ngày 22/1/2016, ổ dịch lở mồm long móng đã làm 16 con bò của 4 hộ chăn nuôi thuộc thôn Nguyệt Lâm 1, xã Vũ Bình (Kiến Xương) bị mắc bệnh. Nhờ sự can thiệp và khoanh vùng dịch kịp thời của cơ quan chức năng nên 100% số bò ốm đều được điều trị khỏi, không phải xử lý tiêu hủy và không có hiện tượng lây lan. Đã có 519 con gia súc ở 172 hộ chăn nuôi thuộc diện khoanh vùng được tiêm phòng bổ sung vắc-xin lở mồm long móng; sử dụng 1.700kg vôi, 200kg hóa chất tiêu độc khử trùng chống dịch.
Thời tiết lạnh, ẩm (từ tháng 12/2015 đến 3/2016) ở các trang trại chăn nuôi lợn có mật độ cao xuất hiện hiện tượng tiêu chảy cấp do vi rút (PED) và hiện tượng viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE) gây chết ở lợn con. Trong thời điểm giao mùa xuân, hè đã xuất hiện hiện tượng ho thở, viêm phổi dính sườn, bệnh suyễn ở đàn lợn (thường xảy ra ở lợn sau cai sữa và lợn choai). Trên đàn gà xuất hiện các bệnh ký sinh trùng đường máu và bệnh đầu đen hay bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm. Các trường hợp dịch bệnh trên đã được trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố, Trạm Chẩn đoán điều trị bệnh động vật hướng dẫn xử lý, điều trị, đạt kết quả tốt.
Vào cuộc quyết liệt
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh có 48.205 con trâu, bò; 1.046.689 con lợn; 11.774.000 con gia cầm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 43,16%, giá trị sản xuất ước đạt 8.675 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014. Góp phần để sản xuất chăn nuôi được duy trì ổn định, tăng trưởng có sự đóng góp quan trọng của việc làm tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ông Phạm Thành Nhương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Năm 2015, Chi cục đã cung ứng 210.210 liều vắc-xin các loại để tiêm phòng cho đàn gia cầm, trong đó 110.000 liều vắc-xin Navet - Vifluvac phòng bệnh cúm gia cầm và 100.210 liều vắc-xin phòng các bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, tụ huyết trùng, dịch tả vịt... Tổng số gia súc được tiêm phòng dịch là 3.807.415 lượt con, tăng so với các năm trước và tăng gần 5,3% so với năm 2014.
Năm 2016, dự báo dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm nói riêng phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương, là trách nhiệm của toàn dân, cần huy động mọi nguồn lực tham gia. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng loạt thành chiến dịch trên phạm vi toàn tỉnh trong khoảng thời gian từ 10 - 15 ngày. Cùng với đó, cần có kế hoạch tiêm bổ sung hàng tháng cho gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng và tiêm sót ở đợt chính. Theo đó, thời gian thực hiện tiêm phòng đại trà từ ngày 1 - 15/4 theo hình thức tiêm cuốn chiếu từng thôn, xóm hoặc tiêm đồng loạt trên địa bàn xã. Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm cung ứng vắc-xin tiêm phòng các bệnh đỏ cho lợn và vắc-xin lở mồm long móng cho đàn lợn nái, lợn đực giống đối với các gia trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; vắc-xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh. Các loại vắc-xin khác được huy động nguồn lực của các địa phương, các tổ chức, cá nhân và người chăn nuôi. Trong chiến dịch tiêm phòng, các trạm chăn nuôi và thú y thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày và sau khi kết thúc tiêm phòng đại trà, trong thời gian 10 ngày, các huyện, thành phố hoàn thành thẩm định kết quả tiêm phòng của địa phương, gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau tiêm phòng, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát lâm sàng, giám sát huyết thanh để kịp thời xử lý các trường hợp phản ứng với vắc-xin và đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng.
Phan Lợi
Tin cùng chuyên mục
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đợt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 29.04.2025 | 19:02 PM
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả