Thứ 4, 05/02/2025, 22:59[GMT+7]

Vũ Thư, Thái Thụy: Phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa cuối vụ

Thứ 6, 23/09/2016 | 09:01:00
624 lượt xem
Từ ngày 11 - 15/9, nông dân Vũ Thư tiến hành chiến dịch phun thuốc phòng, trừ các loại sâu bệnh trên hầu hết diện tích lúa mùa. Giai đoạn này, huyện tiếp tục vận động nông dân phòng, trừ kịp thời để bảo vệ an toàn hơn 8.000ha lúa mùa cuối vụ.

Nông dân xã Minh Quang (Vũ Thư) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho diện tích lúa nếp.

 

Đến nay, 8.000ha lúa mùa của huyện đã cơ bản hoàn thành trỗ bông, hầu hết diện tích lúa đang trong giai đoạn chắc xanh, vào mẩy, trong đó có 550ha lúa trỗ sau ngày 15/9, tập trung ở diện tích lúa nếp, BC15. Bà Bùi Thị Nhạn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Ngay sau khi kết thúc đợt phun thuốc từ ngày 11 - 15/9, Trạm đã khẩn trương tiến hành kiểm tra đồng ruộng, kết quả cho thấy sâu cuốn lá nhỏ vẫn xuất hiện với mật độ 60 - 80 con/m2, cục bộ 300 - 350 con/m2 gây hại lá đòng và lá công năng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa mùa. Sâu đục thân hai chấm gây bông bạc trà lúa trỗ bông sau ngày 15/9 trở đi, tỷ lệ hại 10 - 15%, cục bộ 30 - 50%. Mặt khác, dự báo thời tiết trong những ngày tới tiếp tục có mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, bệnh đen lép hạt gây hại cho các giống lúa nhiễm khi trỗ bông. Ngoài ra, rầy lứa 6 vẫn đang tiếp tục nở bổ sung, mật độ cục bộ 1.500 - 2.000 con/m2.

 

Theo ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngay sau khi nắm cụ thể tình hình sâu bệnh, mặc dù nông dân vừa hoàn thành đợt phun thuốc từ ngày 11 - 15/9 nhưng Phòng vẫn kịp thời tham mưu cho UBND huyện ban hành công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa cuối vụ, chỉ đạo các địa phương, đơn vị, HTXNN khẩn trương vào cuộc. Huyện chỉ đạo, hướng dẫn nông dân từ ngày 17 - 20/9 tiến hành khoanh vùng và phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân hai chấm và sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích lúa trỗ bông từ ngày 15/9 trở đi, đặc biệt đối với một số địa phương có diện tích lúa nếp, lúa trỗ sau ngày 15/9 như HTXNN Hành Dũng Nghĩa (xã Duy Nhất), xã Việt Hùng, chân ruộng úng trũng… Phát động nông dân với các diện tích lúa trỗ bông sau ngày 20/9 bà con tuân thủ nguyên tắc phun phòng, trừ sâu đục thân hai chấm lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày. Với rầy các loại, huyện khuyến cáo nông dân tích cực rẽ lúa kiểm tra để phát hiện và phun trừ khi mật độ rầy từ 800 con/m2 trở lên… UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương cung ứng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm số lượng và chất lượng, kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở để nông dân phun phòng theo kỹ thuật “4 đúng” nhằm nâng cao hiệu quả.

 

Hiện nay, 120ha lúa mùa của HTXNN Đồng Đại (xã Đồng Thanh) đang sinh trưởng, phát triển khá đồng đều, hầu hết lúa đang trong giai đoạn chắc xanh, tuy nhiên vẫn có gần 5ha trỗ sau ngày 15/9. Ông Vũ Văn Thanh, Giám đốc HTXNN Đồng Đại cho biết: Công tác phòng, trừ sâu bệnh giai đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa, vì vậy, những ngày qua, HTX đã tăng cường phối hợp với Đài Truyền thanh xã và các thôn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, phun thuốc phòng, trừ kịp thời. Đối với diện tích lúa trỗ sau ngày 15/9 và lúa trỗ sớm nhưng còn mật độ sâu đục thân, sâu cuốn lá cao, HTX phát động bà con khoanh vùng, sử dụng thuốc theo khuyến cáo để phun phòng, trừ. Đặc biệt, thời điểm từ nay đến cuối vụ, bà con chủ động phòng, trừ rầy nâu kịp thời đề phòng hiện tượng cháy rầy trên lúa cuối vụ. Bà Nguyễn Thị Mùi ở thôn Đồng Đại 3 chia sẻ: Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 5 sào giống lúa Bắc thơm và BC15. Thời gian vừa qua, sâu đục thân, cuốn lá nhỏ gây hại làm lúa của gia đình tôi bị ảnh hưởng cục bộ. Tuy nhiên, tôi thường xuyên kiểm tra, tuân thủ nghiêm lịch phun thuốc phòng, trừ do địa phương phát động nên cơ bản lúa vẫn sinh trưởng tốt. Cả vụ lúa vất vả gieo cấy, chăm sóc, chỉ còn ít ngày nữa là được thu hoạch nên tôi phải sát sao kiểm tra, phun thuốc phòng, trừ các loại sâu bệnh để bảo đảm năng suất lúa.

 

Cùng với HTXNN Đồng Đại, 40 HTXNN còn lại trên địa bàn huyện Vũ Thư cũng đang tập trung phối hợp với các đơn vị chuyên môn đồng thời vận động nông dân chủ động làm tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ an toàn lúa mùa cuối vụ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu toàn huyện giành năng suất lúa bình quân 61 tạ/ha, sản lượng trên 49.100 tấn thóc ở vụ mùa này.

 

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến cuối vụ lúa mùa, tình hình sâu bệnh còn diễn biến phức tạp. Để chủ động công tác chăm sóc và bảo vệ lúa mùa, huyện Thái Thụy đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thường xuyên bám sát, theo dõi sự phát triển của cây lúa, diễn biến sâu bệnh gây hại để có biện pháp chăm sóc và phun trừ kịp thời.

 

 

Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Thụy Hà (Thái Thụy).

 

 

Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Từ đầu vụ mùa đến nay, điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến khó lường, từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 các đợt nắng nóng kéo dài kết hợp với nhiều ngày mưa lớn đã làm ảnh hưởng tới tiến độ gieo cấy trà lúa mùa sớm của huyện. Đến cuối tháng 7 do ảnh hưởng của bão số 1 gây mưa lớn đã làm ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của lúa mùa, đặc biệt là những diện tích lúa ở vùng trũng. Tuy nhiên, nhờ các địa phương chủ động thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ lúa mùa, đến nay, khoảng 13.800ha lúa mùa của huyện đang phát triển tốt, đồng đều trên các trà lúa, trà lúa mùa đại trà cũng đang trong giai đoạn trỗ bông. Từ đầu tháng 9, trên đồng ruộng xuất hiện sâu đục thân hai chấm và sâu cuốn lá đang nở rộ với mật độ cao lại phân bố trên diện rộng. Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh, ngày 7/9, Thái Thụy đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phun trừ sâu bệnh tới lãnh đạo các xã, thị trấn, thông báo tình hình sâu bệnh và biện pháp phun trừ bảo vệ lúa mùa từ nay đến cuối vụ. UBND huyện đã ra công điện chỉ đạo các địa phương phát động chiến dịch phun trừ sâu đục thân hai chấm và sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích lúa mùa trỗ sau ngày 10/9, thời gian phun trừ từ ngày 10 - 14/9. Đối với các diện tích lúa mùa có mật độ rầy cao từ 800 con/m2 trở lên kết hợp phun trừ bằng các loại thuốc nội hấp. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan phân công cán bộ xuống cơ sở phối hợp với lãnh đạo địa phương hướng dẫn nhân dân tổ chức phun trừ đạt hiệu quả cao; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nắm rõ kế hoạch phun trừ; tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện… Kết quả, từ ngày 10/9 đến hết ngày 14/9, toàn huyện đã tổ chức phun trừ được khoảng 12.000ha lúa mùa, chiếm hơn 85% tổng diện tích, trong đó tập trung chính vào phun trừ các đối tượng sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại.

 

Trong đợt phun trừ sâu bệnh vừa qua, Thái Thành đã tổ chức phun trừ cho 100% diện tích lúa mùa, thời gian phun trừ từ ngày 11 - 13/9. Ông Phạm Hùng Khiên, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Để công tác phun trừ sâu bệnh của xã đạt hiệu quả cao, HTX đã xây dựng cụ thể kế hoạch tổ chức phun trừ sâu bệnh và triển khai, thông báo tới các thôn để nhân dân nắm rõ. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách ở các thôn có nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn người dân tổ chức phun trừ sâu bệnh kịp thời; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thuốc bảo vệ thực vật và bảo đảm chất lượng để cung cấp cho người dân. Hiện nay, theo dự báo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, một số bệnh như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn vẫn còn tiếp tục phát sinh gây hại trên giống nhiễm đến đầu tháng 10 nếu gặp thời tiết thuận lợi, vì vậy HTX đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến phát triển của sâu bệnh để có biện pháp phun trừ kịp thời.

 

Từ nay đến cuối vụ, tình hình sâu bệnh còn diễn biến phức tạp, đặc biệt, trong giai đoạn trỗ bông vào mẩy là thời điểm một số sâu bệnh như: rầy, khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn cổ bông có thể phát sinh gây hại nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Vì vậy huyện Thái Thụy chỉ đạo ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần bám sát đồng ruộng để có biện pháp phòng, trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh mới phát sinh. Yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc lúa theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tăng cường công tác điều tra, dự báo diễn biến phát sinh của sâu bệnh, tình hình thời tiết để tham mưu các biện pháp xử lý, phun trừ sâu bệnh kịp thời.

 

Quỳnh Lưu - Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày