Chủ nhật, 28/07/2024, 09:16[GMT+7]

Thái Thụy: Ngăn chặn dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Thứ 2, 16/05/2016 | 14:59:37
595 lượt xem
Những ngày gần đây, dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã phát sinh, gây thiệt hại cho các hộ nuôi tôm tại 3 xã ven biển huyện Thái Thụy.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ ngày 5 – 7/5/2016 đã phát hiện tôm nuôi của 15 hộ ở 3 xã Thái Thượng, Thái Đô, Thụy Hải bị chết do dịch bệnh đốm trắng, với tổng diện tích 3,68ha, số lượng tôm giống là 1,36 triệu con gồm: tôm thẻ chân trắng 1,1 triệu con, tôm sú 0,26 triệu con.

Là một trong những hộ nuôi tôm tại xã Thụy Hải có tôm nuôi bị chết do bệnh đốm trắng gây ra, chị Vũ Thị Hương cho biết: Vụ này, gia đình tôi nuôi thả hơn 26 vạn con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 1ha. Hai mươi ngày đầu nuôi thả, tôm phát triển bình thường; tuy nhiên, sau đó tôi thấy hiện tượng tôm nổi đầu, lờ đờ dạt vào bờ và chết. Chỉ trong vài ngày, toàn bộ số tôm nuôi trong ao của tôi đã chết hết. Trước khi bước vào vụ nuôi, tôi đã trú trọng tới việc vệ sinh, khử trùng khu ao nuôi như phơi đáy, rắc vôi bột, lọc nước trước khi nuôi thả, tuy nhiên tôm vẫn bị chết. Toàn bộ số tôm chết đã được gia đình vớt lên khỏi ao nuôi, đồng thời dùng hóa chất Chlorin hòa tan rắc đều mặt ao.

Theo bà Đàm Thị Việt Anh, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi thú y huyện: Nguyên nhân dẫn đến tôm chết tại 3 xã ven biển thời gian gần đây được xác định là do nhiễm bệnh đốm trắng gây ra. Hơn nữa, thời gian gần đây, diễn biến thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch nhau kèm theo mưa rào, lượng nước ngọt vào ao nuôi nhiều làm cho điều kiện môi trường ao nuôi biến đổi bất lợi, tôm yếu, giảm sức đề kháng, mầm bệnh có sẵn trong ao hoặc trong tôm có thể bùng phát gây bệnh và làm tôm chết. 

Ngay sau khi xuất hiện tôm chết, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đi kiểm tra và chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch tại các xã. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo bổ khuyết các xã có diện tích tôm chết bằng công văn và tham mưu cho UBND huyện làm tờ trình xin tỉnh hỗ trợ hóa chất Chlorine cho các xã bị tôm chết để xử lý môi trường các ao nuôi bị bệnh. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng tích cực chỉ đạo và hướng dẫn các xã tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đốm trắng trên tôm như: Xử lý triệt để mầm bệnh trong ao bằng hóa chất Chlorine nồng độ 30 kg/1.000m3, giữ nguyên nước trong ao đã xử lý từ 7 – 10 ngày sau đó mới xả nước ra ngoài môi trường chung. Quản lý ao tôm chết, giữ nguyên nước trong ao nuôi, không để chủ hộ vứt xác tôm chết bừa bãi, xả nước ao nuôi ra ngoài môi trường chung. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các cấp về tình hình tôm chết và hướng dẫn các hộ nuôi tôm chưa bị bệnh thực hiện các biện pháp tổng hợp phòng bệnh cho tôm nuôi. Khuyến cáo người dân không nên thả thêm tôm vào thời điểm hiện tại. Đối với các hộ nuôi chưa có hiện tượng tôm chết cần thực hiện quy trình nuôi ít thay nước, không nên lấy nước vào ao nuôi thời điểm này, tiến hành rắc vôi xum quanh bờ ao, lối đi lại, không dùng chung dụng cụ giữa các ao nuôi để tránh lây mầm bệnh; định kỳ 10 ngày/lần bổ sung vitamin C, dầu cá cho tôm ăn để tăng cường sức đề kháng, cho tôm ăn theo phương pháp 4 định (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí); sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý ổn định môi trường ao nuôi, đặc biệt vào những ngày thời tiết có mưa. Các hộ nuôi thả tôm có mật độ cao cần san thưa theo mật độ quy định, có các biện pháp thẩm lậu nước từ trong ao nuôi ra ngoài và từ ngoài vào trong để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Thời gian tới, thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp mưa, nắng thất thường, đặc biệt sau mưa rào khiến môi trường nuôi không ổn định vượt ngưỡng cho phép nhất là các yếu tố như độ PH, độ mặm, ôxy… dễ gây sốc, giảm sức đề kháng của tôm, tạo điều kiện cho mầm bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy có thể bùng phát gây bệnh làm chết tôm. Vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cũng chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, khi thấy hiện tượng tôm chết bất thường cần báo cáo ngay cho các đơn vị ngành nông nghiệp huyện để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Trần Tuấn 
 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày