Thứ 4, 25/12/2024, 01:09[GMT+7]

Nam Phú: Hiệu quả vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản

Thứ 6, 18/08/2017 | 08:13:55
2,453 lượt xem
Nam Phú là xã ven biển huyện Tiền Hải, rất thuận lợi về phát triển nuôi trồng thủy sản. Để phát huy lợi thế, tiềm năng, những năm qua Nam Phú đã chuyển đổi một số vùng đất trũng trồng lúa, cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi trồng thủy sản ở Nam Phú.

Đưa chúng tôi đi thăm vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Thế Lữ, cán bộ lâm sinh xã Nam Phú cho biết: Năm 2009, địa phương có chủ trương chuyển đổi vùng trồng cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trên cơ sở thực tế, UBND xã đã thống nhất với các hộ đang sử dụng diện tích đất để xây dựng kế hoạch cụ thể, trực tiếp cho từng vùng chuyển đổi, khuyến khích các hộ phát triển nuôi tôm, cá... Yêu cầu việc chuyển đổi phải bảo đảm về hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới, tiêu thuận lợi, đối tượng nuôi phù hợp. Chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp hình thành theo quy hoạch vùng chuyển đổi B1, B2 đạt khoảng 130ha. Vùng quy hoạch có lợi thế có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và phát triển trang trại, gia trại tổng hợp. Sau hơn 9 năm phát triển kinh tế tại vùng chuyển đổi, các hộ dân đã mạnh dạn đưa nhiều loại thủy sản vào nuôi thả như tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, cá truyền thống… mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trước đây gia đình ông Trần Xuân Biên, thôn Thúy Lạc nuôi thả cá truyền thống trên diện tích chật hẹp, chưa được quy hoạch nên không mang lại hiệu quả. Từ khi ra vùng chuyển đổi ông Biên đã tập trung đầu tư cải tạo 1,5ha nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cá chim… Với 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng mỗi vụ cho thu nhập gần 100 triệu đồng. 

Ông Trần Xuân Biên cho biết: Trong nuôi trồng thủy sản các hộ dân nên chuẩn bị tốt các điều kiện như ao nuôi cần được cải tạo, phơi trong một thời gian sau mỗi vụ nuôi; tu sửa các bờ kè từ đó củng cố hạ tầng ao và tạo được môi trường nuôi sạch, kích thích sự tăng trưởng cũng như hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi thủy sản. 

Ông Biên cho biết thêm: Gia đình ông còn tận dụng bờ vùng để trồng chuối, nuôi thả vịt mỗi năm cho thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng. 

Hay như ông Bùi Văn Giang, gắn bó với vùng chuyển đổi được 9 năm, được sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể ông đã tích cực học hỏi tiếp thu kỹ thuật chăm sóc các đối tượng nuôi thủy sản, đến nay, 5 mẫu ao nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận cho gia đình ông khoảng 90 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Thế Lữ, cán bộ lâm sinh xã Nam Phú cho biết thêm: Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản bền vững, Nam Phú đã thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư như hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật. Ngoài ra, khuyến khích cơ sở sản xuất giống nâng chất lượng con giống thuần dưỡng tại địa phương; từng bước đưa các loài giống mới, có chất lượng cao vào sản xuất. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc thực hiện tốt an toàn vệ sinh thú y thủy sản. Tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức đầu tư cơ sở thu mua chế biến thủy sản, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Mạnh Thắng


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày