Thứ 7, 03/08/2024, 19:10[GMT+7]

Ðông Minh quyết tâm giành thắng lợi nuôi trồng thủy sản ngay từ vụ đầu

Thứ 7, 30/04/2016 | 16:27:31
505 lượt xem
Năm 2015, với các con nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, cua xanh và cá, Ðông Minh (Tiền Hải) thu được gần 25 tỷ đồng. Năm 2016, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã, nhằm tạo đột phá kinh tế từ nuôi trồng thủy sản, Ðông Minh tập trung dồn lực quyết tâm giành thắng lợi nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngay từ vụ đầu.

Nạo vét mương tưới tiêu phục vụ nuôi trồng thủy sản.

 

Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của NTTS đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ đầu tháng 10/2015, UBND xã đã ban hành Đề án sản xuất NTTS năm 2016. Đề án nêu rõ các chủ trương, kế hoạch, giải pháp tổ chức sản xuất và được phổ biến cụ thể đến các ban, ngành liên quan và các hộ NTTS của xã. Theo kế hoạch, năm 2016, Đông Minh tổ chức thả nuôi 75ha tôm sú, 25ha tôm thẻ, 13ha cua và 17,6ha cá các loại; phấn đấu đạt giá trị NTTS gần 31 tỷ đồng, bình quân 236 triệu đồng/ha. Vụ xuân hè năm 2016, phấn đấu tổng thu của Đông Minh từ NTTS là 22,67 tỷ đồng, trong đó nguồn thu chính từ tôm là 20 tỷ đồng. Để đạt giá trị sản xuất cả năm đã đề ra từ NTTS, trong vụ thu đông năm 2016, Đông Minh tổ chức nuôi thả 20ha tôm thẻ, 15ha cua giống, 50ha cua thịt, 17,6ha cá các loại và 28ha nuôi kết hợp cua, cá và rong câu.

 

Theo ông Phạm Duy Nghị, Chủ nhiệm HTX DVNN Hải Châu (Đông Minh), công tác  thủy lợi là khâu quan trọng, quyết định sự thành bại trong NTTS. Mặc dù nguồn kinh phí phục vụ cho công tác thủy lợi rất eo hẹp nhưng Ban Quản trị HTX đã tập trung tháo gỡ bảo đảm cho các hộ nuôi thực hiện thả nuôi đúng thời vụ. Ban Quản trị HTX đã nạo vét 3 tuyến sông tiêu, hệ thống mương, cống đầu khâu, các điểm cục bộ trong thời gian rút nước và vệ sinh hệ thống sông cấp nước. Cùng với đó, các hộ nuôi tiến hành cải tạo vệ sinh ao đầm; nâng cấp bờ ao, đầm đề phòng mưa lớn gây ngập lụt; nạo vét mương tưới, mương tiêu bảo đảm khẩu độ.  Sau khi thực hiện rút nước cải tạo ao đầm, các hộ nuôi đã lấy nước thau rửa hệ thống thủy lợi, ao đầm và đến đầu tháng 4, toàn bộ khu vực nuôi đã được cấp nước bảo đảm tiêu chuẩn. Do đặc thù ao nuôi của Đông Minh có diện tích mặt nước nhỏ, mực nước nông nên mật độ thả nuôi tôm pốt thấp hơn các địa phương khác với mức tôm thẻ công nghiệp từ 70 - 80 con/m2, tôm sú từ 8 - 12 con/m2. Theo kế hoạch, Đông Minh tập trung thả 12 - 15 triệu giống tôm sú từ ngày 15 - 30/4 và 18 triệu giống tôm thẻ từ ngày 14 - 25/4. Tuy nhiên, vụ thả năm nay độ mặn của nước nuôi thả rất thấp (8/1000) so với độ mặn tiêu chuẩn (18 - 20/1000) nên việc thả nuôi phải lùi lại.

 

Ông Bùi Thẩm Phán, một hộ NTTS ở Đông Minh chia sẻ: Sau nhiều năm thả nuôi, bản thân ông cũng như hầu hết chủ các ao, đầm thấy rõ tầm quan trọng của công tác thủy lợi và chất lượng con giống. Vì vậy, cùng với cải tạo ao, đầm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, HTX DVNN Hải Châu cùng các hộ nuôi chỉ sử dụng con giống từ những cơ sở cung cấp có uy tín, được kiểm dịch. Cũng theo ông Phán, trước khi bước vào vụ nuôi, các hộ nuôi đều được tham dự các hội nghị tập huấn, hội thảo phổ biến khoa học kỹ thuật NTTS do UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức. Cùng với đó, các cán bộ kỹ thuật của xã xuống từng hộ để kiểm tra, hướng dẫn biện pháp cải tạo ao đầm, xử lý phòng bệnh, giữ sạch và ổn định môi trường nuôi… UBND xã còn chỉ đạo cho thủ cống, cán bộ nông giang vận hành hệ thống cống tưới, tiêu nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thủy sản, bảo đảm tránh tràn nước, hạn chế nước thải xâm nhập nguồn nước tưới.

 

Đến nay, Đông Minh đã tổ chức nuôi thả thủy sản được trên 50% diện tích so với kế hoạch. Với sự chuẩn bị chu đáo của cấp ủy, chính quyền và các hộ NTTS, Đông Minh hứa hẹn một kết quả khả quan ngay từ vụ nuôi đầu năm 2016. Tuy nhiên, phía trước còn không ít khó khăn, thách thức như: dịch bệnh trên thủy sản, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; giá vật tư phục vụ sản xuất tăng cao; thị trường tiêu thụ không ổn định… Cùng với sự nỗ lực của Đông Minh, cần có sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của huyện, các ngành chức năng của tỉnh trong việc quản lý môi trường ao nuôi, tăng cường công tác quản lý con giống, sẵn sàng xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, với diện tích ao, đầm nuôi nhỏ lẻ, trình độ thâm canh của các hộ nuôi chưa cao, cần xây dựng các mô hình khảo nghiệm giống thủy sản mới phù hợp với Đông Minh.

 

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày