Thứ 5, 25/07/2024, 04:21[GMT+7]

Để kinh tế tập thể phát triển bền vững (Kỳ 1)

Thứ 6, 05/08/2016 | 16:30:18
476 lượt xem
Trên địa bàn tỉnh hiện có 551 HTX và quỹ tín dụng. Những năm qua, các HTX này đã đóng góp khoảng 9,8% vào GDP của tỉnh. Lãi bình quân 81,1 triệu đồng/HTX/năm. Tuy đạt hiệu quả nhất định trong hoạt động nhưng sự phát triển của các HTX trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.

Cơ giới hóa trên đồng ruộng có sự góp sức không nhỏ của HTX DVNN.

 

Đóng vai trò quan trọng

 

Nhờ xác định được việc điều hành các khâu dịch vụ chính là thực hiện tốt vai trò bà đỡ cho các hộ xã viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên các dịch vụ của HTX DVNN xã Trọng Quan (Đông Hưng) vừa mang tính kinh doanh vừa mang tính phục vụ góp phần khuyến khích, thúc đẩy sản  xuất phát triển. Qua đó, giúp cho năng suất các loại cây trồng được tăng lên, giá trị sản xuất nông nghiệp trong toàn xã hàng năm tăng từ 10 - 15%. Về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, HTX tham mưu xây dựng đề án sản xuất, bố trí đưa các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất làm hàng hóa, đưa bình quân năng suất lúa hàng năm đạt 13,5 tấn/ha. HTX cũng đã quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung với diện tích 15ha, trong đó có 1 trang trại nuôi 100 con bò thịt và 18.000 con gà thịt kết hợp nuôi thả cá, 26 gia trại sản xuất chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tham mưu quy hoạch vùng sản xuất cánh đồng mẫu 50,27ha với công thức luân canh 3 vụ/năm. Bên cạnh đó, HTX quản lý, điều hành và thực hiện tốt các khâu dịch vụ nên mức doanh thu bình quân hàng năm đạt 3,2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế bình quân đạt 250 triệu đồng.

 

Quỹ tín dụng nhân dân Tân Phong (Vũ Thư) hoạt động trên địa bàn 3 xã Tân Phong, Tân Hòa và Minh Quang. Tính đến năm 2015, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ là 145 tỷ đồng. Theo ông Phan Thanh Giang, Giám đốc Quỹ tín dụng: Quỹ chủ yếu đầu tư cho vay vào các lĩnh vực phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương, đặc biệt là đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn như cho vay chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chiếm 38%; cho vay làm nghề, xuất khẩu lao động chiếm 26%, cho vay xây dựng nông thôn mới (NTM) chiếm 36%...

 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các sở, ngành chỉ đạo các địa phương thực hiện thành công công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng gắn liền với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng trong xây dựng NTM. Đến đầu năm 2013, 100% số xã trong tỉnh đã hoàn thành quy hoạch và DĐĐT. Bình quân chung toàn tỉnh đạt 1,79 thửa/hộ, giảm gần 2 thửa/hộ. Cả tỉnh còn trên 462.100 thửa, giảm so với trước gần 52%.  Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của các HTX DVNN trong tỉnh. Thực hiện đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, các HTX đã mua trên 3.400 máy và công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp với số tiền trên 153 tỷ đồng, góp phần thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 55% khâu thu hoạch và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy.

 

Theo bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Nhiều HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, như áp dụng công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch; sử dụng rộng rãi, máy móc, thiết bị cơ khí trong sản xuất; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao… HTX còn đóng vai trò nòng cốt trong quy hoạch, phân vùng, bố trí sản xuất cũng như hướng dẫn xã viên sản xuất theo vùng quy hoạch, động viên xã viên tích cực tham gia DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng, củng cố giao thông thủy lợi nội đồng… Cùng với HTX DVNN, hoạt động của 85 quỹ tín dụng nhân dân thu lợi nhuận bình quân đạt 619,6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, 63 HTX dịch vụ điện năng, 16 HTX công nghiệp - TTCN, 5 HTX giao thông vận tải và 32 doanh nghiệp là thành viên của Liên minh đã hoạt động khá hiệu quả, tạo thu nhập bình quân cho lao động đạt từ 2 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Song còn nhiều hạn chế

 

Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tại địa phương, tuy nhiên HTX DVNN xã Trọng Quan (Đông Hưng) cũng không tránh khỏi những hạn chế trong quá trình hoạt động. Theo ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTX DVNN: Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay vấn đề nhân lực đang là điều đáng bàn khi lao động trẻ khỏe của địa phương ngày một thiếu. Quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ, mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các nhà doanh nghiệp và nông dân thiếu tính bền vững. Cùng với đó, nguồn vốn của HTX chủ yếu được phân bổ từ quỹ HTX cũ chuyển sang bằng tài sản cố định nên khó khăn trong điều hành các khâu dịch vụ. Mặt khác, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ HTX còn hạn chế, chưa tạo được sự đột phá phát triển theo cơ chế thị trường. Còn bà Trần Thị Kim Kinh, Giám đốc HTX DVNN xã Nam Cường (Tiền Hải) cho biết: Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức sản xuất HTX chủ yếu lo sản xuất đầu vào, khâu tiêu thụ còn hạn chế. Mặt khác, không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nên khó mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng do nguồn tài chính hạn chế nên xã viên không có khả năng đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ để đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Sản xuất mới chỉ quan tâm đến lợi nhuận nhất thời. Công tác quản lý đầu vào và thu mua, chế biến tiêu thụ, tổ chức sản xuất còn yếu. Mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ còn nhiều bất cập, người dân chưa tiếp cận được với các chính sách của Nhà nước.

 

Mô hình sản xuất ngô ngọt ở Điệp Nông (Hưng Hà)

 

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh: Sự phát triển kinh tế tập thể thời gian qua còn tăng trưởng chậm về số lượng, chưa đa dạng. Số HTX thành lập mới còn ít. Trên địa bàn tỉnh chưa có liên hiệp HTX và tổ hợp tác được thành lập. Bên cạnh đó, quy mô hoạt động của HTX còn nhỏ. Hiện toàn tỉnh mới có khoảng 38% cán bộ quản lý và cán bộ điều hành HTX có trình độ cao đẳng, đại học. Do đó, việc điều hành, quản lý chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành nghề để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thành viên và thị trường. Các HTX cũng chưa xác định được mục tiêu và định hướng phát triển, chưa huy động được nhiều tiềm năng trong thành viên và ngoài xã hội. Mặt khác, công tác quản lý tài chính, kế toán của nhiều HTX thiếu chặt chẽ, công nợ còn dây dưa kéo dài, chậm được xử lý dẫn đến tình trạng mất vốn. Sự liên giữa 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp) còn lỏng lẻo. Chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của nhiều HTX chưa cao, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường và chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn thành viên. Việc tổ chức phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa kịp thời, nhất là việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể ở nhiều địa phương chưa hiệu quả, nhiều nơi còn lúng túng… Có thể thấy, những hạn chế trên đã khiến cho chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể đạt hiệu quả chưa cao.

 

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày