Thứ 7, 17/05/2025, 05:57[GMT+7]

Bình Định: Hiệu quả mô hình liên kết “3 nhà”

Thứ 6, 08/07/2016 | 20:24:33
1,243 lượt xem
Vụ xuân năm 2016, năng suất lúa bình quân của xã Bình Định đạt 74,2 tạ/ha, là một trong những xã có năng suất lúa cao nhất huyện Kiến Xương. Đạt được kết quả này là do địa phương đã xây dựng mô hình liên kết "3 nhà" (nhà nông, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) tạo ra những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao.

Cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Bình Định.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2008, xã đã quy vùng sản xuất, liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cấy lúa giống có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN Bình Định cho biết: Ngày đầu triển khai xây dựng mô hình cũng gặp nhiều khó khăn vì suốt một thời gian dài nông dân quen với phương thức sản xuất tự cấp, tự túc nên khi sản xuất theo một quy trình khép kín, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt bà con ngại thay đổi. HTX cùng với các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con kết hợp xây dựng mô hình điểm, thực hiện việc dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất, dần dần nông dân thấy rõ lợi ích của mô hình liên kết nên đã tích cực hưởng ứng. Nếu như khi bắt đầu triển khai, toàn xã mới chỉ liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cấy 15ha với 80 hộ tham gia thì đến năm 2016 đã tăng hơn 1.200 hộ đăng ký tham gia với diện tích hơn 160ha cấy các giống BC15, TBR225, TBR45. Lợi ích lớn nhất khi nông dân tham gia mô hình liên kết này là bà con được doanh nghiệp cung ứng nguồn giống lúa gốc bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện mua phân bón theo phương thức trả chậm, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế rủi ro, bảo đảm năng suất. Đặc biệt, toàn bộ thóc thu hoạch được Công ty thu mua với giá cao hơn từ 25 - 30% so với giá bán thóc thịt trên thị trường.

Để hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, tạo ra những mô hình liên kết bền vững, cùng với quy vùng sản xuất, trong giai đoạn 2011 - 2016, Bình Định đã cứng hóa 8,6km kênh mương cấp I, bê tông hóa 14,08km đường giao thông nội đồng, xây dựng 5 trạm bơm. Toàn xã có hơn 20 máy làm đất công suất 21CV trở lên và nhiều máy gặt công suất lớn giúp nông dân giải phóng sức lao động. Từ thành công của mô hình liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, vụ xuân năm 2016, xã tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc xây dựng mô hình sản xuất lúa Nếp 97 tại hai thôn Công Bình và Ái Quốc trên diện tích 32ha với 225 hộ tham gia. Bà Lê Thị Dần (xóm 8, thôn Công Bình) chia sẻ: Vụ xuân năm nay, gia đình cấy hơn 2 sào giống lúa Nếp 97 của Công ty TNHH Hưng Cúc. Tham gia mô hình, nông dân bớt nhiều công chăm bón do giống Công ty cung ứng là giống gốc. Không chỉ được tập huấn kỹ thuật gieo cấy, chăm bón phù hợp với giống lúa và chất đất, phòng trừ sâu bệnh mà từ khi gieo mộng mạ đến khi thu hoạch đều có kỹ sư theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật. Năng suất lúa Nếp 97 đạt bình quân 2,5 tạ/sào, thu hoạch đến đâu Công ty mua thóc tươi đến đó với giá 600.000 đồng/tạ nên nông dân không mất công phơi thóc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia sản xuất theo mô hình liên kết này nhưng mong muốn thời gian tới Công ty thu mua thóc với giá cao hơn để bà con yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cũng theo ông Trần Thanh Sơn, để tạo ra mối liên kết "3 nhà" bền vững, ngoài việc ký cam kết với hộ nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật của các công ty, HTX còn vận động hộ nông dân không có nguyện vọng liên kết sản xuất trong vùng chuyển đổi diện tích sang vùng khác hoặc có thể hoán đổi với cá nhân có nhu cầu liên kết sản xuất. Vụ mùa năm 2016, HTX tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc xây dựng mô hình liên kết cấy lúa Nếp 97 và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với diện tích 36ha; với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình thời gian tới dự kiến mở rộng vùng liên kết lên 180ha. Tuy nhiên, khó khăn chung của nông dân khi tham gia liên kết sản xuất là doanh nghiệp thu mua chậm, người nông dân chậm nhận được tiền để trang trải chi phí đã đầu tư và tái đầu tư sản xuất. Các dịch vụ kinh doanh của HTX còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, lợi nhuận trong mỗi năm chưa nhiều nên chưa có nguồn kinh phí đầu tư cho các mô hình liên kết. Trong những năm tiếp theo, HTX huy động vốn, tranh thủ mọi nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý, liên kết cung ứng dịch vụ phục vụ thu hoạch, làm đất, bảo quản sản phẩm, gieo cấy bằng máy… nhằm giúp nông dân giảm ngày công lao động và chi phí sản xuất, nâng hiệu quả. Bên cạnh đó, HTX sẽ xây dựng các mô hình tổ xã viên liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết với các HTX và các thành phần kinh tế khác để mở rộng các dịch vụ cung ứng và bao tiêu sản phẩm cho xã viên theo hình thức hợp đồng, giúp nông dân yên tâm bám ruộng, làm giàu trên đất quê hương.

Tiến Đạt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày