Chủ nhật, 04/08/2024, 19:21[GMT+7]

Sản xuất bí xanh hàng hóa

Thứ 2, 31/10/2016 | 08:34:53
1,333 lượt xem
Tích tụ ruộng đất, liên kết để sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là hướng đi mới, mang lại thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm cho bốn nông dân xã Xuân Hòa (Vũ Thư).

Chăm sóc đúng kỹ thuật, bí xanh của gia đình anh Văn cho năng suất cao.

 

Cánh đồng Phương Tảo 2 là một trong những cánh đồng thấp trũng nhất của xã Xuân Hòa. Thời điểm giữa tháng 10, nông dân nơi đây vẫn phải lội bùn quá gối để thu hoạch lúa mùa. Vậy mà cách đó không xa, ruộng bí của gia đình anh Nguyễn Văn xanh mướt, sai trĩu quả. Anh chia sẻ, ba năm trước anh quyết định chuyển ruộng lúa có năng suất thấp sang đầu tư trồng bí xanh sau khi đã tìm hiểu kỹ về thị trường tiêu thụ của loại sản phẩm này. Ban đầu, diện tích ruộng của gia đình chỉ có hơn 3 sào, vợ chồng anh vận động các hộ nông dân xung quanh cho mượn hoặc thuê lại ruộng, tích tụ được hơn 7 sào. Anh đầu tư hơn 20 triệu đồng mua luồng, lưới làm hệ thống giàn cho cây leo, nâng cấp lại hệ thống bờ vùng, bờ thửa và đầu tư máy bơm dầu, sẵn sàng bơm tát nước chống úng khi mưa lớn. Với 7 sào bí, anh Văn thu hoạch 20 tấn quả vụ đầu tiên, thu về gần 80 triệu đồng. Thành công này là động lực để anh tiếp tục mở rộng trồng 1,1 mẫu bí xanh vụ thứ hai và vận động gia đình các anh Đỗ Trọng Hiếu, Nguyễn Văn Hội, Trần Văn Đảm cùng mạnh dạn đầu tư trồng bí xanh.

 

Cây bí xanh nếu trồng nhỏ lẻ thì chỉ để tiêu dùng, bán lẻ, hay bán cho thương lái với số lượng rất ít. Vì vậy, trước khi mở rộng diện tích, các anh bàn bạc và cùng nhau liên hệ với Công ty Xuất nhập khẩu rau quả Hải Dương tìm đầu ra cho sản phẩm. Quy mô sản xuất của bốn hộ gộp lại được nâng lên, lượng sản phẩm dự kiến đáp ứng được nhu cầu nên các anh đã được Công ty cung ứng tận ruộng với giá cả ưu đãi các vật tư sản xuất như phân bón, luồng, lưới và hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

 

Cùng chung ý tưởng làm giàu từ vùng đất khó, cùng ở trong tổ dịch vụ làm đất của HTX nên bốn anh Văn, Hiếu, Hội, Đảm có điều kiện hỗ trợ nhau về phương tiện. Để làm đất sản xuất 1 mẫu bí sao cho cây lên đều, đồng loạt, thuận lợi cho khâu thu hoạch không phải là đơn giản, cách làm của các anh là vào lúc thời vụ, mỗi hộ đều được ba hộ còn lại huy động máy cày của gia đình tập trung hỗ trợ làm đất. Đặc biệt, cây bí xanh đòi hỏi nhiều công lao động, trong giai đoạn thời vụ gấp gáp, nếu phải thuê nhiều nhân công, chi phí đầu tư sẽ tăng cao. Bốn anh bàn nhau và thực hiện cách huy động thành viên trong bốn hộ đổi công lao động cho nhau, quay vòng thực hiện gieo trồng lần lượt diện tích của mỗi gia đình, nhờ đó giải được bài toán thời vụ và nhân công. Khâu cải tạo ruộng, tùy điều kiện thực tế đồng ruộng khác nhau, mỗi hộ có cách làm riêng, như gia đình anh Văn, anh Hội thì chỉ cần quy hoạch bờ vùng, bờ thửa làm tốt công tác chống úng, nhưng ruộng của anh Hiếu, anh Đảm thì phải đầu tư mua đất, cát để nâng cao mặt bằng ruộng mới có thể trồng bí. Tuy nhiên, các anh đều chung một bí quyết là không lạm dụng phân bón tổng hợp mà tận dụng tối đa phân chuồng, phân hoai mục để bón cho cây, đây là yếu tố quyết định để bí xanh cho năng suất cao, trung bình đạt 2 tấn quả/sào. Với sự hỗ trợ nhau tích cực, bốn hộ đều thành công trong sản xuất bí xanh. Hiện nay, bốn hộ đã mở rộng diện tích trồng hơn 4 mẫu bí xanh, 2 vụ/năm, ước tính mỗi năm thu về hơn 150 tấn quả, trị giá trên 550 triệu đồng, tính ra đạt 400 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả cao gấp nhiều lần cấy lúa.

 

 

Nông dân Vũ Thư liên kết sản xuất bí xanh hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Anh Đỗ Trọng Hiếu chia sẻ: Thấy hiệu quả thực tế của gia đình anh Văn, lại được ba hộ nhiệt tình động viên, giúp đỡ, đầu năm 2016, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư ngót 100 triệu đồng tích tụ, cải tạo ruộng và làm giàn trồng bí xanh ở cánh đồng Hà Chóc. Vụ đầu tiên, tuy chưa có kinh nghiệm nên năng suất bí chưa cao nhưng 1 mẫu bí của gia đình thu được hơn 18 tấn quả, thu về gần 70 triệu đồng, hiệu quả gấp cả chục lần cấy lúa lại được doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua nhanh gọn. Vợ chồng tôi rất phấn khởi, đang tiếp tục triển khai để mở rộng quy mô sản xuất bí xanh lên 3 mẫu. Điều anh Hiếu cũng như các hộ trong nhóm mong muốn là sẽ vận động thêm nhiều nông dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất, sản xuất theo hướng hàng hóa để thu hút doanh nghiệp từ đó bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định, một trong những yếu tố khó nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

 

Nhạy bén tìm hướng đi đúng trong sản xuất và đoàn kết hỗ trợ nhau, bốn hộ nông dân ở xã Xuân Hòa đã biến những thửa ruộng chua trũng trở thành “bờ xôi ruộng mật” với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sợi dây gắn bó, liên kết giữa chính những người nông dân với nhau, giữa nông dân với doanh nghiệp đang hiện hữu rõ nét hơn qua mô hình của bốn nông dân ở vùng quê đồng chiêm ruộng trũng.

 

Mô hình tích tụ ruộng đất và có sự liên kết chặt chẽ để sản xuất bí xanh theo hướng hàng hóa của các gia đình anh Văn, Hiếu, Hội, Đảm rất thích hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Mô hình này đã mở ra cho nhiều nông dân địa phương tư duy mới về khai thác đồng đất quê hương và liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ nhau tạo thành công trong sản xuất. Huyện và xã rất khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để bà con áp dụng linh hoạt mô hình, cùng với bí xanh có thể phát triển một số loại cây trồng khác theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

(Ông Phạm Quốc Lập, Giám đốc HTXNN xã Xuân Hòa)

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày