Thứ 7, 27/07/2024, 02:27[GMT+7]

Tiền Hải: Không để bệnh đốm trắng trên tôm phát sinh thành dịch

Thứ 2, 30/05/2016 | 09:52:34
652 lượt xem
Những ngày qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, môi trường thay đổi đột ngột là nguyên nhân khiến tôm bị sốc, giảm sức đề kháng gây nên bệnh đốm trắng ở tôm tại 4 xã: Đông Minh, Nam Thịnh, Nam Cường và Nam Thắng. Với cơ chế hỗ trợ kịp thời của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng sự vào cuộc cao của các hộ nông dân, đến thời điểm này, bệnh đốm trắng trên tôm tại Tiền Hải đã ngừng phát sinh.

Người dân Nam Cường dùng hóa chất Chlorine để xử lý môi trường ao nuôi.

 

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh đốm trắng trên tôm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên xuống các xã kiểm tra các ao, đầm, tổng hợp số liệu, hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời. Được tỉnh hỗ trợ 8.500kg hóa chất Clorine, huyện Tiền Hải và các xã đã chủ động hỗ trợ, tổ chức cấp phát thêm 4.431kg hóa chất Clorine cho các hộ nuôi tôm xử lý môi trường ao nuôi, hạn chế sự phát sinh, lây lan của mầm bệnh. Đến ngày 26/5, toàn huyện có 220 hộ nuôi có tôm chết trên diện tích hơn 45ha với số lượng 1.149 vạn con. Để hạn chế tối đa sự lây lan của bệnh đốm trắng trên tôm và không để phát sinh thành dịch trong thời gian sớm nhất, huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, hướng dẫn các hộ nuôi về cách thức nhận biết, phát hiện dấu hiệu bệnh, kịp thời thông báo cho các cơ quan chuyên môn để có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm, xử lý tôm chết và môi trường ao nuôi đúng quy định, không để mầm bệnh lây sang những ao chưa nhiễm bệnh.

 

Cùng với nỗ lực của các hộ nuôi, với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực từ tỉnh, huyện, xã đến các cơ sở thôn, tình hình dịch bệnh ở tôm trên địa bàn huyện Tiền Hải tuy còn phát sinh lẻ tẻ nhưng cơ bản đã được kiểm soát.

 

 

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện

 

Hiện nay, dịch bệnh đốm trắng trên tôm ở địa bàn huyện đã ngừng phát sinh, tuy nhiên, với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các xã. Khuyến cáo các xã sau khi cải tạo xong môi trường ao nuôi tiến hành thả lại hoặc san thưa tôm sú từ các ao ươm bảo đảm mật độ từ 5 - 8 con/m2, tôm thẻ nuôi thâm canh từ 40 - 50 con/m2 hoặc đưa các đối tượng nuôi khác có giá trị kinh tế vào thay thế như cua xanh, cá vược, cá song, cá rô phi… bảo đảm không để ao trống.

 

Bà Trần Thị Kinh, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN xã Nam Cường

 

Để khắc phục tình trạng tôm chết, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, UBND xã và HTX đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi tích cực tập trung xử lý ao đầm, thay nước để ổn định môi trường, khuyến khích thay đổi đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và khả năng kháng bệnh cao. Với những diện tích mới phát sinh dịch, HTX thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình và hướng dẫn chủ hộ các biện pháp kỹ thuật nhằm xử lý triệt để mầm bệnh.

 

Ông Phạm Ngọc Vấn, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Nam Thịnh

Ngay khi phát hiện dịch bệnh, cán bộ lâm sinh, HTX cùng cán bộ thôn xuống tận các ao kiểm tra, cấp và hướng dẫn cách xử lý hóa chất Chlorine cho nhân dân. Tuyên truyền nâng cao ý thức để các hộ nuôi cùng nhau xử lý, tham gia dập dịch và khuyến cáo người dân không lấy nước ra, nước vào trong thời gian bị nhiễm bệnh. Tất cả các ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh đều được xử lý an toàn, đúng quy trình. Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh cơ bản không có biểu hiện phát sinh thêm. Thời gian tới, HTX tiếp tục hướng dẫn các hộ nuôi tôm sau khi xử lý ao nuôi từ 15 - 20 ngày mới được nuôi thả lại.

 

 

Phạm Huế

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày