Thứ 5, 16/05/2024, 06:13[GMT+7]

Chị Tâm nuôi lợn có tầm

Thứ 2, 24/10/2016 | 09:38:56
1,313 lượt xem
“Buôn có bạn, bán có phường” từ suy nghĩ đó nên khi phát triển chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi lợn chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở thôn Công Bình, xã Bình Ðịnh (Kiến Xương) đã chọn cách đầu tư chăn nuôi theo mô hình liên kết “3 nhà” với cách làm này mỗi năm trừ chi phí đã thu lãi hơn 1 tỷ đồng, chị trở thành điển hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, của tỉnh.

Chuồng trại chăn nuôi thường xuyên được dọn vệ sinh góp phần hạn chế phát sinh dịch bệnh gây hại cho đàn lợn.

 

Sau 8 năm sinh sống, làm việc ở Liên bang Nga rồi về nước bươn trải nhiều nghề, năm 2011, vợ chồng chị Tâm quyết định về quê lập trang trại chăn nuôi lợn. Chị đấu thầu 35.000m2 đất ngoài bãi sông Hồng của xã để cải tạo mặt bằng, xây dựng lán trại và lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ việc chăn nuôi. Nhìn 8 dãy lán với tổng diện tích 7.000m2 xây dựng chắc chắn được lắp hệ thống quạt gió, làm mát và camera giám sát, ai cũng ngỡ ngàng và không nghĩ đây là nơi chăn nuôi lợn. Chị Tâm chia sẻ: Toàn bộ quy trình chăn nuôi được áp dụng theo công nghệ tiêu chuẩn CP của Thái Lan với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Việc đầu tư ban đầu có tốn kém nhưng lại bảo đảm cho việc phòng, chống dịch bệnh và nâng tốc độ sinh trưởng của đàn lợn.

 

Chị Nguyễn Thị Tươi phụ trách khu nuôi lợn thịt của trang trại cho biết: Chị em công nhân chúng tôi mỗi ngày rửa chuồng nuôi hai lần, xử lý hóa chất để bảo đảm vệ sinh chuồng trại. Việc cho lợn ăn cũng theo giờ nhất định và khẩu phần thức ăn được cân đong đúng quy định. Hàng ngày, công nhân đều có sổ sách ghi nhật ký tình trạng sức khỏe và sự phát triển của đàn lợn. Công việc không quá vất vả và mức lương hàng tháng từ 4 - 5 triệu đồng bảo đảm cuộc sống nên anh, chị em công nhân xác định gắn bó lâu dài với trang trại của chị Tâm.

 

 

Hệ thống đường vào khu chăn nuôi được rải vôi bột khử trùng và trồng nhiều cây xanh để xử lý môi trường.

 

Ngoài 20 công nhân lao động phổ thông, chị Tâm còn thuê hai kỹ sư chuyên ngành thú y, hai kỹ thuật viên kết hợp với cán bộ của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thực hiện việc kiểm tra môi trường, thức ăn chăn nuôi và giám sát, phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn thường xuyên. Do đó, hơn 5 năm qua, đàn lợn của chị Tâm không bị ảnh hưởng bởi các đợt dịch bệnh, luôn khỏe mạnh, tăng trọng nhanh và sinh sản đều. Mỗi năm, chị Tâm nuôi hai lứa lợn thịt, mỗi lứa 4.000 con lợn siêu nạc và chị còn nuôi thêm 200 con lợn nái ngoại. Từ bán lợn thịt và lợn giống, chị Tâm thu về gần 20 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.

 

Sự khác biệt giữa trang trại của chị Tâm với các trang trại chăn nuôi khác ở chỗ chị chỉ dành 1/5 diện tích cho việc chăn nuôi lợn, diện tích còn lại, chị đào ao nuôi cá, xây bể biogas và trồng cây xanh để xử lý môi trường nên dù trang trại nuôi hơn 4.000 con lợn nhưng không có mùi hôi thối do chất thải chăn nuôi gây ra. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp cho đàn lợn không bị dịch bệnh và lớn nhanh. Dù biết nếu mở rộng thêm diện tích lán trại, tăng số lượng đầu lợn sẽ cho thêm lợi nhuận nhưng chị quyết định nói không bởi theo chị, tỷ lệ diện tích dành cho chăn nuôi và diện tích để xử lý môi trường như hiện nay đã được tính toán hợp lý, khoa học nhất, nếu tham kinh tế sẽ phá vỡ sự bền vững của môi trường và tất sẽ gặp thất bại trong chăn nuôi.

 

Việc chọn chăn nuôi lợn theo mô hình liên kết “3 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đã giúp chị Tâm thành công trong việc chăn nuôi, không lo đầu ra và không bị áp lực về vốn đầu tư vì toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cung ứng.

 

Khi chúng tôi có nhã ý muốn thăm hệ thống chuồng trại và ngắm đàn lợn, chị Tâm vui vẻ nhận lời nhưng nhắc chúng tôi có thể xem qua màn hình camera giám sát, nếu xem trực tiếp, trước khi vào khu chăn nuôi cần đi qua nhà tắm sát khuẩn và mặc quần áo bảo hộ lao động. Chợt nhớ, lúc mới đi vào trang trại, ngay từ cổng, tất cả xe của chúng tôi đều được hệ thống máy phun hóa chất phòng dịch bệnh xịt rửa rất kỹ. Chị Tâm phân trần: Với một trang trại chăn nuôi lớn, nếu không phòng tránh từ xa, để xảy ra dịch bệnh thì mất hết cơ nghiệp. Vẫn là nông dân nuôi lợn, nhưng chị Tâm đã thay đổi tập quán cũ manh mún, nhỏ lẻ bằng cách hợp tác “3 nhà” để làm lớn, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và có ý thức bảo vệ môi trường. Quả đúng là chị Tâm nuôi lợn có tầm.

 

Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày