Thứ 3, 30/07/2024, 09:22[GMT+7]

Biển hát

Thứ 2, 31/10/2016 | 14:41:39
1,068 lượt xem
Biển giàu có là thế. Rừng ngập mặn bao la là thế. Bản thân tôi cũng không thể ngờ lại có ngày biển cạn kiệt nguồn tôm cá. Mà ngày đó đến rất nhanh, nhanh tới nỗi tôi còn tưởng ngày hôm qua đi be bờ gốc vẹt, nhổ cả gốc lên ăn mà ngày hôm nay đã bãi trắng, nước trong, hiếm hoi lắm mới có vài con tôm cá đến trú ngụ...

Sáng thứ hai, như thường lệ, sau khi chào hỏi các đồng nghiệp cùng cơ quan, tôi đảo mắt tìm hai số báo Thái Bình cuối tuần. Nếu như các số khác tôi chỉ xem lướt qua thì với hai số báo cuối tuần tôi lại có một sự quan tâm đặc biệt, một sự chờ đợi đã trở thành thói quen. Và ở những số báo đặc biệt ấy, tôi tìm thấy cho mình những khoảng trời đã cũ, thấy được sự vận động không ngừng của cuộc sống, sự đổi thay nhanh chóng của đất và người vùng biển.

Tôi sinh ra và lớn lên ngay vùng cửa biển Ba Lạt. Cả tuổi thơ tôi đều gắn bó với đồng, với bãi, với sông Hồng đỏ nặng phù sa, với tôm cá, cua ốc như anh Tất Ðạt - phóng viên Báo Thái Bình đã viết trong loạt bài “Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn”. Ðúng là mưu sinh thật. Cuộc sống của hàng nghìn, hàng vạn người dân vùng biển mấy đời đều gắn với gốc cây vẹt, cây trang mà miền Nam họ gọi là bần, là đước. Nhưng chỉ người lớn mới gọi là “mưu sinh” với trăm nỗi lo âu, thấp thỏm. Còn lũ trẻ con chúng tôi thấy vui, vì đi làm mà như “nghịch” vậy. Ngày xây trạm hải đăng, chưa có đường ra cồn Vành, nguyên vật liệu, thậm chí là nước ngọt đều phải vận chuyển bằng thuyền. Phải nói thêm, lúc đó cồn Vành gần như là trạm trung chuyển của ngư dân. Thuyền trước khi ra khơi hay khi về bến đều tập kết ở cồn Vành để trao đổi, mua bán thủy hải sản, nguyên vật liệu, thực phẩm. Những ngày đầu đổi mới, dù cuộc sống đã chuyển mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ở miền biển, những đứa trẻ mới 5 - 6 tuổi đã đi biển. Mà đi như là đi hội vậy, vui vẻ, khao khát, mong chờ.

Thường là 12 giờ đêm mẹ gọi tôi dậy. Ðùm cơm nắm sẵn cho vào mảnh vải quấn quanh thắt lưng để khi đi làm tiện đâu ăn đó. Nhà tôi gần cống 6 (chắc là cái cống số 6 trên con đê biển 5 nên gọi là cống 6), đi bộ 300m là tới. Trên thuyền đã gần đủ người. Trẻ con, người lớn gần hai chục ngồi kín lòng thuyền, cả hai bên mạn. Người nằm, người ngồi, tìm cái gì đó gối đầu tựa vào nhau ngủ tiếp. Thuyền ra khỏi cửa lạch, men theo sông Hồng mênh mông. Mùa hè gió thổi mát rượi. Mùa đông lạnh hơn, mọi người thường chụm ở lòng thuyền.

Từ cửa lạch cống 6 ra đến cồn Vành khá xa, chạy thuyền máy có khi mất vài tiếng. Ðến điểm trung chuyển cồn Vành, có người xuống mua vài thứ như bao thuốc lá, chai nước còn đa số vẫn ngủ. Những người đánh bắt ở ngay cồn Vành thì xuống luôn, lúc nào thuyền về lại đón. Số còn lại ở trên thuyền chuẩn bị vượt cửa Ba Lạt sang bên kia vùng bãi triều của Nam Ðịnh. Ngày đó, các bãi bồi còn hoang sơ, chưa quây đầm vùng như bây giờ. Các dải rừng ngập mặn mênh mông, hun hút. “Bơn” là khu bãi tiếp giáp giữa cồn Vành với đất liền, có con sông nhỏ chảy ở giữa. Rừng ở đây là rừng trẻ, từng dải ven sông, cây thấp và thưa. Nhiều bãi cói, bãi ngạn, bãi sậy. Phía bên Nam Ðịnh rừng già hơn, cây cao quá đầu người, ken đặc. Trước khi xuống bãi, người lao động lót dạ một nửa khẩu phần ăn mang đi, nửa còn lại sẽ ăn lúc trời sáng hẳn.

Ngày đó còn nhỏ chưa hiểu nhiều, chỉ thấy người lớn làm gì thì mình làm cái đó. Bây giờ nghĩ lại, thấy câu “rừng vàng, biển bạc” có ý nghĩa biết bao. Rừng ngập mặn giàu có lắm. Ven các sông, lạch là cua cáy, còng còng, nhiều đến nỗi nhanh tay là vơ được. Chân các bãi ngạn là tôm rảo nằm chờ nước lên. Chỉ cần cào nhẹ lớp bùn nông là tôm bật tanh tách, có khi chảy cả máu tay. Gốc các cây bần, cây đước, tôm cá trú ngụ nhiều thành vũng. Những người dân biển be bờ, tát cạn, bắt cả thúng tôm gai ở mỗi gốc cây. Tôm tép gai thường phơi khô mới bán. Vì loại tôm này ăn tươi không ngon, lại dễ chết khó bảo quản. Cua rèm cũng có, nhiều đến nỗi giã nấu canh ăn kiềm toét cả mắt. Những khu rừng trẻ, đất mềm, đàn bà thì bắt tôm cá, cua cáy, đàn ông thì xâm nhệch, xâm nhạc (hay còn gọi là cá rưa). Cá nhệch ngày đó nhiều và rẻ. Có ngày mưa cá ế, mẹ tôi cắt khúc, phanh mỏng, ướp muối chờ nắng phơi khô. Những ngày kém nước không có tôm cá, đem nhệch khô hấp vào nồi cơm, vị mặn, bùi, béo, “đưa” cơm khủng khiếp. Nói là “đưa” cơm chứ ngày ấy cơm là “hàng hiếm”. Tôm cá, cua cáy ăn thoải mái, ăn phát chán, chỉ có cơm là thiếu. Giờ cá nhệch đắt, loại nhỏ 200.000 đồng/kg, loại to thì giá vô cùng, có khi lên đến năm sáu trăm nghìn đồng một cân, có con nào bán con nấy, trẻ con không còn được biết mùi cá nhệch khô như chúng tôi thuở trước.

Mùa nào thức nấy. Hết mùa cá tôm, chúng tôi đi bắt ốc ở những cánh rừng già ven biển Nam Ðịnh. Ðất ẩm ướt, cây dày ken nhau lá che kín cả mặt trời. Cặm cụi bắt ốc ở gốc cây, thỉnh thoảng người lớn phải gọi lũ trẻ vì sợ đi lạc. Nói đến đi lạc đứa nào cũng sợ. Chui vào giữa rừng già hun hút, đi mấy vòng luẩn quẩn lại về chỗ cũ, không biết lối ra. Rãn biển nhiều vô kể. Ai cũng chỉ hở hai con mắt mà rãn còn chui được vào cổ, vào ống tay, ngứa ngáy. Theo kinh nghiệm của người đi biển, nếu bị lạc trong rừng ngập mặn hãy tìm chỗ có vết chân trâu mà đi theo sẽ tìm được lối ra. Nói thì nói vậy nhưng để tìm được lối ra cũng phải vòng vèo đến chồn chân.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các bãi rừng ngập mặn dần vắng tôm, vắng cá, chỉ còn lại cua cáy, còng còng. Chúng tôi lại chuyển nghề cào don, cào vọp, nạo ngao, đào giá, đào sam, soi cua tại các bãi trống khu vực xã Nam Thịnh hay qua cửa Ba Lạt sang Nam Ðịnh. Chỉ cần vác được cái chép là lũ trẻ lên đường cùng người lớn ngược xuôi các bãi. Riêng nghề nạo ngao và soi cua phải có kinh nghiệm, có khiếu mà người vùng biển gọi là “sát”. Cùng đi với nhau, cùng làm một chỗ mà người nhiều người ít, có người giỏ không trở về. Dụng cụ dùng để nạo ngao là một thân tre vừa tay nắm, cao bằng đầu người, một đầu tách đôi như cái nỏ, gắn một lưỡi nạo mỏng bằng sắt. Rà lưỡi nạo ấy dưới lớp cát nông, thấy “kịch” một cái là có ngao. Bãi cạn thì dễ nhặt, bãi sâu thì dùng chân lấy ngao lên. Với soi cua thì dùng một đèn pin nhỏ gắn dây chun đeo ngang trán, soi xuống cát, có các vũng nước nhỏ. Phải thật tinh mắt để nhìn thấy những con cua nhỏ bằng hạt tấm, hạt gạo lẫn trong rác, sau đó dùng vợt nhỏ vớt lấy. Số cua này sẽ được thu mua để bán cho các chủ đầm thả nuôi. Một ngày làm việc thường bắt đầu từ 12 giờ đêm và kết thúc vào khoảng 10 - 11 giờ trưa cho kịp giờ cơm.

Biển giàu có là thế. Rừng ngập mặn bao la là thế. Bản thân tôi cũng không thể ngờ lại có ngày biển cạn kiệt nguồn tôm cá. Mà ngày đó đến rất nhanh, nhanh tới nỗi tôi còn tưởng ngày hôm qua đi be bờ gốc vẹt, nhổ cả gốc lên ăn mà ngày hôm nay đã bãi trắng, nước trong, hiếm hoi lắm mới có vài con tôm cá đến trú ngụ. Mỗi ngày đi biển hai mẹ con kiếm được 15.000 - 20.000 đồng, cộng với từng ấy tiền bán nhệch của bố với những bữa ăn cơm ít, cá nhiều, chúng tôi đã lớn lên khỏe mạnh, thở từng nhịp thở của quê hương. Trẻ con bây giờ bảo, ngày xưa sướng thế, được ăn cá tôm không phải ăn cơm. Nghe mà sống mũi cứ cay cay. Bởi chỉ có người sống qua những năm tháng ấy, mới hiểu giá trị của hạt gạo. Chúng tôi “phải” chứ không “được” ăn tôm cá. Bát gạo nấu chung cả gia đình bốn năm người. Vậy mà đến mấy chục năm sau, rong ruổi khắp chốn thị thành, trải qua trường này, lớp nọ, tôi vẫn luôn muốn được về nếm vị mặn mòi của biển cả quê hương.

Trở lại với bài báo của anh Tất Ðạt, thật là vui và hạnh phúc khi có thêm một người biết đến nghề của chúng tôi - những người dân miền biển, dẫu chỉ là một trải nghiệm thú vị trong đời. Chuyện bắt còng của người dân Thái Thụy cũng là công việc mà người dân ven biển Tiền Hải đang làm, làm một cách vui vẻ. Có điều tôi cứ thấy tiếc. Tiếc cho sự giàu có của biển, của rừng đã không được gìn giữ. Rừng ngập mặn bây giờ chỉ có còng, có cáy, còn cua cá, tôm ngao như ngày nào chỉ còn là hoài niệm. Ðánh bắt tận diệt bằng hóa chất, kích điện đã triệt tiêu cá tôm từ trong trứng nước. Thời gian và bàn tay con người cũng đã bức tử nhiều héc-ta rừng ngập mặn. Chưa kể đến vấn đề điều hòa môi trường. Nếu đem ra so sánh, có thể giá trị do nuôi tôm, nuôi ngao mang lại lớn gấp nhiều lần khai thác tự nhiên, làm giàu cho không ít người. Tuy nhiên, nếu đem cộng lại, không thể lớn hơn nguồn lợi thủy sản đã nuôi dưỡng người dân từ bao đời. Và đâu đó, người dân miền biển thay vì làm chủ tự nhiên, làm chủ con lạch, vạt rừng lại trở thành người làm thuê trong các đầm vùng, trang trại. Chính quyền các cấp năm nào cũng hô hào trồng rừng, bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn nhưng hiệu quả vẫn còn khiêm tốn. Và không biết đến bao giờ những cánh rừng ngập mặn mới lại hồi sinh, lại đầy ắp cá tôm, lại giòn tan tiếng nói cười của người miền biển. Biển vẫn hát như ngàn năm trước nhưng biển cũng đang kể những câu chuyện buồn...

Đỗ Hà

(Ðài TTTH Tiền Hải)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày