Chủ nhật, 04/08/2024, 07:16[GMT+7]

Những triệu phú nông dân

Thứ 6, 09/09/2016 | 09:45:53
812 lượt xem
Dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong trồng trọt, chăn nuôi, nhiều nông dân đã biến mảnh vườn, thửa ruộng kém hiệu quả thành những trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với họ, KHKT chính là đòn bẩy để phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Lao động tại trang trại của gia đình ông Phạm Bá Vang vệ sinh cho đàn lợn theo đúng khung giờ quy định.

 

Từ bãi đất lầy, bỏ hoang thuộc xã Tân Bình (thành phố Thái Bình), ông Phạm Bá Vang đã đấu thầu, cải tạo thành trang trại chăn nuôi có diện tích 51.000m2 với quy mô nuôi gần 650 lợn nái. Ngay khi bước chân vào ngành chăn nuôi, ông đã mạnh dạn ứng dụng KHKT ở nhiều khâu, từ hệ thống chuồng nuôi đến việc chăm sóc lợn theo mô hình của Mỹ. Áp dụng chăn nuôi theo hướng hiện đại nên nhiều năm liền, trang trại của ông đều đạt năng suất cao. Bình quân mỗi năm lợn nái ở trang trại sinh sản được 27,7 lợn con/nái/năm. 5 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ lợn đạt 11,7 lợn con/nái. Mỗi năm, doanh thu từ trang trại đạt khoảng 30 tỷ đồng. Ông Vang cho biết: Chi phí đầu tư con giống, chuồng nuôi ban đầu của trang trại nào hầu như cũng giống nhau, chỉ khác ở mức độ áp dụng KHKT sẽ cho năng suất khác nhau. Bình thường, người nông dân nuôi lợn nái mỗi năm sẽ sinh sản được khoảng 22 lợn con/nái nhưng nếu áp dụng KHKT, tuân thủ theo đúng tỷ lệ khẩu phần ăn cho từng giai đoạn như phối giống, mang thai, sau đẻ cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn về hệ thống chuồng nuôi, phòng, chống dịch bệnh, tỷ lệ sinh sản có thể đạt 27,7 lợn con/nái/năm.

 

Điểm khác biệt trong trang trại của ông Vang so với một số gia trại, trang trại nhỏ lẻ đó là hệ thống chuồng nuôi và kỹ thuật chăm sóc lợn qua từng chu kỳ. Chuồng nuôi được phân từng khu riêng biệt, khép kín và làm mát bởi tôn chống nóng cùng hệ thống quạt gió có công suất lớn. Cứ cách 5 lồng nuôi lại có 1 điểm đo nhiệt độ để theo dõi, điều chỉnh tăng, giảm phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của lợn. Mỗi chuồng đều được gắn hệ thống camera để theo dõi. Việc chăm sóc được phân khúc theo từng giai đoạn sinh trưởng. Thành công của trang trại có được còn do đội ngũ lao động tại đây. Hơn 20 lao động đang làm việc hầu hết đều có trình độ, thường xuyên được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi.

 

Cùng với chăn nuôi, KHKT cũng mang lại những bước tiến trong trồng trọt, đặc biệt đối với một số loại cây trồng mới. Nếu như những năm trước, việc trồng thanh long được thực hiện trên những trụ cột bê tông thì nay anh Trịnh Tiến Mạnh ở thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên (Thái Thụy) đã quyết định chuyển sang trồng bằng mô hình giàn theo công nghệ của Israel, Đài Loan và Thái Lan. Kỹ thuật trồng giàn có những ưu điểm vượt trội như: giảm nhân công, dễ thay thế cây trồng nếu bị chết, tiết kiệm nước tưới, khi bón phân gặp mưa sẽ không bị rửa trôi. Việc trồng giàn còn hạn chế được ảnh hưởng của mưa bão, cây ít bị gãy cành, rụng hoa. Năng suất từ trồng giàn cũng cao hơn trồng trụ từ 2 - 3 lần. Ngoài kỹ thuật trồng giàn, anh Mạnh chú ý đến việc lựa chọn giống. Anh chia sẻ: Thanh long là cây dễ trồng song cần phải có kỹ thuật chăm sóc mới cho năng suất cao, phải chú ý đến từng giai đoạn để áp dụng phương pháp chăm sóc phù hợp. Trung bình hai mẫu thanh long của anh Mạnh cho thu hoạch khoảng 60 - 70 tấn/năm, mỗi năm anh thu về được gần 550 triệu đồng. Hiện nhiều người trong và ngoài huyện đã đến tìm hiểu, học tập mô hình trồng thanh long của gia đình anh.

 

Toàn tỉnh hiện có 728 trang trại chăn nuôi, 21.560 gia trại và hàng chục nghìn hộ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ. Việc áp dụng KHKT đã tạo ra nét mới trong ngành chăn nuôi, trồng trọt, xóa bỏ tư tưởng nuôi trồng manh mún, góp phần giảm sức lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, hầu như việc áp dụng KHKT mới chỉ tập trung ở những trang trại có quy mô lớn, có nguồn vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị chăn nuôi, sản xuất và thuê nhân lực có trình độ. Ở một số trang trại, gia trại nhỏ lẻ, việc ứng dụng KHKT chưa đồng bộ, mới dừng lại ở một số khâu và chưa tạo sự đột phá do thiếu vốn và nhân lực. Các trang trại, gia trại mới chỉ tận dụng những lao động sẵn có trong gia đình hoặc thuê lao động thời vụ chưa qua đào tạo. Chính vì thế, để KHKT đi vào cuộc sống, trở thành đòn bẩy giúp người dân phát triển sản xuất, vẫn cần có thêm nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ KHKT cho người nông dân, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp chủ các trang trại, gia trại được vay vốn, mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất.

 

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày