Thái Thụy: Từ mảnh vỏ bầu đến những đoàn tàu vươn sóng khơi xa
Chỉ mấy nét chấm phá như vậy cũng đủ toát lên sự khát khao vượt lên trong cái bộn bề thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện biển giàu tiềm năng này. Ngoài việc khái quát tình hình phát triển kinh tế, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng không quên nhắc tới tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, bởi vùng đất ven biển này là hạ lưu sông Hóa, sông Trà Lý, sông Diêm và rất nhiều con sông nhỏ khác. Nơi đây có khá nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như di tích lịch sử đền Hét, đền Hệ, đền Bà chúa Muối, đền Tam tòa… hoặc hội thi bơi chải thị trấn Diêm Điền, di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và đặc biệt khu du lịch sinh thái Cồn Đen xã Thái Đô đang được đầu tư, bước đầu đưa vào khai thác đã thu hút lượng du khách khá lớn, kết quả khả quan.
Trong lịch sử phát triển đất đai, cương vực của Thái Bình, Thái Thụy là vùng đất chỉ được nhắc đến thời nhà Trần mà câu chuyện nhuốm màu huyền thoại khởi nguyên từ mảnh đất Tu Trình. Neo đậu tận cùng hạ lưu sông Hóa, với chiều dài khoảng gần 7km, Tu Trình như dải lụa nằm vắt ngang vùng đất Thụy Anh cũ, phía trước mặt là biển Đông dào dạt sóng vỗ, phía sau lưng là dòng sông Hóa huyền thoại, gắn với nhiều chiến công lẫy lừng thời nhà Trần đánh tan giặc Nguyên - Mông. Thần phả, ngọc phả của làng Tu Trình kể rằng: ngày xửa ngày xưa có một người làm quan trong triều, do lập được công lớn nên đã được nhà vua ban tặng cho nhiều đất đai, điền hữu nhưng ông không nhận mà chỉ xin nhà vua cho phép ông đến một vùng đất hoang sơ, ông sẽ thả một mảnh vỏ bầu cho sóng đánh trôi đi. Mảnh vỏ bầu trôi đến đâu thì cương vực của ông ở đó. Trước thịnh tình của ông như thế, nhà vua đành lòng chấp thuận nhưng cho phép ông được mang theo quân lính hộ tống. Khi đoàn quan quân về tới vùng cửa biển, cuối hạ lưu sông Hóa thì phía bên Tây đã có làng mạc, dân cư sinh sống. Ông đành hạ trại ngay giữa dòng sông Hóa, trên những doi đất mới bồi. Ông cho lập đàn tế trời. Sau khi hiến lễ, ông tự tay thả mảnh vỏ bầu xuống nước, dòng nước nâng mảnh vỏ bầu lên cao rồi cuốn tròn theo xoáy nước. Quan quân cùng chiêm bái. Trời bỗng dưng tối sầm rồi mây gió nổi lên, gió mỗi lúc một thổi mạnh đẩy mảnh vỏ bầu trôi ra xa, rồi cứ vậy, mảnh vỏ bầu trôi về phương nam, trôi mãi đến cửa Đại Toàn (cửa sông Diêm Hộ) gặp nước thủy triều dâng nó mới chịu đứng lại. Quân lính cắm mốc rồi vớt mảnh vỏ bầu lên. Đất đai của Tu Trình được lập lên từ đó. Chiều lòng người, thiên nhiên không ngừng ban tặng cho mảnh đất mới này sản vật trù phú, phong cảnh hữu tình. Ngòi Vạn, Ngòi Mới là hai điểm cực đông và cực tây của mảnh đất như hai cánh tay vững chãi vươn dài ra biển đông, ôm trong lòng bờ bãi trù mật. Thuở trước, hàng trăm mẫu đất Ngòi Hàm rồng cỏ lau mọc um tùm, rồi dần dần được người dân cải tạo trồng cói, đem lại thu nhập, nâng cao đời sống. Con đê Lưu Đồn ôm lấy làng mạc trù phú với những dấu ấn từ bến đò cổ, nơi đã từng chở chuyên bao đợt khách qua sông. Trong đê là làng Mát ngoại với địa danh chiến đấu của Đề Hiện, một nhánh của hội quân Yên Thế oai hùm. Những cái tên con Chép, đồng Bến, Mát nội, hình nhân, đồng ruy, mười lăm, ba làng, thất đoạn, đồng má, đồng chúa, cánh chuồn...đã đi vào huyền thoại của một vùng đất. Trên cánh đồng rộng trải của Tu Trình nổi lên các gò đống từ xa xưa, người dân nơi đây đặt cho chúng những cái tên rất mộc mạc, dung dị như gò con dao, gò cái thớt, hòn son, cái nghiên, cái bút, cái cổng, cái trống, con khuyển, con trâu, con nhạn, cánh cốc, cánh cò... tất cả hiện lên ước muốn thanh bình của một làng quê. Các bậc cao niên của làng vẫn thường kể cho con cháu nghe về lịch sử của làng rằng, từ chùa Miếu về có con đường mang tên Đức Vua, còn gọi là con đường rước vua. Tương truyền, khi nghe tin Thượng hoàng Trần Nhân Tông ngự giá về thị sát chiến tuyến của quân đội nhà Trần đóng tại Tu Trình (chính sử ghi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về đây thị sát và nghỉ lại một đêm) tại địa danh Đồn Năm gian - Đình Bến. Theo lời truyền tụng, ngay trong đêm nghỉ lại Đình Bến, trong giấc mộng, Hưng Đạo Vương thấy Lịch triều đô thống Lục vị đại vương hiện về báo mộng xin tình nguyện âm phù đánh tan giặc Nguyên - Mông. Quả nhiên, trận chiến vang dội năm 1288 đã ghi dấu mốc oanh liệt trong sử sách ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã sắc phong "Vạn cổ tối linh thượng đẳng thần" cho Đình Bến. Cũng trong đêm ngủ lại, trong màn đêm dày đặc bỗng trên gò phía tây có một vầng sáng bùng lên rực rỡ, Hưng Đạo Vương thảng thốt: Hỡi ai đó theo ta đánh giặc, nếu linh thiêng hãy phù ta dẹp tan quân giặc bạo tàn. Dứt lời, vầng sáng thấp dần rồi mất hẳn. Một đêm, Hưng Đạo Vương nằm mơ thấy có một thiếu phụ đến trách ông rằng ông đã quên công lao phò vua dẹp giặc. Hôm sau vào thiết triều, Quốc công tâu lên vua, được vua chấp thuận phong: Càn Hải Đại vương phu nhân tôn thần. Miếu Vua Bà được dựng lên trên gò đất mới, sắc phong cho người dân An Bái khói hương phụng thờ. Ngày xưa, bến sông Hóa, cửa Đại Toàn từng là thương cảng sầm uất, cũng là bến quân sự lừng danh của Thái Thụy nay và là một địa danh lịch sử nhuốm màu huyền thoại.
Ngư dân Thái Thụy sau chuyến vươn khơi. Ảnh: Trần Tuấn
Ngày nay, câu chuyện cái vỏ bầu kia có cái gì đó tương quan với nghề đóng tàu đánh bắt xa bờ và khát vọng chinh phục biển khơi của ngư dân Thái Thụy. Huyện đã tiếp nhận doanh nghiệp đóng tàu Đại Dương và Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Diêm Điền, hai doanh nghiệp này đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện từ 800 - 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động với mức lương từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, tăng nguồn thu cho huyện. Vận tải biển mạnh cả về số lượng và chủng loại, quy mô, phương tiện, khối lượng hàng hóa dịch vụ, trang thiết bị từng bước được hiện đại hóa. Hiện tại, Thái Thụy có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có 155 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 200 phương tiện và cấp tàu không hạn chế (đi tới tất cả các nước trên thế giới) khoảng 37 tàu với 316.000 tấn trọng tải, chiếm 39%, cấp tàu hạn chế (đi các nước Đông Nam Á) khoảng 33 tàu với 155.000 tấn trọng tải, chiếm 19%, cấp tàu hạn chế 3 (tuyến nội địa) khoảng 133 tàu với 330.000 tấn trọng tải, chiếm 42%. Tổng đội tàu hiện có khoảng 800.000 tấn, có 60 tàu cớ lớn trọng tải tới 53.000 tấn… Không chỉ mở mang, phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, vận tải đường bộ cũng đang hứa hẹn nhiều cơ hội mới như xây dựng mới tuyến đường bộ ven biển, hoàn thiện các tuyến quốc lộ 39, 37 và cầu Hồng Quỳnh… xây dựng kè chắn cát, ổn định luồng vào cảng Diêm Điền cho tàu có trọng tải từ 3000 - 12.000 tấn…
Câu chuyện tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thái thụy hôm nay gọi nhớ về lịch sử, 73 năm sau khi lấy được ngôi báu từ nhà Lý, vua Trần Nhân Tông vẫn thường nhắc nhở con cháu vương tộc rằng: "nhà ta khởi nghiệp từ bãi biển nên thích hình con rồng vào vế đùi là ý tỏ ra rằng không bao giờ quên gốc..." đủ thấy rằng, từ xa xưa, cha ông ta đã hết sức coi trọng biển và luôn lấy biển làm hướng mở ra chân trời no ấm. Nhà Trần chú trọng chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến thương nên các vương hầu, công chúa, cung phi cũng hăng hái huy động nô tỳ, chiêu mộ dân nghèo tới "an cư, lạc nghiệp" để khai khẩn đất hoang, đất hạ lưu sông Hóa, sông Diêm, sông Trà Lý và vươn ra tận những bãi bồi ngoài biển xa. Và nay, những cái tên, những địa danh mới đang trở nên thân quen, gắn với thương hiệu tuor du lịch sinh thái như cồn Đen, rừng ngập mặn…
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy: Thăm, động viên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịp đầu xuân mới
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thăm, chúc tết một số doanh nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, động viên một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thái Thụy
- Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất rượu soju tại khu công nghiệp Liên Hà Thái
- Cộng đồng doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu xuân mới
- Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND tỉnh
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ năm 2025
- Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
- Thành phố Thái Bình: Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ