Thứ 5, 08/08/2024, 23:24[GMT+7]

Vũ Thư: Nuôi bò Brahman cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ 3, 16/08/2016 | 08:09:14
1,974 lượt xem
Hai năm qua, Vũ Thư đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiến hành lựa chọn 3.177 con bò cái lai Sind làm nền thụ tinh nhân tạo giống bò Brahman nhằm tạo giống bò thịt chất lượng cao cho các hộ nuôi. Bò Brahman là giống bò khỏe, có sức kháng chịu tốt với các loại bệnh dễ lây lan trên đàn gia súc, gia cầm.

Bê Brahman được sinh ra nhờ thụ tinh nhân tạo của gia đình anh Đỗ Ngọc Thinh khi sinh ra nặng hơn 3 - 5kg/con so với bê phối giống bằng phương pháp truyền thống.

Tổng đàn bò của huyện Vũ Thư hiện nay gần 8.000 con. Từ khi bắt đầu thụ tinh nhân tạo (hoạt động nằm trong đề án phát triển chăn nuôi bò sữa và bò thịt giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2025 của huyện) vào tháng 8/2014 đến đầu tháng 7/2016, toàn huyện đã phối giống được 1.976 con bò nái ở 30 xã, thị trấn. Số bê sinh ra được 731 con, tỷ lệ thụ thai đạt 60,7%, trọng lượng bê sơ sinh từ thụ tinh nhân tạo giống Brahman đạt bình quân 21,6kg/con, nặng hơn so với bê phối giống thụ tinh bằng phương pháp truyền thống từ 3 - 5kg/con. Bê con sinh ra khỏe mạnh, ngoại hình đẹp. Để có được kết quả trên, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của giống bò Brahman mang lại thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, in ấn tờ rơi phát cho các hộ nuôi, mở lớp tập huấn kỹ thuật thụ tinh, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động. Nhớ lại những ngày đầu triển khai đề án cải tạo đàn bò, ông Phạm Hồng Đăng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện chia sẻ: Khi chúng tôi triển khai đề án cải tạo đàn bò vào năm 2014, đa phần chất lượng đàn bò chưa đủ tiêu chuẩn để tiến hành thụ tinh nên việc sàng lọc mất nhiều thời gian, công sức. Người dân theo dõi thời gian động dục của bò chưa chính xác nên có đêm anh em phải lặn lội xuống cơ sở để xử lý. Toàn huyện chỉ có 30 hộ nuôi quy mô từ 6 - 10 con/hộ; 6 hộ nuôi quy mô trên 10 con/hộ, còn lại là các hộ nuôi từ 3 - 5 con/hộ, quy mô nhỏ lẻ nên việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con để đưa giống mới vào nuôi rất khó khăn. Có thâm niên nhiều năm nuôi bò nhưng khi nghe đài truyền thanh xã tuyên truyền về việc thụ tinh giống bò Brahman mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Phạm Ngọc Bẩy ở thôn Mỹ Lộc 3, xã Việt Hùng liền đăng ký tham gia. Ông Bẩy chia sẻ: Khi tham gia đề án cải tạo đàn bò của huyện, gia đình tôi nhận được hỗ trợ từ tỉnh, từ huyện nên chỉ mất 50.000 đồng tiền công thụ tinh cho bò. Hàng năm, tôi đều tiêm phòng đầy đủ nên đàn bò không mắc bệnh dịch, những lúc bùng phát dịch thì đàn bò của gia đình tôi vẫn khỏe mạnh và an toàn. Trong chuồng bò của gia đình hiện có 15 con thì có 8 con nái Brahman được giữ lại để gây giống và 7 con bò đực nuôi để bán. Gia đình ông Bẩy là 1 trong 200 hộ chăn nuôi bò của xã Việt Hùng đăng ký tham gia thụ tinh nhân tạo giống Brahman, hiện nay tổng đàn bò của xã Việt Hùng có 454 con thì 70% là lai giống Brahman.

Cũng như gia đình ông Phạm Ngọc Bẩy, gia đình anh Đỗ Ngọc Thinh ở thôn An Để, xã Hiệp Hòa hiện đang nuôi 35 con bò giống Brahman, trong đó 20 con nái anh để gây giống. Từ khi nắm được thông tin huyện hỗ trợ 840.000 đồng/ha tiền mua hạt giống cỏ, anh đã mạnh dạn bỏ một số loại cây trồng như chanh, bưởi, để tạo quỹ đất trồng cỏ cho bò.

Theo ông Phạm Hồng Đăng, bò Brahman có sức kháng chịu dịch bệnh tốt, bò đực trưởng thành có trọng lượng trung bình gần 600kg/con, con nái đạt từ 300kg đến gần 400kg/con, bò thịt nuôi trong thời gian 18 tháng nông dân khi bán thu lãi từ 14 - 15 triệu đồng/con. Còn đối với bò sữa, các hộ nuôi thu lãi trung bình từ 38 - 40 triệu đồng/con/năm. Một số xã nuôi nhiều bò Brahman như Tân Hòa (145 con), Xuân Hòa (146 con), Việt Hùng (287 con) luôn chủ động nguồn cỏ cho bò bởi huyện đã quy hoạch hơn 450ha vùng nguyên liệu cỏ trên địa bàn 21 xã nhằm đáp ứng đủ nguồn thức ăn bảo đảm chất lượng cho đàn bò.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Vũ Thư sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia đề án tái cơ cấu đàn bò, mở rộng một số mô hình điểm về nuôi bò Brahman cho nông dân đến tham quan học hỏi kinh nghiệm, phấn đấu 80% đàn bò cái trong huyện được thụ tinh nhân tạo, nâng tổng đàn bò sữa lên 2.000 con, đàn bò thịt lên 12.000 con, sản lượng thịt cung ứng ra thị trường đạt 900 tấn vào năm 2020. Chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, sự nhiệt tình của đội ngũ thú y viên... chính là cơ sở để hình thành đàn bò chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thịt bò sạch mà còn cung cấp ra thị trường nguồn sữa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiến Đạt - Thu Hà

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày