Thứ 2, 12/08/2024, 06:39[GMT+7]

Nam Thịnh biến khó khăn thành lợi thế

Thứ 4, 22/06/2016 | 09:26:24
621 lượt xem
Trước tình trạng nhiễm mặn ở một số diện tích cấy lúa nhiều năm liên tục cho hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí là mất trắng, Nam Thịnh (Tiền Hải) đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy hải sản mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Chủ trương đúng đã góp phần biến ước mơ làm giàu của những người nông dân trên mảnh đất quê hương thành hiện thực.

Nuôi thủy sản ở Nam Thịnh.

Tại cánh đồng chuyển đổi 45ha nuôi trồng thủy sản của 3 thôn Đồng Lạc, Quang Thịnh, Hợp Châu, chúng tôi được người dân cho biết: Từ khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản họ luôn vui mừng, phấn khởi bởi những vụ tôm, cá cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Là một trong những người đầu tiên ra vùng đất chuyển đổi, ông Nguyễn Thế Thiệp ở thôn Đồng Lạc chia sẻ: Trước đây diện tích đất nông nghiệp bị xâm nhập mặn nên cấy lúa năng suất bấp bênh. Không cam chịu cảnh nghèo khó, ông đã thực hiện chủ trương của UBND xã Nam Thịnh đầu tư kinh phí đào ao trên vùng đất nhiễm mặn để nuôi tôm sú. Thời gian đầu, nhiều lúc gặp khó khăn do vùng chuyển đổi chưa được xây dựng đồng bộ từ hệ thống sông tưới, tiêu, mương dẫn nước vào ao nên chỉ nuôi được 1 vụ tôm. Những năm gần đây địa phương đã phối hợp cùng các hộ dân tổ chức xây dựng hệ thống các sông, mương dẫn nước vào tận các ao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm lên đến 2 - 3 vụ/năm. Với diện tích hơn 1 mẫu ao nuôi tôm sú, trung bình mỗi vụ ông thu lãi gần 40 triệu đồng. Hay như gia đình ông Phạm Văn Quang, đã tập trung đầu tư thuê 1,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Do yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng rất khắt khe, những vụ đầu gia đình ông Quang lại chỉ nuôi bằng hình thức quảng canh nên năng suất thấp. Những năm gần đây ông Quang đã đầu tư mua máy quạt sục ôxy, cải tạo ao nuôi để phát triển nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Ông Quang cho biết thêm, nuôi tôm thẻ chân trắng phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật vì nó quyết định rất lớn đến khả năng kháng bệnh của con tôm, trong đó việc xử lý nước ao, chọn con giống bảo đảm chất lượng là hết sức quan trọng. Ngoài ra, mật độ nuôi phải phù hợp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 1,5ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, hàng năm gia đình ông thu về từ 300 - 400 triệu đồng.

Ông Trần Minh Uyển, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh cho biết: Việc đưa nghị quyết của Đảng bộ xã Nam Thịnh về phát triển nuôi trồng thủy sản thành công là bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Nam Thịnh đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm đối với các chi bộ thôn, đặc biệt là việc phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và cho lợi nhuận kinh tế cao, đồng thời tích cực huy động nguồn lực của nhân dân, phát triển các mô hình sản xuất. Để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển vùng chuyển đổi cũng như nhiều phong trào phát triển kinh tế của địa phương, Nam Thịnh đã tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, huyện về phát triển nông nghiệp trong đó trọng tâm ở các địa phương ven biển chú trọng về đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, Nam Thịnh còn tập trung cao cho công tác thủy lợi nội đồng, hệ thống sông dẫn nước tưới, tiêu tại các vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo các đoàn thể chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ vùng chuyển đổi... Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương.

Thời gian tới, Nam Thịnh tiếp tục tập trung tuyên truyền đến nhân dân tránh phát triển nuôi tự phát, không theo quy hoạch, chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản mang tính bền vững, để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày