Chủ nhật, 11/05/2025, 19:21[GMT+7]

Đông Hưng - Xuân trên những cánh đồng lớn

Thứ 2, 23/01/2017 | 15:48:40
1,550 lượt xem
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đông Hưng đã hình thành nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng 4 vụ/năm cho thu nhập cao, không chỉ làm thay đổi tư duy sản xuất mà còn đem lại những mùa xuân ấm no cho người nông dân.

Khẳng định hiệu quả

Từ mô hình thí điểm xây dựng cánh đồng lớn ở xã Trọng Quan với diện tích trên 50ha, công thức luân canh 3 vụ: lúa xuân - lúa mùa - khoai tây và rau màu, đến nay, Đông Hưng đã xây dựng được 29 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 1.300ha tại 26 xã và 6 mô hình cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm với diện tích gần 73ha luân canh các giống lúa chất lượng cao và các loại rau su hào, bắp cải, bí ngô, bí đao, khoai tây... Việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng 4 vụ/năm thời gian qua không chỉ góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà còn giúp người nông dân biết đầu tư sản xuất lớn, thu lợi nhuận cao. Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng 4 vụ/năm đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và người nông dân; bà con đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường. Đặc trưng của cánh đồng lớn, cánh đồng 4 vụ/năm là chỉ cấy 1 đến 2 giống lúa hoặc rau màu nên nông dân có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, từng bước sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hình thành mối liên kết "4 nhà". Bình quân giá trị thu nhập của cánh đồng lớn đạt từ 160 - 213 triệu đồng/ha/năm, tăng 11,5 - 47,2%; cánh đồng 4 vụ/năm đạt 415 - 465 triệu đồng/ha/năm, gấp 3 - 3,5 lần so với cánh đồng truyền thống.

Ở Đông Hưng hiện nay một số địa phương đã mở rộng được diện tích cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm như Mê Linh, Đông Tân, Đông Lĩnh, riêng xã Phú Châu mở rộng diện tích cả hai cánh đồng lớn lên gần gấp đôi. Ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Châu cho biết: Năm 2013, Phú Châu bắt đầu xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 50ha. Chỉ sau vài vụ, thấy hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần cánh đồng truyền thống nên tiếp tục xây dựng thêm một cánh đồng lớn nữa; mở rộng diện tích cả hai cánh đồng từ 80ha lên 130ha, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Không chỉ là địa phương gieo cấy 100% diện tích lúa ngắn ngày, có trên 80ha cấy lúa chất lượng cao, Phú Châu còn là một trong những xã dẫn đầu huyện về trồng cây màu vụ đông với cây chủ lực là cây khoai tây, bí xanh, dưa hấu. Chị Tạ Thị Nhạn, thôn Phạm, xã Phú Châu chia sẻ: Cánh đồng lớn đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Từ khi tham gia mô hình, chúng tôi đã bỏ hẳn phương thức canh tác manh mún, lạc hậu; năng suất cây trồng cao hơn, thu nhập của người nông dân cũng tăng lên đáng kể. Đây cũng chính là bước đột phá, là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tạo nên những thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Đông Hưng.

Nông dân Đông Xá (Đông Hưng) được mùa bí.

Mang đến những mùa xuân ấm no

Những ngày giáp tết, đến thăm các cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm ở một số xã của huyện Đông Hưng, chúng tôi nhận thấy niềm vui của người nông dân nơi đây. Dừng chân trên những cánh đồng màu của xã Phú Lương, chúng tôi cảm nhận rõ sự gắn bó của những người nông dân với ruộng đồng. Những năm gần đây, Phú Lương chọn cây bí đao, bí ngô để trồng trên các cánh đồng lớn với diện tích 70ha. Màu xanh của cây bí gần như bao phủ màu nâu của đất cho thấy người dân nơi đây đã thực sự coi tấc đất là tấc vàng, vụ đông là vụ sản xuất chính và coi sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa là hướng làm giàu của mình. Là một trong những hộ tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn từ nhiều năm nay, ông Mai Trọng Kê ở thôn Duyên Phú phấn khởi cho biết: Ngoài trồng lúa chất lượng cao, vụ đông năm nào, gia đình tôi cũng đổi, thuê ruộng để trồng từ 1 - 1,5 mẫu. Chỉ trồng hơn 2 tháng nhưng có thể thu lãi hàng chục triệu đồng.

Không chỉ nổi tiếng với nghề làm bánh cáy và kẹo lạc truyền thống, xã Nguyên Xá còn nổi tiếng với những cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm chuyên canh rau màu. Ông Nguyễn Tiến Vững, Chủ tịch UBND xã cho biết: Diện tích đất nông nghiệp của xã bị thu hẹp nhường chỗ cho các khu công nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã xác định, nếu chỉ cấy 2 vụ lúa/năm thì giá trị nông nghiệp quá thấp, người nông dân không mặn mà với đồng đất nên từ năm 2014 xã đã quyết định quy hoạch vùng chuyển đổi từ trồng 2 vụ lúa/năm sang 4 vụ màu/năm, quy mô 6,5ha ở cánh đồng Đà Giang và Đông Khê, luân canh các loại cây trồng cho năng suất cao như súp lơ, bắp cải, cà chua, ngô, khoai tây, dưa hấu... Bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Đà Giang tâm sự: Trước đây, chúng tôi chỉ cấy lúa và trồng rau để phục vụ nhu cầu của gia đình. Khi xã có chủ trương xây dựng cánh đồng 4 vụ rau/năm, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia, chấp hành nghiêm "kỷ luật đồng ruộng", sản phẩm nông nghiệp làm ra có thương lái về tận ruộng thu mua. Những tưởng không bao giờ làm giàu được từ ruộng nhưng giờ gia đình tôi đã có cuộc sống sung túc hơn trước.

Một mùa xuân mới lại về trên những cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất 4 vụ/ha ở huyện Đông Hưng. Dù bị ảnh hưởng của bão số 1 và số 3 nhưng được trồng, chăm sóc bởi những nông dân giàu kinh nghiệm cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, năm nay Đông Hưng vẫn dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa mùa, xây dựng được nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Văn Hạnh, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Xá

Năm 2013, xã Đông Xá đã xây dựng thành công cánh đồng lớn với diện tích 50,4ha, thực hiện luân canh 3 vụ lúa xuân, lúa mùa, cây vụ đông. Cái được của mô hình cánh đồng lớn là đã giải đáp được bài toán về mô hình liên kết "4 nhà" và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Lợi ích của người nông dân và của doanh nghiệp đều được quan tâm đồng thời cùng nhau chăm lo nên hiệu quả mang lại rất cao, gấp nhiều lần sản xuất truyền thống. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng bền vững cho các địa phương hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Uẩn, xã An Châu (Đông Hưng)

Lúc đầu, HTX DVNN xã vận động sản xuất trên cánh đồng lớn, tôi cũng hơi e ngại. Nhưng sau 6 năm tham gia, tôi thấy mình được hưởng rất nhiều lợi ích như: từ bỏ được thói quen sản xuất nhỏ lẻ, ngược lại được hỗ trợ giống, vốn, thuận lợi khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, có máy móc hỗ trợ nên chi phí đầu tư giảm, năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác gấp 3 - 3,5 lần so với cánh đồng truyền thống, sản phẩm an toàn hơn. Tôi đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương hoàn thiện hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày