Thứ 6, 22/11/2024, 01:02[GMT+7]

Thái Thụy tập trung phòng, trừ sâu bệnh

Thứ 3, 08/08/2017 | 08:18:45
2,356 lượt xem
Thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 3/8/2017 của UBND tỉnh về việc tập trung phòng, trừ rầy lưng trắng và lùn sọc đen, bảo vệ lúa vụ mùa năm 2017, các địa phương trên địa bàn huyện Thái Thụy đang tích cực phun thuốc phòng, trừ rầy lưng trắng, lùn sọc đen, bảo đảm cho lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt.

Đội Quản lý thị trường số 4 tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Thái Thụy.

Hiện nay, hơn 13.700ha lúa mùa của huyện Thái Thụy đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến thời gian lúa trỗ bông trà sớm tập trung từ ngày 27/8 - 5/9, trà lúa đại trà trỗ từ ngày 6 - 20/9. Tuy nhiên, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện ở một số xã ven biển, rầy lưng trắng lứa 5 nở rộ trên đồng ruộng và có mật độ bất thường so với cùng kỳ mọi năm, nơi cao từ 1.000 - 2.000 con/m2, cá biệt có nơi 3.000 con/m2, có nơi lên đến hàng vạn con/m2. Toàn huyện có khoảng 3.000ha lúa mùa bị nhiễm rầy, trong đó tập trung cao ở một số xã ven biển và vùng trũng. Đây là nguồn rầy có nguy cơ truyền vi rút lùn sọc đen cho lúa mùa và chuyển tiếp cho vụ lúa sau, nếu không có biện pháp chỉ đạo phun trừ kịp thời sẽ gây hại làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Thực hiện Công điện số 05 của UBND tỉnh, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung công tác tuyên truyền về tình hình sâu bệnh, các biện pháp phòng, trừ tới bà con nông dân trong việc bảo vệ lúa mùa. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng xác định diện tích lúa có mật độ rầy cao từ 750 con/m2 trở lên thì tổ chức phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khi kiểm tra đồng ruộng người dân phát hiện các khóm lúa có biểu hiện thấp lùn, lá ngắn và xoắn có màu xanh đậm, bộ rễ kém phát triển thì nhổ bỏ và tiêu hủy ngay và khẩn trương phun phòng, trừ rầy để hạn chế lây lan của bệnh lùn sọc đen. Đồng thời, huyện đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng liên quan chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nước tưới cho lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, đặc biệt là tại các diện tích lúa bị nhiễm rầy đang tổ chức phun trừ; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của thuốc…

Thái Thượng là một trong những xã ven biển của huyện có mật độ rầy cao từ 1.500 - 2.500 con/m2, cá biệt có nơi từ 4.000 - 5.000 con/m2. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân tập trung phun trừ rầy lưng trắng và lùn sọc đen cho toàn bộ diện tích lúa mùa của xã bị nhiễm bệnh, thời gian từ ngày 3 - 6/8. 

Theo ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã: Trong 4 ngày, toàn xã đã tổ chức phun trừ rầy lưng trắng và lùn sọc đen cho 117ha lúa mùa, bằng 100% diện tích. Để công tác phòng, trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao, UBND xã đã cử cán bộ trực tiếp phối hợp cùng với chính quyền thôn tổ chức người dân phun trừ sâu bệnh đạt hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo HTX chủ động nguồn thuốc trừ sâu bảo đảm chất lượng để cung cấp cho người dân. Dự báo từ nay đến cuối vụ tình hình sâu bệnh còn diễn biến phức tạp, vì vậy xã cũng tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phun trừ sâu bệnh kịp thời.

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp huyện, từ nay đến cuối vụ, rầy phát sinh làm 2 đợt với mức độ và quy mô gây hại lớn: đợt 1 rầy non nở rộ từ ngày 20 - 30/8; đợt 2 rầy non nở rộ từ ngày 20/9 trở đi, gây hại khi lúa đang trỗ bông. Bên cạnh đó, một số bệnh như vàng lùn, vàng xoắn lá, sâu cuốn lá nhỏ… hiện đã phát sinh rải rác trên diện tích lúa cấy ở hầu hết các xã. Bệnh có nguy cơ gây hại nặng và lây lan nhanh. 

Để chủ động công tác phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa, thời gian tới, huyện Thái Thụy chỉ đạo các địa phương tập trung phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ kết hợp trừ sâu đục thân, thời gian từ ngày 12 - 15/8, thuốc dùng và liều lượng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày