Thứ 5, 01/08/2024, 01:34[GMT+7]

Thái Thụy: nuôi tôm trong nhà

Thứ 2, 05/12/2016 | 08:33:03
1,309 lượt xem
Trong điều kiện thời tiết mùa đông giá rét, người nuôi trồng thủy sản không thể nuôi tôm theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà kính nên nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Thái Thụy đã thực hiện nuôi tôm giữa mùa đông giá rét. Với mô hình này, người nuôi có thể tăng từ 2 vụ lên 4 vụ nuôi/năm, qua đó mang lại kinh tế cao cũng như mở ra hướng đi mới cho việc khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế biển.

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của ông Đỗ Quang Bộ ở thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Nhờ có giá trị kinh tế cao nên nuôi tôm trong nhà đã trở thành đối tượng nuôi chính của nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở các xã ven biển huyện Thái Thụy trong nhiều năm qua. Hàng năm, toàn huyện nuôi thả khoảng 1.250ha tôm, trong đó chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Người nuôi tôm chủ yếu thực hiện nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh, nuôi 2 vụ/năm, thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Về mùa đông khi nhiệt độ hạ thấp sẽ tác động tiêu cực tới sự tăng trưởng của tôm nên các hộ không thực hiện nuôi tôm vào mùa này nếu áp dụng cách nuôi truyền thống. Vài năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện đã áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà kính, khắc phục được yếu tố thời tiết giá rét và tạo môi trường sống thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Doanh nghiệp Phương Nam - chuyên sản xuất, ương nuôi và nuôi thương phẩm các giống hải sản ở thị trấn Diêm Điền là một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà kính trên địa bàn huyện chia sẻ: Năm 2012, Doanh nghiệp Phương Nam được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học, xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm trong nhà kính. Mô hình này giúp doanh nghiệp đưa từ 2 vụ nuôi/năm lên 4 vụ nuôi/năm, trong đó nuôi thêm vụ đông và vụ xuân sớm, qua đó giúp tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, sớm thu hồi vốn đầu tư xây dựng ao nuôi; năng suất nuôi cũng tăng từ 15 - 20% so với nuôi theo hình thức truyền thống. Đặc biệt, 2 vụ nuôi tăng thêm là trái vụ nên giá bán thường cao, nhất là tôm xuất bán vào dịp tết Nguyên đán dao động từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với vụ truyền thống trong năm. Hàng năm, Doanh nghiệp duy trì diện tích 2.000m2 để nuôi theo mô hình này, trung bình một năm 4 vụ nuôi đạt 10 tấn tôm, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Sau khi thực hiện thành công mô hình nuôi tôm trong nhà kính, doanh nghiệp đã giúp nhiều hộ nuôi khác tại địa phương áp dụng mô hình này vào nuôi trồng.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi tôm trong nhà kính, gần 3 năm nay, ông Đỗ Quang Bộ ở thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng đã áp dụng mô hình này đầu tư xây dựng ao nuôi với diện tích 5.000m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông Bộ, để áp dụng mô hình, trung bình phải đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha để xây dựng hệ thống ao nuôi như kè bê tông xung quanh bờ, đáy ao, căng bạt kính, mua thiết bị máy móc... Với mô hình này, ao nuôi được thiết kế theo hình chữ nhật, đáy ao được đổ bê tông hình lòng chảo, tâm đáy ao có thiết kế hố ga để xả cặn hàng ngày và xây dựng một cột thép có chiều cao hơn 10m. Từ cột thép sẽ kéo dây cáp ra 4 xung quanh ao tạo thành hệ thống lưới đan xen để lợp mái ao bằng lớp màng nilon nhà kính bảo đảm che mưa và giữ nhiệt; xung quanh là hệ thống cửa sổ thông gió và điều chỉnh nhiệt độ. Trong ao lắp đặt máy móc bảo đảm cân bằng không khí, nhiệt độ, ánh sáng như: hệ thống sục khí cung cấp ôxi; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống thiết bị đo pH, đo nhiệt độ nước và hệ thống máy cho ăn… Nước cấp cho ao nuôi được lấy từ một ao cấp nước riêng có hệ thống xử lý nước với diện tích khoảng 1.000m2. Điều quan trọng nhất là người nuôi phải am hiểu về kỹ thuật nuôi và máy móc hỗ trợ để chủ động thực hiện việc kiểm soát nhiệt độ, môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên nên giảm thiểu bệnh dịch, bảo đảm an toàn sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng…

Hiện nay, Thái Thụy có nhiều hộ nuôi tôm ở các xã Thái Thượng, Thụy Hà, Thái Nguyên đã áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà kính và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, một trong những khó khăn để mở rộng mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu rất cao, người nuôi phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn cần thiết trong việc ứng dụng kỹ thuật, thiết kế, xây dựng ao nuôi và công tác vận hành, quản lý kỹ thuật nuôi trồng… Nếu giải quyết được các vấn đề trên, chắc chắn mô hình nuôi tôm trong nhà kính sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của Thái Thụy.

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày