Thứ 5, 02/05/2024, 06:15[GMT+7]

Đi tìm thương hiệu gạo Thái Bình (Kỳ 3)

Thứ 2, 31/07/2017 | 09:08:20
2,920 lượt xem
...Thái Bình chưa có thương hiệu gạo vì chưa chọn đúng giống lúa để xây dựng, không thể có thương hiệu chung cho mọi loại gạo mà sản phẩm gạo chọn làm thương hiệu phải nổi trội hơn gạo khác. Thương hiệu gạo phải gắn với chỉ dẫn địa lý (vùng miền, địa phương) ...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Tiền Hải và doanh nghiệp kiểm tra giống lúa mới khảo nghiệm tại xã Bắc Hải (Tiền Hải).

Kỳ 3: Gian nan xây dựng thương hiệu gạo

Bà Nguyễn Thị Tuyết, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Tôi thường mua gạo tại các cửa hàng gần nhà hoặc trong chợ, theo như người bán nói đó là gạo của Thái Bình. Trên các bao gạo đều cắm biển tên từng loại gạo thì chúng tôi biết thế, còn thực chất có đúng 100% gạo đó không thì tôi không biết. Chất lượng gạo chủ yếu được đánh giá qua quan sát bằng mắt thường, theo quảng cáo và lời bảo đảm của chủ cửa hàng. Tôi chưa bao giờ vào siêu thị mua gạo đóng trong các túi có nhãn mác, dán tem. bởi giá cao và tên gạo nghe cũng lạ...

Không chỉ do tập quán sản xuất của các hộ nông dân và thói quen tiêu dùng “hàng chợ” của khách hàng mà ngay cả một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thóc, gạo cũng gặp khó khi xây thương hiệu gạo. Bởi theo các doanh nghiệp, để xây dựng được thương hiệu gạo Thái Bình cần phải thực hiện đồng bộ, khép kín từ chọn giống lúa, thổ nhưỡng, quy vùng, chăm sóc, liên kết sản xuất, chế biến, quản lý vật tư nông nghiệp, thị trường gạo… đến đóng gói sản phẩm. 

Công ty TNHH Hưng Cúc lựa chọn giống lúa T10 để xây dựng thương hiệu gạo nhưng chưa thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Về lý thuyết xây dựng thương hiệu gạo là thế, nhưng đi vào thực tế thì mỗi lĩnh vực, mỗi khâu sản xuất ai cũng muốn lợi nhuận trước mắt thuộc về mình nên rất khó thực hiện. Giống lúa gì có lợi nhuận cao là nông dân cấy, không cần theo quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như chất lượng nước tưới, phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật…; thương lái thu mua chế biến thóc, gạo với nhiều chiêu trò trộn lẫn gạo chất lượng cao với gạo thường để bán hàng có lợi nhuận cao nhất; chất lượng gạo bày bán chưa được kiểm soát chặt chẽ… 

Nông dân xã Tây Tiến (Tiền Hải) kiểm tra giống lúa T10 có liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Ông Phạm Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Thái Bình chưa xây dựng được thương hiệu gạo là do việc liên kết giữa các doanh nghiệp, hộ nông dân trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng còn hạn chế dẫn đến khó khăn cho việc quản lý chất lượng, hiệu quả sản xuất không cao. Cơ cấu giống lúa đa dạng, gạo bị lẫn loại, không kiểm soát được chất lượng và chưa xác định giống chủ lực, chất lượng ổn định để xây dựng thương hiệu. Những năm qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tổ chức liên kết với các tỉnh, thành phố tiêu thụ nông sản, trong đó có gạo… Tuy nhiên, do chất lượng gạo không đồng đều, sản lượng ít nên tiêu thụ gặp khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng thương hiệu gạo. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng với nhiều giống lúa cho nông dân tự chọn gieo cấy và hàng nghìn thương lái mua bán thì xây dựng thương hiệu gạo là thách thức lớn. 

Thương hiệu gạo không thể gọi chung là gạo Thái Bình do trên 1 triệu nông dân làm ra với trên chục giống lúa. Theo ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Thái Bình chưa có thương hiệu gạo vì chưa chọn đúng giống lúa để xây dựng, không thể có thương hiệu chung cho mọi loại gạo mà sản phẩm gạo chọn làm thương hiệu phải nổi trội hơn gạo khác. Thương hiệu gạo phải gắn với chỉ dẫn địa lý (vùng miền, địa phương) như giống lúa T10, Bắc thơm 7 (thường gọi là tám thơm Tiền Hải), gieo cấy ở các xã phía Nam huyện Tiền Hải, giống lúa nếp ở Vũ Tây (Kiến Xương)… 

Nông dân xã Tây Đô (Hưng Hà) thu hoạch lúa.

Chị Trần Thị Hảo, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) cho biết: Mỗi tháng, gia đình tôi sử dụng từ 30 – 40kg gạo. Tôi cũng rất cẩn trọng khi đi mua gạo vì sợ gạo không có nhãn mác tiềm ẩn nguy cơ về nấm mốc, chất hóa học từ việc phun thuốc trừ sâu còn tồn dư trong gạo và các chất sử dụng để bảo quản gạo không bị côn trùng, mọt… Tuy nhiên, gạo có nhãn mác bán trong các siêu thị giá thường khá cao nên tôi không dùng. Giải pháp tôi lựa chọn là mua gạo ở  các cửa hàng quen, dẫu biết rằng người bán cũng không thể biết được quy trình sản xuất có bảo đảm an toàn thực phẩm không song phần nào cũng yên tâm hơn. Tôi rất mong Thái Bình xây dựng được thương hiệu gạo với giá thành hợp lý để ai cũng có thể sử dụng như gạo thông thường, vừa yên tâm về chất lượng, vừa được dùng gạo ngon.



Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc

Trước đây, Công ty TNHH Hưng Cúc  đã lựa chọn giống lúa T10 để xây dựng thương hiệu gạo song không thành công. Nguyên nhân do sản lượng thóc T10 các hộ dân, HTX cung ứng không ổn định, đồng thời chất lượng chưa bảo đảm do trong quá trình sản xuất các hộ nông dân không thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật. Các địa phương còn gieo cấy nhiều giống lúa khác nhau và xen kẽ với giống lúa chất lượng cao nên độ lẫn giữa các loại thóc với nhau còn cao. Đồng thời, hiện nay đồng ruộng cơ bchưa đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ bởi còn tồn dư nhiều hóa chất từ phân bón, thuốc trừ sâu… Để sản xuất được gạo hữu cơ phải cải tạo lại đất khoảng 7 - 8 năm để tẩy sạch tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm môi trường ở đất, nước.


Ông Nguyễn Văn Long, Ủy viên Hội đồng quản trị HTX SXKD DVNN xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương

Xã Vũ Tây nổi tiếng với giống lúa nếp (thường gọi là nếp tiến vua). Đây là giống lúa truyền thống của địa phương do người dân tự để giống, có đặc điểm hạt gạo nhỏ, thơm, dẻo hơn các giống lúa nếp khác. Giống lúa này cho giá trị kinh tế cao hơn các giống lúa khác, hàng năm diện tích gieo cấy giống lúa nếp ở vụ xuân chiếm khoảng 20%, vụ mùa trên 70% so với tổng diện tích gieo cấy của xã. Giống lúa nếp của Vũ Tây đã nổi tiếng ở trong tỉnh, nhưng để xây dựng thương hiệu gạo vẫn là vấn đề nan giải với địa phương, do không hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, diện tích cấy lớn nhưng canh tác nhỏ lẻ dẫn đến pha tạp nhiều loại nếp.


Ông Lương Văn Biên, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải

Gia đình tôi có 6 sào ruộng, trong đó một phần diện tích tham gia sản xuất lúa hàng hóa cho Công ty TNHH Khang Long. Từ nhiều năm nay, gia đình tôi gieo cấy 100% giống lúa Bắc thơm 7, do giống lúa này phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, chi phí đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chúng tôi được tập huấn quy trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như gieo vãi, cấy thưa, bón phân cân đối. Tuy nhiên, để bảo đảm năng suất, mỗi đợt sâu bệnh tôi đều phun thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng gạo, do đó việc xây dựng thương hiệu gạo đối với nông dân chúng tôi khá khó khăn.


(còn nữa)

Nguyên Bình - Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày