Thứ 2, 29/07/2024, 15:20[GMT+7]

Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Ðể một năm chăn nuôi giành thắng lợi

Thứ 5, 22/09/2016 | 09:29:28
585 lượt xem
Theo số liệu của Cục Thống kê, đến nay toàn tỉnh có 47.442 con trâu, bò, 1.035.979 con lợn, 11.537.000 con gia cầm, thủy cầm. Những tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 116.059 tấn, sản lượng trứng đạt 131.571.000 quả. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, các ca bệnh thông thường có xảy ra rải rác nhưng đều được xử lý kịp thời đạt hiệu quả. Tuy nhiên, theo dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn tại xã Đông Xuyên (Tiền Hải).

 

Chúng tôi trở lại xã Dân Chủ (Hưng Hà) sau một tháng kể từ ngày phát sinh ổ bệnh trên gà và ngan của gia đình ông Vũ Văn Bình. Đang sửa lại hệ thống chuồng trại phục vụ tái đàn, ông Bình cho biết: Thời điểm ngày 21/8/2016, gia đình ông nuôi 1.100 con gà, 160 con ngan và đàn gia cầm của nhà ông có biểu hiện nghi mắc cúm gia cầm. Ngay lập tức, lãnh đạo và phòng chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà đã trực tiếp xuống gia đình kiểm tra tình hình.

 

Ông Phạm Thành Nhương, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chi cục đã lấy mẫu đem đi xét nghiệm tại cơ quan Thú y vùng 2 (Hải Phòng). Cùng với đó, Chi cục phối hợp với huyện Hưng Hà, xã Dân Chủ thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyên môn để xử lý ổ bệnh như: tổ chức hội nghị triển khai biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh; tổ chức giám sát, điều tra, khoanh vùng quản lý, vệ sinh tiêu độc khử trùng; đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các biện pháp chuyên môn trong phòng, chống dịch...

 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bằng hàng loạt các biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy trình, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, chỉ trong thời gian ngắn, ổ bệnh được khống chế hoàn toàn, không lây lan, phát sinh thành dịch. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngoài vụ việc trên, từ đầu năm đến nay còn có một số ca bệnh thông thường xảy ra rải rác tại các địa phương, đặc biệt là dịch đốm trắng trên tôm tại 8 xã của hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy xảy ra trong tháng 5, 6 đều được hệ thống thú y xử lý kịp thời, hiệu quả. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà ngành chăn nuôi đề ra từ đầu năm, Chi cục đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triệt để công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm bởi đây là biện pháp phòng bệnh chủ động, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đến nay, qua hệ thống thú y đã tiêm phòng dịch tả lợn được 502.434 con, tụ dấu là 203.884 con, phó thương hàn (PTH) là 309.824 con, lở mồm, long móng (LMLM) được 95.432 con lợn nái, 642 con lợn đực giống, 3.109 con trâu, 23.884 con bò, 730 con dê, tiêm tụ huyết trùng (THT) trâu, bò là 9.856 con, bệnh dại cho 56.646 con chó. Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tự tiêm: dịch tả lợn được 243.468 con, tụ dấu 102.418 con, PTH lợn 161.683 con, LMLM 114.146 con, tai xanh 119.426 con, suyễn lợn 116.814 con và 72.058 liều vắc-xin khác (giả dại, parvo,...). So với cùng kỳ năm 2015, kết quả tiêm phòng đối với các vắc-xin cho đàn lợn đạt tương đương; LMLM cho đàn lợn tăng 7,2%, đàn trâu, bò giảm 8,6%; THT trâu, bò tăng 11%; bệnh dại tăng 4%. Không chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng cho gia súc, gia cầm vụ thu đông và tổ chức hội nghị triển khai cho lãnh đạo UBND, lãnh đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thành phố; lãnh đạo phòng, đơn vị liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, xác định tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm của toàn dân, cần huy động mọi nguồn lực tham gia.

 

Đến ngày 10/9, 100% các xã, huyện và thành phố đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin đến lãnh đạo các phòng, ban liên quan, lãnh đạo UBND các xã, phường và trưởng ban chăn nuôi và thú y cấp xã. Từ ngày 11/9 - 25/9, tổ chức tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu cho từng thôn, xóm hoặc tiêm đồng loạt trên địa bàn xã; đối với đàn trâu, bò, chó có thể tiêm tập trung. Tổ chức tiêm bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm mới đến tuổi tiêm phòng và tiêm sót ở đợt chính. Yêu cầu việc tiêm phòng phải thực hiện đồng loạt thành chiến dịch trên phạm vi toàn tỉnh, phấn đấu đợt đại trà tỷ lệ tiêm phòng 3 bệnh đỏ cho đàn lợn và LMLM cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống đạt từ 90% trở lên; phòng bệnh THT trâu, bò, bệnh dại ở chó, mèo tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2015. Việc tiêm phòng vắc-xin bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, nhanh gọn, đúng kế hoạch, an toàn và đạt hiệu quả cao. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ chiến dịch tiêm phòng như dụng cụ bảo quản, vận chuyển vắc-xin, trang thiết bị bảo hộ, sổ sách ghi chép, biểu mẫu báo cáo, kinh phí phục vụ tiêm phòng… Ban chăn nuôi và thú y các xã có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tiến độ tiêm hàng ngày; trong trường hợp gia súc, gia cầm phản ứng với vắc-xin xảy ra trên diện rộng phải ngừng ngay việc tiêm phòng và báo cáo về tỉnh, huyện để có biện pháp xử lý. Trong vòng 10 ngày, sau khi kết thúc tiêm phòng đại trà, các huyện, thành phố phải hoàn thành việc thẩm định và gửi báo cáo kết quả tiêm phòng cho cấp có thẩm quyền qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

 

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày