Thứ 4, 22/05/2024, 09:34[GMT+7]

Thực hiện thời vụ gieo cấy lúa xuân 2011: Thêm một bài học thực tế

Thứ 2, 21/03/2011 | 08:58:15
1,830 lượt xem
Thời tiết vụ xuân năm nay thể hiện những nét rất đặc trưng của khí hậu miền Bắc và cũng là năm rét đậm, rét hại điển hình. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của tỉnh, huyện trong khắc phục khó khăn của vụ xuân năm nay, nên toàn tỉnh Thái Bình đã hoàn thành gieo cấy 82.739 ha trong khung thời vụ cho phép.

Tháng 12/2010 có 5 ngày rét và tháng 1/2011 có 28 ngày rét dưới 150c; từ 3/2 đến nay nhiệt độ đã tăng nhưng cũng không vượt quá 200c, kèm theo mưa phùn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những nguyên nhân gây bất lợi cho gieo cấy lúa xuân, cái chính vẫn là sự phá vỡ cơ cấu mùa vụ của nhiều địa phương trong tỉnh. Do đó, nông dân đã tự chuốc bao vất vả cực nhọc không đáng có khi phải gieo cấy đi, gieo cấy lại. Tổng diện tích mạ dài ngày đã gieo và gần 700 ha, khi gặp rét đậm, rét hại 400 ha đã bị chết, số diện tích mạ còn lại sức sống yếu, nhiều nơi đã huỷ bỏ gieo lại toàn bộ.

Nhìn lại thời vụ gieo cấy lúa xuân năm 2011, không khỏi xót lòng khi nhìn những thửa mạ đã gần đủ tuổi cấy chết đen hàng loạt, các hộ nông dân phải “nhắm mắt” bừa đi gieo lại. Những hộ nông dân gieo mạ dài ngày, họ đưa ra cái lý là tranh thủ thời gian nhàn rỗi nên gieo sớm, cấy sớm để yên tâm đón xuân mới; có hộ lại cho rằng ruộng thấp trũng phải gieo giống dài ngày...

Đây là sự chủ quan và sự nhận thức hạn chế vì tầm quan trọng của việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ. Không chỉ đơn thuần là việc gieo giống dài ngày thay cho giống dài ngày mà cái chính là mục tiêu hiệu quả của một vụ từ đó tận dụng hết thời gian trong năm để quay vòng hệ số sử dụng đất, nhằm đạt giá trị kinh tế cao nhất trên đơn vị diện tích canh tác.

Gieo cấy lúa xuân muộn bằng các giống ngắn ngày hoàn toàn có cơ sở khoa học để đối phó với mọi loại hình thời tiết, sâu bệnh bất thường xảy ra. Qua gieo cấy vụ xuân vừa qua cho thấy, sự chủ quan, bảo thủ, nhận thức không đầy đủ về chuyển đổi cơ cấu giống vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người.

Chủ trương của tỉnh là gieo 100% diện tích bằng các giống ngắn ngày và thời gian gieo mạ sớm nhất là từ ngày 24/1, kết thúc cấy trước ngày 25/2/2011. Song, trên thực tế cả 8 huyện, thành phố đều có diện tích mạ dài ngày, gieo tập trung từ ngày 5 – 10/12, sớm hơn so với lịch của tỉnh 1 tháng 15 ngày.

Một số hộ dân gieo mạ đúng lịch cuối tháng 1, đầu tháng 2, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng mạ chết rét, sinh trưởng kém và do nông dân chủ quan không che nilon cho mạ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Khó khăn cho vụ xuân không chỉ dừng ở đây, bởi khi cấy nhiều địa phương vẫn huy động lao động cấy ồ ạt cho xong khi thời tiết chưa thích hợp (cấy vào những ngày nhiệt độ dưới 150c), dẫn đến lúa sinh trưởng, phát triển chậm. Một số diện tích cấy khi mạ chưa kịp phục hồi sau rét và một số giống chịu rét kém như BC15, Bắc thơm, T10, nên sau cấy lúa chậm phát triển, nhiều hộ dân nóng vội đã bừa đi cấy lại.

Đặc biệt là một số diện tích lúa gieo thẳng, do vãi bằng tay nên mộng mạ nằm không đều, có nơi dầy quá, nơi thưa quá và chưa thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật, lúa phát triển chậm...các hộ dân sốt ruột phá đi cấy lại.

Trước thực trạng trên, tỉnh, huyện đã liên tiếp có các công văn chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khắc phục khó khăn để vụ xuân giành thắng lợi. Toàn bộ diện tích được đổ nước đủ cho làm đất, gieo cấy theo đúng lịch thời vụ và bảo đảm giữ ấm cho lúa sinh trưởng, phát triển. Với các giải pháp đồng bộ, cả diện tích lúa cấy và gieo thẳng đều đang sinh trưởng, phát triển khá.

Hiện nay, diễn biến thời tiết rất bất thường, rét đậm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cho lúa, đồng thời ốc bươu vàng đang gây hại ở nhiều địa phương, cùng với bênh lùn sọc đen đã xuất hiện từ Hà Tĩnh trở vào. Để đối phó với sâu bệnh và chăm sóc lúa xuân được tốt trong giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp đã có các biện pháp hướng dẫn nông dân thực hiện.

Để lúa có sức, rút ngắn thời gian sinh trưởng, nông dân cần tập trung bón thúc, chậm nhất đến 20/3. Cụ thể bón hết lượng lân, đạm và một nửa lượng phân kali trước ngày 15/3; sau 15/3 tuyệt đối không bón phân đơn, nếu lúa xấu bón thêm phân tổng hợp NPK chuyên thúc, hoặc phun qua lá. Khi lúa đẻ kín ruộng, bón hết lượng kali còn lại (3-3,5 kg/sào); giữ nước đều trên ruộng để lúa đẻ nhánh và bón phân được thuận lợi.

 Đối với lúa gieo thẳng, khi có 1,5 – 2 lá thật, đưa nước láng mặt ruộng, bón nhử phân chuyên thúc 2-2,5 kg phân đạm urê, kết hợp tỉa dặm bảo đảm mật độ 110-120 cây/m2. Lúa bắt đầu đẻ nhánh, bón phân chuyên thúc giống như bón cho lúa cấy lúc mạ non, không bón đạm đơn. Đồng thời tăng cường sử dụng các chất hỗ trợ sinh trưởng để kích thích rễ, lá và tăng khả năng chống chịu, như KH, PennacP, ET, 3M...

Đặc biệt, hiện nay bệnh lùn sọc đen đã gây hại 500 ha lúa từ Hà Tĩnh trở vào, trong khi đó lúa của tỉnh đang trong giai đoạn mẫn cảm nên các địa phương cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Ngoài ra, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt chuột, ốc bươu vàng...

         Nguyên Bình
 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày