Thứ 4, 31/07/2024, 19:27[GMT+7]

Nông dân Ðông Cơ: Bám đất làm giàu

Thứ 3, 04/10/2016 | 09:25:25
502 lượt xem
Tại sao phải vất vả đi xa làm thuê mà không cải tạo đất đai, tự mình làm chủ và làm giàu trên đất quê hương là câu hỏi luôn đặt ra trong đầu những người nông dân xã Đông Cơ (Tiền Hải). Câu chuyện của ông Trần Kim Phụng và ông Nguyễn Đốc Ngữ ở thôn Lương Điền là minh chứng cụ thể cho việc bám đất làm giàu.

Trang trại của ông Trần Kim Phụng và ông Nguyễn Đốc Ngữ cho thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

 

Được ông Phụng và ông Ngữ dẫn đi thăm một vòng trang trại rộng 6ha do hai ông làm chủ, chúng tôi được tận mắt thấy thành quả lao động sau 10 năm tạo lập. Khu trang trại trù phú này trước đây là vùng đất thấp trũng, phèn chua, cấy lúa không lên nổi, người dân đành bỏ hoang để cỏ mọc um tùm. Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, kinh tế của gia đình ông Phụng, ông Ngữ chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Để có thêm nguồn thu nhập, nhiều người dân không mặn mà với đồng ruộng, họ đi làm xa quê hoặc làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Năm 2006, xã Đông Cơ có chính sách khuyến khích chuyển đổi diện tích cấy lúa không hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Là những người có chung ước mơ làm giàu trên đất quê hương nên ông Phụng, ông Ngữ đã bàn với nhau chung vốn đấu thầu khu đất để cải tạo, chuyển đổi sang mô hình trang trại VAC.

 

Khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện làm ăn của mình, hai ông bảo sẽ không bao giờ quên được những khó khăn, vất vả để quật lập mảnh đất này. Vì là vùng đất trũng, xa khu dân cư hơn 2km, đường đi nhỏ hẹp, lầy lội nên khi bắt tay xây dựng trang trại, hai ông gặp rất nhiều khó khăn. Để có nguyên vật liệu xây dựng trang trại phải dùng thuyền chở từng chuyến gạch, vôi, cát men theo con mương nhỏ đi vào khu đất. Xây dựng trang trại theo mô hình VAC, hai ông thuê máy xúc đào ao với diện tích khoảng 3ha để nuôi thả cá, còn lại là xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng các loại cây ăn quả. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, kết hợp tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt, tham quan học hỏi các mô hình VAC hiệu quả, hai ông đã mạnh dạn đưa các giống cây, con đặc sản vào nuôi trồng. Thời gian đầu, trang trại nuôi thả các giống cá truyền thống, nuôi lợn nái, lợn thịt và gia cầm thương phẩm; trong vườn trồng chuối ngự, thanh long, đu đủ, táo, ổi, bưởi diễn, ớt… Với phương châm “lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài”, hai ông đã tích cực đầu tư cải tạo trang trại, nuôi thêm cá vược, cá quả, cá diêu hồng và chăn nuôi bò sinh sản. Ông Phụng, ông Ngữ cho biết: Có thời điểm trang trại nuôi khoảng 200 con lợn thịt và lợn nái, hơn 1.000 gia cầm, 15 con bò sinh sản cùng hàng vạn cá giống, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tính ra, 10 năm qua (2006 - 2016), số tiền đầu tư vào trang trại lên tới hơn 5 tỷ đồng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kiến thức sản xuất, hiệu quả kinh tế chưa được như mong muốn nhưng chúng tôi biết mình đang đi đúng hướng. Chúng tôi mong muốn các cấp hội nông dân tiếp tục triển khai các hình thức hỗ trợ phù hợp để giúp người nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.

 

Ông Vũ Thành Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Cơ cho biết: Toàn xã có hai vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả rộng 23ha, được chính quyền giao đất và khuyến khích người dân chuyển đổi sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với 15 hộ tham gia. Bên cạnh đó, xã còn có hơn 90 gia trại do hội viên nông dân làm chủ, mỗi năm cho thu lãi hơn 50 triệu đồng/gia trại. Với bản chất cần cù, dám nghĩ dám làm cùng với sự hỗ trợ về vốn, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt của Hội Nông dân xã, các hộ nông dân đã vượt khó làm giàu, thành công với các mô hình chuyển đổi và cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như trang trại của ông Phụng, ông Ngữ. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, hai ông còn là những hội viên nông dân tiêu biểu, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Khi xã Đông Cơ thực hiện tiêu chí giao thông, thủy lợi nội đồng, để chia sẻ với khó khăn của người dân, hai ông đã tự nguyện ủng hộ thôn 30 triệu đồng, đồng thời đứng ra đảm nhiệm làm con đường nội đồng dài 2,2km với tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng, toàn bộ số tiền làm đường do hai ông ứng cho thôn vay. Việc làm con đường không chỉ nhằm phục vụ cho việc sản xuất của trang trại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lao động sản xuất, góp phần cùng xã về đích nông thôn mới năm 2015.

 

Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày