Thứ 4, 25/12/2024, 00:50[GMT+7]

Tây Lương canh tác lúa cải tiến SRI

Thứ 2, 28/08/2017 | 10:16:50
3,620 lượt xem
Tây Lương (Tiền Hải) là địa phương duy nhất của Thái Bình được lựa chọn thực hiện dự án "Xây dựng mô hình tổ chức quản lý thủy nông cơ sở đáp ứng thâm canh cây trồng hiệu quả, bền vững ở đồng bằng sông Hồng" ở vụ mùa năm 2016 và vụ xuân năm 2017 với diện tích 50ha lúa, trên 200 hộ tham gia.

Nông dân xã Tây Lương chăm sóc lúa mùa

Dự án “Xây dựng mô hình tổ chức quản lý thủy nông cơ sở đáp ứng thâm canh cây trồng hiệu quả, bền vững ở đồng bằng sông Hồng” do Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam triển khai tại 5 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương trong thời gian 3 năm với 5 vụ sản xuất và mục tiêu tổng quát là áp dụng các hướng dẫn xây dựng mô hình tổ chức quản lý thủy nông, tăng cường năng lực đáp ứng yêu cầu hỗ trợ nông dân thâm canh lúa và các loại cây trồng bền vững, tiết kiệm nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính. 

Cùng với việc xây dựng mô hình tổ chức quản lý thủy nông cho HTXNN, dự án còn hướng tới xây dựng các mô hình trồng trọt, canh tác lúa theo kỹ thuật SRI. Đây là một trong những giải pháp luôn được ngành Nông nghiệp khuyến cáo áp dụng trong các đề án sản xuất bởi tính tiên tiến, hiệu quả, sự thân thiện với môi trường.

Trên 50% diện tích canh tác lúa được nông dân áp dụng SRI từng phần như cấy bằng mạ non, cấy mật độ thưa, điều tiết nước khô ướt xen kẽ...

Tây Lương (Tiền Hải) là địa phương duy nhất của Thái Bình được lựa chọn thực hiện dự án ở vụ mùa năm 2016 và vụ xuân năm 2017 với diện tích 50ha lúa, trên 200 hộ tham gia. 

Ông Cao Bá Muồn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón và một phần thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện dự án, HTX đã quy vùng tập trung với diện tích 50ha, cấy cùng một giống lúa, cùng thời điểm, tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật của phương pháp canh tác lúa SRI. Đánh giá bước đầu qua hai vụ sản xuất, việc áp dụng SRI giảm lượng giống, giảm phân bón (20 - 30% so với gieo cấy thông thường), giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thực hiện điều tiết nước theo nguyên tắc tưới phơi, lộ, sâu theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa giúp tiết kiệm nguồn nước so với canh tác truyền thống. Năng suất lúa cao hơn 15% so với vùng ngoài dự án. 

Gia đình ông Ngô Văn Quân, thôn Lương Phú là một trong những hộ được tham gia dự án với diện tích trên 2 mẫu. Ông Quân cho biết: Tôi thấy từ khi thực hiện theo phương pháp này, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao hơn trước đây. Vừa tiết kiệm được chi phí giống, phân bón mà cây lúa cứng, khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh nên hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vụ mùa năm 2016, ở những diện tích ngoài vùng dự án nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn nhiều nhưng lúa trong vùng dự án có bộ lá đẹp đến cuối vụ. Vụ xuân năm nay là một trong những vụ xuân có năng suất lúa cao nhất đối với những hộ được tham gia dự án như chúng tôi.

Ông Cao Bá Muồn cho biết thêm: Tuy không còn được nhận hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án từ vụ mùa năm nay nhưng với những hiệu quả được khẳng định qua hai vụ sản xuất vừa qua, nông dân Tây Lương hưởng ứng khá tích cực. Vì vậy trên những diện tích chủ động điều tiết nước, HTX sẽ mở rộng diện tích canh tác theo SRI để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao.

  • Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI (System of Rice Improvement) là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Những kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn, bón phân hữu cơ.
  • Canh tác lúa cải tiến SRI đã được tỉnh ta áp dụng từ nhiều năm nay, tuy nhiên diện tích áp dụng SRI toàn phần mới chỉ dừng lại ở các mô hình thí điểm; trên 50% diện tích canh tác lúa được nông dân áp dụng SRI từng phần như cấy bằng mạ non, cấy mật độ thưa, điều tiết nước khô ướt xen kẽ…


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày