Thứ 5, 01/08/2024, 07:25[GMT+7]

An Châu: Ðể có rau an toàn

Thứ 2, 12/12/2016 | 10:13:00
978 lượt xem
Nhiều năm qua, An Châu luôn là xã có diện tích trồng rau vụ đông lớn nhất huyện Ðông Hưng. Trong đó, mô hình sản xuất rau an toàn thu hút nhiều hộ nông dân tham gia, được nhiều công ty có uy tín trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu sản phẩm. Cùng với cấy lúa cao sản, trồng rau an toàn đang giúp người nông dân nơi đây làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình.

Mỗi sào rau an toàn cho thu nhập gấp 3 - 4 lần cấy lúa.

 

Sau dồn điền đổi thửa, An Châu quy hoạch đồng ruộng thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, lựa chọn được loại cây trồng phù hợp sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm rau an toàn, phát huy được kinh nghiệm trồng rau lâu năm của bà con và vì mô hình đã mang lại đời sống ấm no cho người nông dân, giúp họ yên tâm bám ruộng làm giàu. Ðể có thành tích liên tục là xã dẫn đầu huyện về diện tích cũng như hiệu quả trồng rau màu vụ đông, theo đồng chí Ðào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã An Châu là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các thôn, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Cùng với đó, HTX luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ thành viên, đặc biệt là các hộ có nhiều kinh nghiệm trong trồng rau tổ chức quy vùng sản xuất, chủ động mượn ruộng hoặc đổi ruộng để tham gia thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Liên kết với các công ty, đơn vị để cung cấp giống chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình; điều hành phục vụ nước tưới, tổ chức cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình bảo đảm an toàn. Chính vì vậy, trong khi nhiều xã trồng rau màu vụ đông không hiệu quả, diện tích ngày càng thu hẹp thì ở An Châu bà con rất tích cực trồng, nhiều hộ còn mượn ruộng để trồng. Ông Nguyễn Văn Mươi, thôn Kim Châu 2 cho biết: Nhà chỉ có hai vợ chồng với 2 sào ruộng khoán nhưng năm nào chúng tôi cũng mượn thêm khoảng 2 - 3 sào nữa để trồng su hào, bắp cải theo quy trình sản xuất rau an toàn. Dù vất vả hơn cấy lúa nhưng thời gian trồng rau ngắn, thu nhập đạt khoảng 4 - 5 triệu đồng/sào, hơn cấy lúa, lại có thương lái về tận ruộng thu mua. Còn ông Nguyễn Ðình Hải ở thôn Kim Châu 2 phấn khởi cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, 3 sào su hào, cải bắp của gia đình đang phát triển tốt, cuối tháng 12 là cho thu hoạch, nếu bán được giá gia đình sẽ có một khoản thu nhập khá.

 

 

Mô hình trồng rau an toàn ở thôn Kim Châu 2, xã An Châu.

 

An Châu là xã thuần nông, hàng năm chủ yếu sản xuất hai vụ lúa và một vụ đông. Bình quân mỗi năm, An Châu trồng 160 - 175ha cây màu vụ đông. Từ năm 2013 trở về trước, HTX DVNN khuyến khích bà con trồng dưa hấu, bí đao, bí ngô. Từ năm 2014 đến nay, bà con chuyển sang trồng su hào, cải bắp, súp lơ theo mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất rau an toàn ở thôn An Nạp và Kim Châu 2 với diện tích trên 50ha. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho bà con sản xuất rau màu 4 vụ với diện tích 5,5ha (có bao tiêu sản phẩm) với cây chủ lực là mướp đắng, ớt, dưa chuột bao tử xuất khẩu bán cho Công ty Chế biến nông sản Hải Dương. Tham gia sản xuất rau an toàn chỉ sau hai tháng, nhiều hộ có diện tích lớn thu được 40 - 50 triệu đồng.

 

Năm 2015, thu nhập bình quân trên một héc-ta đất của An Châu đạt 95 triệu đồng, năm 2016 dự kiến đạt 120 triệu đồng/ha. Nhờ chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nên đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Nhà cửa được xây dựng khang trang, đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa. Năm 2014, An Châu đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hy vọng thời gian tới, huyện Ðông Hưng sẽ có thêm nhiều mô hình cánh đồng rau an toàn như ở An Châu góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày