Thứ 4, 25/12/2024, 01:13[GMT+7]

Hội Làm vườn thành phố năng động phát triển kinh tế

Thứ 6, 18/08/2017 | 08:20:30
2,107 lượt xem
Chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, thời gian qua, hơn 2.000 cán bộ, hội viên hội làm vườn các cấp của thành phố Thái Bình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các mô hình sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Gia đình ông Vũ Văn Xuyên ở thôn Nam Cầu Nhân, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây quất cảnh cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, gia đình ông Vũ Văn Xuyên ở thôn Nam Cầu Nhân, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) có 3 sào ruộng cấy lúa nhưng kém hiệu quả, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông đã học hỏi các mô hình phát triển kinh tế của bà con nhiều nơi và mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây quất cảnh. 

Ông Xuyên cho biết: Tích lũy được kinh nghiệm trồng và kỹ thuật chăm sóc qua các năm, đến nay nhà tôi trồng được khoảng 700 cây quất cảnh. Bình quân mỗi năm phục vụ thị trường tết từ 300 - 500 cây, trừ chi phí cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Nguồn thu từ trồng cây quất cảnh cao hơn rất nhiều so với cấy lúa và trồng cây màu, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình khấm khá hơn.

Cũng như gia đình ông Xuyên, nhiều hộ hội viên Hội làm vườn thành phố đã năng động phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình khác nhau. Bên cạnh việc thâm canh cây lúa, trồng cây màu, các cấp hội còn đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, nâng số lượng đàn gia súc, gia cầm, đưa các giống cây, con mới vào nuôi trồng. Nhiều mô hình mới như nuôi nhím, thỏ, lợn rừng, nuôi ong lấy mật cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình nuôi ong lấy mật thu hút 52 hội viên của phường Hoàng Diệu và xã Vũ Đông tham gia, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.000kg mật cho giá trị kinh tế từ 200 - 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, phong trào cải tạo vườn tạp, ao, hồ, đầm để chuyển đổi sang các mô hình lúa - cá, gà - cá, trồng hoa và cây cảnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố cải tạo được 70ha vườn tạp và 136ha diện tích mặt nước, trồng mới và thay thế hơn 300.000 cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh; cung cấp cho thị trường hàng nghìn cây, con giống các loại.

Ông Vũ Minh Sơn, Chủ tịch Hội Làm vườn thành phố Thái Bình cho biết: Thời gian qua, các cấp hội làm vườn thành phố luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế như: tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; tín chấp với các ngân hàng cho hội viên vay vốn ưu đãi… Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội tổ chức được 25 buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thu hút hơn 2.000 người tham gia; phối hợp tổ chức 26 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 1.400 lượt người tham gia… Thông qua các hoạt động hỗ trợ đã giúp hội viên khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, huy động được nguồn vốn, ngày công lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.

Thời gian tới, các cấp hội làm vườn thành phố tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức hội theo hướng nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức tốt các hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên. Vận động hội viên đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng những mô hình sản xuất, kinh doanh mới cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày