Thứ 4, 24/07/2024, 16:24[GMT+7]

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Thứ 3, 17/05/2016 | 09:03:57
976 lượt xem
Vụ xuân năm 2016, toàn tỉnh gieo cấy 79.880ha. Hiện nay, các trà lúa xuân đang trong giai đoạn làm đòng đến trỗ bông, nhìn chung phát triển khá đồng đều. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh, xâm nhiễm, trong đó có rầy nâu, rầy lưng trắng, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây cháy lúa, có nguy cơ làm giảm năng suất trên các giống Bắc thơm số 7, T10, RVT, TBR225…

Nông dân Đông Hải (Quỳnh Phụ) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân.

 

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mật độ trung bình trên giống nhiễm như Bắc thơm số 7, Tạp giao, T10, nếp ở những nơi chưa phun thuốc từ 800 - 1.500 con/m2, nơi cao từ 3.000 - 5.000 con/m2, cá biệt có nơi hàng vạn con/m2. Ngoài ra, từ ngày 4 - 12/5 có đợt trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ ra rộ, sâu non tuổi 1, tuổi 2 nở rộ từ ngày 10 - 18/5 gây hại lá đòng, lá công năng cho trà lúa trỗ bông sau ngày 20/5 trở đi. Hiện nay, trên đồng ruộng, mật độ sâu non và trứng trung bình 85 con, quả/m2, nơi cao từ 145 - 155 con, quả/m2, cá biệt có những nơi từ 300 - 500 con, quả/m2. Ở đợt này, sâu có mật độ rất cao, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây thiệt hại lớn tới năng suất lúa xuân. Ngoài ra, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn vẫn còn phát sinh và gây hại từ nay tới cuối vụ.

 

Trước tình hình trên, từ ngày 12 - 16/5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã trực tiếp chỉ đạo trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bệnh tại các điểm dịch hại phát triển mạnh trên cây lúa có nguy cơ lây lan. Đồng thời, yêu cầu trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương đôn đốc, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh. Những ngày này, tại cánh đồng xã Đông Sơn (Đông Hưng), hàng trăm nông dân đang tích cực thăm đồng, chủ động phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại. Anh Vũ Văn Thắng (xóm 5, thôn Đông) cho biết: Thời tiết năm nay rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, luôn tiềm ẩn nguy cơ sâu bệnh phát sinh gây hại. Qua thăm đồng, tôi nhận thấy diện tích lúa của gia đình bắt đầu có dấu hiệu của sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại nên đã chủ động mua thuốc, tiến hành phun phòng trừ kịp thời, theo đúng hướng dẫn của HTX DVNN.

 

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, từ ngày 12 - 16/5, huyện Hưng Hà phát động đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những diện tích lúa trỗ sau ngày 20/5 kết hợp trừ rầy ở những diện tích có mật độ 800 con/m2 trở lên. Bà Trần Thị Tuyến, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Vụ xuân năm 2016, diện tích gieo cấy lúa xuân của Hưng Hà đạt 11.000ha, trong đó diện tích gieo thẳng 3.800ha, chủ yếu là các giống lúa có năng suất cao như TBR1, Thiên ưu 8, BC15… Đến thời điểm này, lúa xuân toàn huyện đã trỗ bông được khoảng 1.200ha, thời gian tập trung trỗ bông từ ngày 10 - 20/5, một số diện tích trỗ sau 25/5. Từ đầu tháng 5 tới nay, rầy nở rộ, đặc biệt trên một số giống nhiễm như Bắc thơm số 7, Hương thơm, nếp các loại… Qua điều tra, mật độ rầy từ 800 - 1.000 con/m2, nơi cao từ 2.000 - 3.000 con/m2 ở các xã Minh Tân, Tiến Đức, Thái Hưng, Canh Tân, Hòa Bình…, cá biệt có nơi mật độ từ 8.000 - 10.000 con/m2 ở các xã Thái Hưng, Tây Đô, Hòa Bình, Văn Lang… Theo dự báo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, từ nay đến cuối vụ, thời tiết và sâu bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng ở thời điểm này nông dân cần chú ý đến sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại… Để bảo đảm thắng lợi sản xuất vụ xuân năm 2016, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện rầy. Khi phát hiện những diện tích có mật độ rầy từ 800 con/m2 trở lên phải tiến hành phòng trừ ngay. Ngoài ra, người dân cũng cần bảo đảm đủ nước ở những diện tích phải phun phòng trừ rầy…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Đến ngày 16/5, toàn tỉnh đã phun phòng trừ được 59.950ha, trong đó một số huyện có diện tích phun phòng trừ đạt tỷ lệ cao là Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ... Từ nay đến hết tháng 5, thời tiết trên địa bàn tỉnh có thể sẽ tiếp tục xuất hiện ban ngày có nắng nóng, đêm và sáng có mưa rào rải rác, tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển nhanh hại lúa như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ... Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục khuyến cáo nông dân thường xuyên giữ nước trên mặt ruộng để thuận lợi cho lúa làm đòng, trỗ bông phơi màu và nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Khi phát hiện sâu cuốn lá nhỏ, nên dùng một trong các loại thuốc như Takumi 20WG, Director 70EC, Clever 300WG, Tango 800WG… Khi phát hiện rầy các loại, đối với những diện tích lúa hiện nay chưa trỗ bông phơi màu, nông dân nên dùng các loại thuốc như Penalty 40WP, Midan 10WP, Oshin 100SL, Sutin 5EC, Actara 25WG… Đối với những diện tích lúa đã trỗ bông phơi màu, nông dân nên dùng các loại thuốc như Penalty Gold 50EC, Chess 50WG, Victory 585EC, Basa 50EC…

 

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày