Thứ 7, 27/07/2024, 18:50[GMT+7]

Tiền Hải tích cực phòng bệnh đốm trắng trên tôm

Thứ 2, 16/05/2016 | 16:45:30
1,156 lượt xem
Vụ tôm mới của bà con nông, ngư dân ở Tiền Hải thả giống được hơn 1 tháng, nhưng những ngày qua, do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ ảnh hưởng đến một số diện tích nuôi tôm gây bệnh đốm trắng làm tôm chết tại 4 xã: Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh, Nam Thắng.

Nông dân rắc vôi bột khử trùng vệ sinh ao nuôi.

Tính đến thời điểm này, xã Nam Cường đã hoàn thành thả 100% diện tích nuôi tôm. Tuy nhiên, những ngày qua một số diện tích nuôi tôm của bà con nông dân đã xuất hiện bệnh đốm trắng gây chết tôm hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Phương, thôn Đức Cường là hộ đầu tiên có diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng. Vụ tôm mới của gia đình ông Phương nuôi thả trên diện tích 7.200m2, trước khi thả tôm gia đình ông đã làm tốt việc xử lý môi trường ao nuôi như khử trùng nguồn nước, diệt tạp. Cách đây vài ngày tôm nuôi có biểu hiện của bệnh đốm trắng với diện tích 2.160m2. Do tôm được ít tháng tuổi nên sức đề kháng còn yếu, cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, thay đổi nhiệt độ đột ngột nên dẫn đến tôm chết nhanh. Theo ông Phương, dấu hiệu bất thường xuất hiện trên tôm nuôi trước khi chết là toàn thân có màu đỏ, bơi nổi và tấp vào bờ rồi chết. Sau khi bệnh xuất hiện trên tôm, ông Phương đã thông báo với HTX để có giải pháp ứng phó với bệnh đốm trắng hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra. Qua chia sẻ, bà Trần Thị Kinh, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường cho biết: Hiện nay, diện tích ao nuôi tôm của 10 hộ với 73 vạn con tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng chết hàng loạt. Chính quyền xã Nam Cường đang tích cực phối hợp với ngành liên quan tuyên truyền đến nhân dân khắc phục tình trạng tôm chết, triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng ao nuôi. Địa phương tổ chức cấp phát 600kg hóa chất Clorine cho các hộ nuôi thủy sản để vệ sinh ao nuôi có tôm chết. Khuyến cáo các hộ nuôi cần xử lý dịch bệnh đúng như hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Ngoài xã Nam Cường, các địa phương khác có diện tích nuôi thủy sản như Nam Thịnh, Đông Minh, Nam Thắng cũng có tôm bệnh đốm trắng. Ông Phạm Văn Chế, cán bộ lâm sinh thủy sản xã Nam Thịnh chia sẻ: Bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện ở diện tích ao nuôi ở các hộ dân địa phương từ ngày 8/5, gây thiệt hại khoảng 75 vạn con tôm giống P15. Hầu như năm nào bệnh đốm trắng cũng xảy ra trên diện tích tôm mới thả. Thông thường, những vụ trước thời gian gây bệnh đốm trắng trên tôm thường từ tháng nuôi thứ hai trở đi, tuy nhiên, vụ năm nay, tình trạng bệnh đốm trắng xuất hiện sớm và diện tích lớn hơn mọi năm. Nam Thịnh đã chỉ đạo các hộ có diện tích bị nhiễm bệnh có giải pháp xử lý môi trường ao nuôi, không được xả nước bừa bãi  gây bùng phát thành dịch trên diện tích nuôi tôm ở toàn xã. Cử cán bộ trực tiếp xuống các vùng nuôi thủy sản giám sát chặt chẽ việc thu gom tôm chết xử lý đúng chuyên môn, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Khuyến cáo nông dân giữ nước trong ao để xử lý từ 7-10 ngày bằng hóa chất Clorine rồi mới thả tôm giống tiếp hoặc chuyển sang đối tượng nuôi khác như cá, cua... bảo đảm không để ao trống.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Sau khi nhận được thông tin xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm, huyện Tiền Hải đã thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức xuống cơ sở lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân tôm chết cho kết quả do nhiễm bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh trên tôm được xem là nguy hiểm có diễn biến phức tạp, tôm thường chết nhanh và hiện nay chưa có thuốc và phương pháp chữa trị nào hiệu quả. Tính đến ngày 11/5, trên toàn huyện có 33 hộ nuôi tôm tại 4 xã Nam Thịnh, Nam Thắng, Đông Minh, Nam Cường bị bệnh đốm trắng làm chết trên 235 vạn con. Để tránh bệnh đốm trắng lây lan trên diện rộng, Tiền Hải đã tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản tiến hành khử trùng, xử lý triệt để mầm bệnh trong ao. Huyện đã cấp phát 1.500kg hóa chất Clorine cho các hộ dân ở những vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản tập trung để xử lý nguồn nước ao nuôi khống chế dịch bệnh phát sinh. Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền qua đài truyền thanh về tình hình dịch bệnh trên tôm và hướng dẫn các hộ nuôi tôm có những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kỹ thuật xử lý khi phát hiện đàn tôm nuôi bị bệnh. Chỉ đạo các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh kịp thời bảo đảm không lây lan ra thành dịch. Khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản, sau khi khắc phục tình trạng tôm chết, cần xử lý ao nuôi đúng quy định để tiến hành thả tôm mới bảo đảm mật độ, hoặc đưa các đối tượng khác vào nuôi như cua xanh, cá vược, các song, rô phi...

Thời gian tới, Tiền Hải tiếp tục có những giải pháp thiết thực giám sát dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản, nâng cao ý thức của người nuôi bằng việc tập huấn, những quy định về an toàn sinh học, truyền thông các mô hình nuôi tôm hiệu quả để vụ tôm xuân hè đạt hiệu quả cao.

Mạnh Thắng 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày