Thứ 6, 27/12/2024, 12:24[GMT+7]

Ông Tuấn cấy lúa trên ruộng bỏ hoang

Thứ 3, 30/08/2016 | 09:07:56
628 lượt xem
Hiện nay, ở một số địa phương một bộ phận nông dân vì nhiều lý do khác nhau đã chán ruộng, bỏ ruộng. Trong khi đó, tại khu Đông Trung, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương), ông Nguyễn Thanh Tuấn lại duy trì cấy hơn 5ha lúa hàng hóa, bước đầu cho thu nhập cao.

Ông Tuấn kiểm tra diện tích lúa sau ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Thăm cánh đồng khu Đông Trung, nhìn diện tích gieo cấy lúa liền vùng gọn thửa với màu xanh mơn mởn "đang thì con gái" của ông Nguyễn Thanh Tuấn, ít ai biết được đây trước kia là một vùng gieo cấy khó khăn, nhiều người đã phải lắc đầu ngán ngẩm. Năm 2013, do diện tích gieo cấy của gia đình chỉ có gần 10 sào, làm ăn trên quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao, trong khi khu phố có một số gia đình do thiếu lao động hoặc đi làm công ty cho thuê khoán ruộng, ông Tuấn đã mạnh dạn vay vốn thuê lại ruộng của người dân để cấy lúa hàng hóa. Lúc mới bắt tay vào làm, do mặt ruộng không bằng phẳng, chỗ thấp chỗ cao và phần lớn diện tích nằm giáp ranh xã Quang Trung nên hay bị chuột phá hoại, để ổn định sản xuất, ông Tuấn cùng gia đình đã mất hàng chục ngày công để cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Để có diện tích đất rộng phục vụ gieo cấy lúa ổn định lâu dài, ông Tuấn thuê của người dân với mức từ 30 - 40kg thóc/sào/năm trong thời gian 5 năm, hết 5 năm lại tiếp tục thuê lại. Trên diện tích hơn 5 ha, ông bố trí hơn 5 mẫu để gieo cấy lúa giống cho các doanh nghiệp; 6 mẫu để cấy lúa chất lượng cao như nếp thơm, N97, còn lại 3 mẫu để cấy lúa tám. Sau hơn 3 năm cần mẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", bám đồng, bám ruộng, đến nay, hơn 5ha do gia đình ông thuê để gieo cấy đã được chỉnh trang liền vùng gọn thửa, bước đầu cho thu nhập cao. Để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ông luôn tuân thủ các biện pháp kỹ thuật của HTX và ngành chuyên môn. Ông Tuấn chia sẻ: Lúc mới bắt tay vào làm cũng có nhiều khó khăn nhưng tới bây giờ mô hình này đã mang lại thu nhập cao cho gia đình. Thời gian tới, tôi tiếp tục tìm và đưa những giống lúa có giá trị kinh tế cao vào gieo cấy để tăng thu nhập cho gia đình.

Để phục vụ cho việc gieo cấy lúa, ông Tuấn đã đầu tư kinh phí mua 1 máy cày cỡ trung 24 mã lực, 1 máy cày tay cỡ nhỏ, máy bơm nước để sản xuất. Hàng năm, khi vào mùa vụ gieo cấy, để bảo đảm mật độ lúa trên một diện tích đất canh tác, ông thường thuê từ 7 - 9 lao động cấy tỉa dặm. Do chủ động được các khâu trong gieo cấy lúa nên chi phí sản xuất thấp, từ 300.000 - 400.000đồng/sào/vụ. Trung bình mỗi vụ gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 30 tấn thóc các loại, trừ chi phí sản xuất cho thu lãi hơn 150 triệu đồng/vụ/năm. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông cũng thu nhập thêm 130 triệu đồng từ việc làm đất thuê cho các hộ nông dân khác. Nhận xét về mô hình tích tụ ruộng đất của ông Nguyễn Thanh Tuấn, ông Phạm Văn Hiền, Giám đốc HTX DVNN Thanh Nê cho biết: Gia đình ông Tuấn là một trong những hộ tiêu biểu trong việc tích tụ ruộng đất của thị trấn Thanh Nê. Đây là hộ đã mạnh dạn thầu lại các diện tích khó khăn của nông dân để canh tác. Mô hình sản xuất lúa trên quy mô lớn này bước đầu đã cho hiệu quả do giảm được chi phí trong sản xuất nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để nhân rộng ra các khu phố khác.

Việc bám đồng để sản xuất trên quy mô lớn đã giúp gia đình ông Nguyễn Thanh Tuấn trở thành triệu phú trên mảnh đất quê hương. Qua đây đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân trong quá trình tích tụ ruộng đất, chuyển từ làm ăn nhỏ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để mang lại thu nhập cao.

Vũ Đông
(Đài TTTH Kiến Xương)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày