Thứ 4, 31/07/2024, 01:27[GMT+7]

“Vén” màn đêm chờ hoa nở

Thứ 2, 31/10/2016 | 14:30:33
1,509 lượt xem
Con người và vạn vật trên trái đất luôn khát khao hướng về vầng thái dương và khi hoàng hôn buông xuống, vạn vật và con người dần chìm vào màn đêm, đèn điện sẽ được bật lên, bóng tối bị xua đi. Chuyện bật điện sáng xua đi bóng tối ngỡ tưởng chỉ có ở nơi đô thành, vậy mà ở làng hoa Tống Văn (xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình), khi đêm về, người trồng hoa nơi đây lại thắp sáng những bóng điện ngoài đồng. Họ làm thế không phải để xua đi bóng tối như ở chốn thị thành, cũng không phải để sưở

Hơn chục năm trở lại đây, những người nông dân ở thôn Tống Văn tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng sang hoa cảnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bây giờ mới là thời điểm bắt đầu làm đất cho vụ trồng hoa, vậy mà trên các cánh đồng ở thôn Tống Văn đã xuất hiện khá nhiều thửa ruộng bừng sáng trong đêm bởi những bóng điện “vén” màn đêm “tưới” ánh hào quang cho những cây hoa còn non nớt vươn cành, xanh lá, hứa hẹn một mùa hoa nở rộ.

Thổ nhưỡng của thôn Tống Văn là đất cát pha, xốp, thoát nước nhanh nhưng nhược điểm là dễ bị bạc màu, khô cằn. Do vậy, nông dân nơi dây đã nhạy bén chuyển trồng từ rau màu đơn thuần sang trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao hơn như ly, cúc, cẩm chướng…, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tính ra, thu nhập từ trồng hoa gấp 3 lần trồng rau màu. Muốn trồng hoa có năng suất cao, để hoa nở đúng thời điểm, hoa đẹp, người trồng hoa phải thường xuyên chăm bón, tăng độ màu cho đất bằng cách mua trấu bổi về ủ cho mục trộn với phân hữu cơ bón lót một lần. Kỹ thuật trồng hoa cũng không có gì là khó, đất đập nhỏ, vun thành luống bề mặt rộng khoảng 1,2m, độ dài ngắn tùy thửa ruộng. Người trồng hoa ở Vũ Chính thường mua giống hoa ở cơ sở ươm trồng uy tín bên Nam Ðịnh hoặc từ Sa Pa gửi về, giá cả cũng tùy từng loại hoa, ví như giống hoa cúc các màu có giá 3.000 đồng/10 cây con, bình quân một sào trồng được 17.000 cây, nếu không gặp rủi ro về thiên tai thì sau hơn ba tháng sẽ cho thu hoạch.

Trong 17.000 cây hoa trồng, người trồng hoa có thể chọn thu được 13.000 cây đạt tiêu chuẩn về chiều cao thân cây, chuẩn đường kính bông hoa, bán ngay tại ruộng cho tiểu thương với giá 1.000 đồng/bông. Những cây không đủ chiều cao và đường kính bông hoa được bán với giá thấp hơn. Làm một phép tính đơn giản, một sào ruộng, trồng 17.000 cây hoa cúc, thu hoạch được 13.000 bông hoa đạt tiêu chuẩn nhân với giá 1.000 đồng/bông, tính ra người nông dân sau ba tháng “đánh điện” chăm hoa thu về “cứng” 13 triệu đồng/sào, chưa kể số cây không đạt tiêu chuẩn giá bán bằng một nửa, sau khi trừ chi phí (cây giống, công chăm bón, phân bón, điện, nước tưới) thì thu nhập từ trồng hoa cảnh khá cao. Trung bình một hộ nông dân trồng hoa ở Tống Văn có hơn 3 sào, một vụ hoa dài ba tháng cho thu nhập gần 50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Gia đình anh Bùi Ðức Song có hơn một mẫu trồng hoa, mỗi vụ thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ðể tăng được chiều cao thân cây theo đúng tiêu chuẩn, từ nhiều vụ hoa trước, người trồng hoa ở Tống Văn đã biết cách chăng lưới bóng điện thắp sáng trong đêm nhằm kéo dài thời gian quang hợp, không cho “cây ngủ”, kích thích cây phát triển chiều cao thân và ra hoa đúng dịp tết Nguyên đán, giá bán cao hơn cách trồng hoa thông thường. Ông Triệu, một “lão nông tri điền” có hơn ba sào trồng hoa, tuy kiệm lời khi tiếp xúc nhưng hễ hỏi về nghề trồng hoa là ông phấn khởi. Khi được hỏi về kỹ thuật “phơi đèn” cho cây, ông Triệu cao hứng: Có nhà bỏ ra bạc triệu để sắm rơ-le đóng, ngắt điện nhằm tiết kiệm điện năng. Họ chia thửa ruộng ra thành từng hàng, mắc dây dẫn điện, lắp bóng, hòa nguồn điện cung cấp có lắp rơ-le tự động. Cách chiếu sáng do rơ-le điều tiết, từng hàng một được thắp sáng, cứ 15 phút chiếu sáng lại được ngắt chuyển mạch một lần, mỗi lần cách nhau 3 phút, theo đồng hồ sinh học thời gian 3 phút cây chưa kịp “ngủ” thì đã phải tiếp tục “thức”, do vậy, quá trình trao đổi chất cũng diễn ra liên tục nên người trồng hoa cũng phải tính toán lượng phân bón, nước tưới hợp lý, bảo đảm cho quá trình sinh trưởng của cây.

Là địa phương có truyền thống trồng cây màu, do lợi thế đất cát pha, xốp, thoát nước nhanh, lại ở độ cao vừa phải nên nhiều đời nay nông dân Vũ Chính quen trồng các loại rau màu như bắp cải, súp lơ, khoai lang… quanh năm. Khoảng chục năm trở lại đây, bắt nhịp với cơ chế thị trường, bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng sang trồng hoa các loại, giá trị kinh tế thu về cao hơn trồng màu nhiều lần. Hiện nay, hoa Vũ Chính đã có mặt ở thị trường Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng…; những loại hoa được ưa chuộng như cúc mâm xôi, cúc đại đóa, ly, loa kèn, sen cạn; gần đây có nhiều hợp đồng trồng hoa giấy chậu để trang trí cho các đô thị lớn ở Hà Nội, Hòn Gai (Quảng Ninh), Hải Phòng… mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình

Toàn xã hiện có 12ha trồng hoa, tập trung chủ yếu ở thôn Tống Văn. Nhiều gia đình có thu nhập cao nhờ trồng hoa. Trồng hoa đã trở thành nghề và là sở thích của nông dân Vũ Chính. Ðời sống người dân Vũ Chính được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm một phần cũng do chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trong đó nghề trồng hoa cho thu nhập cao. Trong quá trình đô thị hóa, có thể nhiều diện tích đất trồng hoa sẽ bị thu hẹp, xã đã có chủ trương động viên nông dân chuyển vùng canh tác, dồn điền đổi thửa cho các thôn Quyến, Ðông Hòa… để hình thành nên những vùng chuyên canh hoa cảnh.

Ông Nguyễn Ðình Ổn, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình

Trồng hoa so với trồng rau màu cũng không vất vả lắm nhưng “đầu ra” bây giờ bão hòa, tiểu thương đến mua tại ruộng, đôi khi ép giá. Giống hoa phải mua ở xa như ở Lào Cai, Hà Nội hay Nam Ðịnh, giá giống cao nên chi phí nhiều. Trồng hoa là một nghề có kỹ thuật và là niềm đam mê, chúng tôi chăng điện là để điều chỉnh sự sinh trưởng của hoa.

Anh Phạm Như Tuất, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình

Nếu trồng hoa thông thường không dùng điện thì cây hoa chỉ cao khoảng 40cm nhưng có điện thì cây hoa có thể cao 70 - 80cm, bông hoa to, cánh dày, màu sắc rực rỡ hơn. Mùa đông mặt trời lặn sớm, đêm dài ngày ngắn, do vậy cây hoa quang hợp được ít. Dùng điện chiếu sáng chủ yếu để kéo dài thời gian quang hợp của cây, giúp cây hoa sinh trưởng theo ý muốn, tuy có tốn kém hơn đôi chút nhưng giá trị thu về lại cao hơn.

Quang Viện

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày