Thứ 3, 20/05/2025, 08:31[GMT+7]

Thái Thọ: Hiệu quả từ vùng chuyển đổi

Thứ 3, 23/08/2016 | 09:16:31
626 lượt xem
Xã Thái Thọ (Thái Thụy) có 21ha canh tác thuộc quỹ đất 5% nằm ven sông Trà Lý - vùng chua trũng mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất bấp bênh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi vùng gieo cấy lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi, đã có hàng chục hộ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Kình mỗi năm xuất chuồng 500 tấn lợn hơi.

 

Trên triền đê ven sông Trà Lý, chứng kiến vùng nuôi thả thủy sản kết hợp chăn nuôi, chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi sự phát triển quy mô, đầy tiềm năng của hàng chục trang trại, gia trại. Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Kình với 2,7ha đấu thầu đất 5% của xã bố trí diện tích mặt nước 15.000m2 nuôi thả các loại cá truyền thống, cá vược, sản lượng mỗi năm trên dưới 4 tấn, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm thường xuyên có 600 con gà, hàng trăm con lợn. Chăn nuôi lợn trở thành thế mạnh phát triển trang trại của gia đình anh kể từ khi tiếp thu mô hình liên kết chăn nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp, mỗi năm xuất chuồng 500 tấn lợn hơi. Biến vùng đất hoang hóa ngày nào thành trang trại trù phú, có lẽ chỉ gia đình anh Kình và những chủ hộ chăn nuôi nơi đây mới thực sự thấu hiểu sự táo bạo, tầm nhìn xa cộng với khát vọng làm giàu chính đáng là những yếu tố cốt lõi mang lại thành công. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Kình thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.

 

Rời trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Kình, chúng tôi đến trang trại của anh Đinh Văn Phiến. Nơi vùng chua trũng, từng chẳng mấy người thiết tha giờ đây sự sống sinh sôi nảy nở. Anh Phiến cho biết, sau  8 năm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, đất chật kìm hãm, ô nhiễm môi trường, anh mạnh dạn đăng ký với UBND xã chuyển toàn bộ diện tích canh tác của gia đình và đấu thầu thêm, tổng cộng hơn 3ha vùng chuyển đổi đầu tư nuôi thả vịt. Ban đầu gian truân, thử thách, thậm chí không ít lần mất trắng do thiên tai, dịch bệnh song với ý chí, sự kiên trì, năng động của một giáo dân cùng sự động viên, khuyến khích của chính quyền, các đoàn thể xã đã giúp anh  trụ vững nơi vùng đất khó. Từ 1.000 con vịt nay đã lên tới 10.000 con kết hợp lò ấp trứng lộn, làm con giống cho người giáo dân này doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

 

Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục mô hình trang trại, gia trại trên vùng chuyển đổi nội đồng, vùng bãi ven sông Trà Lý của Thái Thọ, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá. Hiện toàn xã có 42 mô hình được cấp chứng nhận trang trại tổng hợp. Được biết, góp phần vào thành công của các mô hình này không thể thiếu vai trò của các đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã. Từ nguồn vốn tín chấp với ngân hàng 7 tỷ đồng, Hội Nông dân xã đã đưa đồng vốn vay ưu đãi đến với hội viên. Các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng nuôi trồng cây, con cũng là giải pháp quan trọng giúp hội viên đầu tư đúng, trúng, hiệu quả. Hàng năm, 80% hội viên được suy tôn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó phần lớn các chủ trang trại vùng chuyển đổi đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Đó cũng là yếu tố cơ bản để Hội Nông dân xã ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức hội nhiều năm trong sạch, vững mạnh.

 

Từ vùng đất hoang hóa ngày nào, đến nay 21ha vùng chuyển đổi ven sông Trà Lý ở Thái Thọ đã cơ bản phủ kín trang trại, gia trại, cho thu nhập gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Sự sống hồi sinh nơi vùng đất khó một lần nữa khẳng định chủ trương đúng của tỉnh, huyện cũng như sự linh hoạt vận dụng sáng tạo, cách làm khoa học của cấp ủy, chính quyền xã, ý chí vươn lên của các hộ nông dân.

 

Lê Lan

(Đài TTTH Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày