Thứ 6, 22/11/2024, 00:42[GMT+7]

Kiến Xương tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa mùa

Thứ 4, 02/08/2017 | 09:20:48
1,195 lượt xem
Hiện nay, hơn 11.300ha lúa mùa của huyện Kiến Xương đang phát triển tốt, tuy nhiên, nhiều diện tích lúa bị ốc bươu vàng, chuột phá hoại và một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Cùng với tập trung chăm sóc lúa đầu vụ, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa mùa.

Tổ bảo vệ thực vật thôn Phụng Thượng, xã Vũ An (Kiến Xương) chuẩn bị bả thuốc sinh học diệt chuột đợt 2 bảo vệ lúa mùa.

Dù trời nắng chang chang nhưng bà Nguyễn Thị Xuyên, thôn Phụng Thượng, xã Vũ An (Kiến Xương) vẫn một mình trên đồng tỉa dặm những diện tích lúa bị chết. Bà Xuyên cho biết: Vụ mùa này gia đình tôi cấy 2 mẫu ruộng thì có tới 5 sào bị chuột cắn phá. Dù gia đình đã che chắn bằng nilon và đặt bả thuốc sinh học nhưng không hạn chế được chuột cắn lúa. 

Ông Nguyễn Đức Thơm, Phó Trưởng thôn Phụng Thượng cho biết: Toàn thôn có 130 mẫu lúa mùa thì chuột cắn phá trên 30 mẫu. Từ đầu vụ, thôn đã tổ chức diệt chuột tập trung trước khi bà con gieo cấy. Đây là lần thứ hai chúng tôi tổ chức rải bả thuốc sinh học diệt chuột nhưng hiệu quả không cao bởi vào thời điểm này chuột cắn lúa không phải vì đói mà nó ngứa răng chuẩn bị vào thời kỳ sinh sản. Để bảo vệ lúa mùa, chúng tôi vừa dùng bả thuốc sinh học diệt chuột vừa tuyên truyền, vận động nông dân tập trung đào, đánh bắt thủ công, không cho chúng sinh sôi bùng phát vào dịp này.

Tình trạng chuột phá hoại lúa mùa không chỉ diễn ra ở Vũ An mà còn xuất hiện ở tất cả các xã, thị trấn của huyện Kiến Xương. Nhiều nông dân cho biết, vụ mùa này chuột nhiều, phá hoại mạnh hơn vụ mùa năm trước và vụ xuân vừa qua. Nguyên nhân là do một số diện tích nông dân bỏ hoang đã tạo nơi trú ngụ, phát triển của chuột. Thêm vào đó, một số bờ vùng, bờ thửa chưa được dọn vệ sinh, cỏ mọc um tùm cũng là nơi chuột ẩn nấp, sinh sôi.

Hiện nay, ốc bươu vàng cũng đang gây hại cho nhiều diện tích lúa mùa, nhất là đối với diện tích lúa gieo thẳng, diện tích vùng trũng. Các HTX SXKD DVNN đã chỉ đạo bà con xã viên phối trộn thuốc diệt ốc bươu vàng với phân bón tổng hợp chuyên thúc để bón thúc đợt này; điều tiết thủy lợi hợp lý, không để ruộng khô hạn giúp việc chăm sóc lúa thuận lợi và diệt chuột, ốc bươu vàng hiệu quả.

Thời tiết nóng ẩm đầu vụ cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại; hiện nay, rầy và sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên toàn bộ diện tích lúa mùa của Kiến Xương. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, Kiến Xương có khoảng 2.000ha lúa mùa bị rầy cám lưng trắng gây hại với mật độ từ 800 - 1.000 con/m2, cá biệt có nơi mật độ cao lên tới hơn 1.500 con/m2

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Rầy lưng trắng gây hại lúa ở tất cả các địa phương và phát sinh mạnh, dễ lây lan ra diện rộng vào thời điểm này. Đối với sâu cuốn lá, mật độ trung bình 3,2 con/m2, dự báo từ ngày 10/8 trở đi sẽ nở rộ, mật độ bùng phát trên nhiều diện tích lúa mùa.

Do hiện nay cây lúa phát triển mạnh, có khả năng đền bù nhanh trước sự gây hại của sâu cuốn lá và rầy nên huyện Kiến Xương chỉ đạo các địa phương không khuyến cáo nông dân dùng thuốc phun trừ đợt này. Tuy nhiên, các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, chỉ đạo cán bộ bảo vệ thực vật và bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh, khi mật độ sâu bệnh đến ngưỡng nguy hại thì chủ động phát động nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu phun phòng, trừ kịp thời, bảo vệ cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt.

Khắc Duẩn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày