Thứ 4, 16/07/2025, 14:53[GMT+7]

Nuôi ngao ở Nam Thịnh: Thời cơ và thách thức

Thứ 3, 19/07/2016 | 15:15:24
1,393 lượt xem
Nam Thịnh (Tiền Hải) được thiên nhiên ưu đãi một vùng bãi triều rộng lớn, có tiềm năng về phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi ngao thương phẩm. Sau biết bao thăng trầm, nghề nuôi ngao ở đây hiện đang đứng trước những cơ hội mới song cũng có nhiều thách thức để nâng cao giá trị sản xuất.

Chế biến ngao ở Nam Thịnh.

 

Năm 2012, trong khi nhiều hộ nuôi ngao ở Nam Thịnh phải loay hoay tìm thị trường tiêu thụ do thị trường truyền thống Trung Quốc bị đóng băng thì Công ty TNHH Nghêu Thái Bình đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến ngao theo tiêu chuẩn châu Âu, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi ngao vùng ven biển. Ông Nguyễn Hùng Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: Nam Thịnh có sản lượng ngao thương phẩm khoảng 19.000 tấn/năm, trong đó Công ty chúng tôi một năm tiêu thụ được từ 4.000 - 5.000 tấn. Con ngao ở Nam Thịnh có độ ổn định cao, do đó đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu. Tuy nhiên, quá trình nuôi đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ quy trình khắt khe, từ việc bảo đảm mật độ nuôi thả cho đến thời gian nuôi.

 

Ngao sau khi sơ chế được xuất khẩu sang châu Âu - một thị trường khó tính, là thành công lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tiền Hải. Thay vì vận chuyển vào Nam, ngao được chế biến tại chỗ, bảo đảm chất lượng, giảm chi phí vận chuyển, bảo quản, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đây là hướng đi mới đầy tiềm năng, giúp người nuôi ngao nâng cao thu nhập. Trong khi giá ngao bán cho các cơ sở thu mua nhỏ lẻ chỉ khoảng 9.000 - 10.000 đồng/kg thì ngao đạt tiêu chuẩn bán cho Công ty chế biến xuất sang châu Âu có giá gần gấp đôi. Vấn đề ở đây là công suất của nhà máy có hạn, bên cạnh đó là các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu. Ngao xuất khẩu đòi hỏi khắt khe về chất lượng con nuôi, về môi trường cũng như quy trình chế biến. Vì thế, công nhân Công ty TNHH Nghêu Thái Bình phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ đầu vào cho đến khâu đóng gói. Chị Lương Thị Xuyến, công nhân Công ty cho biết: Quy trình chế biến của Công ty rất chặt chẽ. Đầu tiên, khi con ngao được mua về cho vào bể chứa để ngâm nhả cát và tạp chất, sau đó phân kích cỡ con ngao theo đơn đặt hàng của khách hàng rồi tiến hành hút chân không, luộc, cấp đông và đóng gói bảo quản.

 

Nam Thịnh hiện có diện tích bãi triều hơn 1.400ha, mỗi năm sản lượng ngao cho thu hoạch đạt gần 20.000 tấn. Với công suất chế biến của Công ty TNHH Nghêu Thái Bình như hiện nay thì mới chỉ tiêu thụ được 1/3 sản lượng ngao trên địa bàn xã. Như vậy, vẫn còn khoảng 12.000 tấn ngao tiêu thụ theo đường tiểu ngạch với giá cả bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Lúc cao điểm, giá ngao có thể lên đến hơn 20.000 đồng/kg nhưng cũng có thời điểm, như hiện nay, giá ngao giảm chỉ còn một nửa. Ông Trần Văn Từ, chủ một cơ sở thu mua ngao cho biết, hiện tại, mỗi ngày cơ sở xuất bán khoảng 10 tấn ngao, tuy nhiên, do giá ngao xuống thấp nên lợi nhuận thu về không được cao như những năm trước, chỉ đủ để duy trì sản xuất và trả lương nhân công.

 

Điều dễ nhận thấy là nếu như trước đây gần 80% sản lượng ngao của Nam Thịnh được xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thì vài năm trở lại đây, thị trường này đang dần thu hẹp lại, đẩy giá ngao xuống thấp. Cộng với điều kiện thời tiết, thiên tai bất thường đã đẩy nhiều hộ nuôi ngao vào cảnh khó khăn. Tuy vậy, một nghề được đánh giá là siêu lợi nhuận như nuôi ngao vẫn có sức hút lớn đối với các hộ dân trong và ngoài địa bàn. Ông Trần Văn Sương, một chủ hộ nuôi ngao ở Nam Thịnh cho biết, hầu hết các bãi nuôi ngao ở Nam Thịnh đều có lãi, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi héc-ta cho thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng. Hiện nay, con ngao được nuôi tương đối ổn định, mặc dù giá bán có xuống thấp nhưng bù lại giá ngao giống rẻ hơn rất nhiều so với những năm trước do người nuôi chủ động trong việc sản xuất ngao giống.

 

Đối với Nam Thịnh, nghề nuôi ngao không chỉ là nghề làm giàu, chiếm đến 70% tổng thu nhập toàn xã mà còn là nghề để mưu sinh của nhiều lao động trong và ngoài xã. Mỗi ngày có khoảng 3.000 lao động làm việc trên các bãi, chòi canh ngao, chưa kể hàng vạn lao động mùa vụ từ khắp nơi trong huyện. Có những người cả đời gắn bó với con ngao. Vì những điều này, con ngao được nhận định là vật nuôi không thể thay thế. Chính vì không thể thay thế nên để tồn tại và phát triển, chắc chắn những người nuôi ngao ở Nam Thịnh phải đa dạng hơn nữa thị trường tiêu thụ, không quá phụ thuộc vào một thị trường nào, trong đó thị trường khó tính như châu Âu được xem là thời cơ nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Về định hướng phát triển nuôi ngao, ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh chia sẻ: Địa phương luôn động viên, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất con ngao, trong đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng; chú trọng bảo đảm vệ sinh môi trường bãi triều nuôi ngao gắn với bảo đảm an ninh trật tự trên biển để nghề nuôi ngao được phát triển bền vững; tập trung hướng dẫn, phổ biến đến người dân các kỹ thuật nuôi ngao bảo đảm tiêu chuẩn; khuyến cáo người dân đầu tư sản xuất hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất là tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ngao. Đối với thị trường châu Âu là thị trường rất khó tính, chúng tôi luôn bảo đảm duy trì việc kiểm nghiệm vùng nuôi, kiểm định chất lượng ngao và tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa để con ngao Nam Thịnh có thể xuất đi được nhiều nước trên thế giới.           

 

Dù ngao được giá hay rớt giá, người dân Nam Thịnh vẫn bám biển, sống bằng nghề nuôi ngao. Nghề này đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, vì vậy, Nam Thịnh quyết tâm phấn đấu phát triển nghề nuôi ngao bền vững, tiếp tục vươn ra các thị trường thế giới, giúp người dân vùng biển yên tâm sản xuất, làm giàu trên quê hương.

 

Hải Đông

(Đài TTTH Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày