Thứ 2, 29/07/2024, 09:22[GMT+7]

Làm giàu trên vùng đất bãi

Thứ 6, 15/07/2016 | 08:58:43
381 lượt xem
Dưới ánh nắng chói chang của những ngày hè, chúng tôi tới thăm gia trại chăn nuôi, trồng trọt của ông Nguyễn Đình Thuật ở thôn Hội Kê, xã Hồng Lý (Vũ Thư). Khu gia trại rộng 3,5 mẫu trước kia vốn là vùng đất bãi ven đê của xã Hồng Lý và Xuân Hòa, được ông Thuật thuê lại để đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình VAC.

Nâng niu chùm hoa hòe trên tay, ông Thuật cho biết: Những cây hòe này tự tay tôi ươm giống bằng hạt hoặc chiết ghép; tất cả các giống ở gia trại như bò, lợn, cá cũng đều do tôi tự chọn lọc gây giống. Ông bảo, mình phải làm như thế mới có lãi chứ việc gì cũng đi thuê thì không ăn thua.

Sinh ra trong một làng quê nghèo, năm 1980, ông Thuật tham gia quân đội. Đến năm 1989, do điều kiện sức khỏe, ông xuất ngũ trở về địa phương xây dựng gia đình. Sau nhiều năm bôn ba, làm nhiều nghề, cuối cùng ông Thuật quyết định về quê thuê lại khu đất rộng hơn 1 mẫu vùng ven đê sông Trà Lý (xã Hồng Lý) và thuê thêm diện tích đất bãi của xã Xuân Hòa làm gia trại vườn, ao, chuồng.

Ngày đầu lập nghiệp, ông Thuật gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất… Đặc biệt, năm 2012, dịch lở mồm long móng khiến gia trại phải tiêu hủy hơn 1,5 tấn lợn. Sau lần đó ông rút ra kinh nghiệm: trong chăn nuôi, bên cạnh việc lựa chọn con giống tốt cần chú trọng công tác thú y. Từ đó ông tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức kết hợp tìm hiểu kiến thức chăn nuôi từ sách báo, tivi và học hỏi kinh nghiệm phát triển trang trại, gia trại của các hộ khác. Ông tự nhân giống đàn lợn và thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng. Hàng ngày ông kiểm tra các ô chuồng, nếu thấy con lợn nào có biểu hiện bị bệnh lập tức cách ly và xử lý bằng các loại thuốc đặc hiệu nên không để lây lan ra cả đàn. Hơn 1 mẫu ao ông thả các loại cá truyền thống như trắm, chép, mè, trôi. Hàng năm, sau khi tát cạn ao, ông phơi đáy ao, dùng vôi bột rắc đều để vệ sinh tiêu độc khử trùng. Diện tích trên bờ ông làm chuồng trại chăn nuôi bò, lợn và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hòe, bưởi diễn… Lấy ngắn nuôi dài, sau hơn 10 năm trên vùng đất bãi, đến nay gia trại của ông đã có 30 con bò thương phẩm và sinh sản, mỗi năm xuất bán ra thị trường 120 con lợn thịt, 400 gốc hòe và 100 gốc bưởi diễn đang bắt đầu cho thu hoạch. Phát triển kinh tế VAC, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về từ 230 - 250 triệu đồng tiền lãi. Từ việc vươn lên thoát nghèo và làm giàu, ông Thuật đã tích lũy được chút vốn, nuôi hai con học đại học. Khi được hỏi với sức lực của một người bệnh binh đã mất đi 61% sức khỏe, động lực nào khiến ông vững vàng xây dựng kinh tế, làm giàu trên quê hương, ông Thuật cho biết: Một mình tôi không thể tự làm được. Có ý chí, có quyết tâm và có được sự giúp đỡ của hội cựu chiến binh, hội nông dân và các đoàn thể khác hỗ trợ về vốn, kiến thức nên mới có ngày hôm nay.

Thanh Vân
(Đài TTTH Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày