Thứ 3, 23/07/2024, 10:16[GMT+7]

Thái Thọ: Hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Thứ 5, 31/08/2017 | 09:00:36
992 lượt xem
Thời gian qua, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho thành viên. Đây được xem là hướng đi thích hợp để nâng cao giá trị cho nông sản, đồng thời khẳng định vai trò của HTX trong phát triển các dịch vụ. Điển hình trong số đó là HTX SXKD DVNN xã Thái Thọ (Thái Thụy).

Nông dân xã Thái Thọ chăm sóc, bảo vệ lúa mùa.

Với tổng diện tích sản xuất 300ha, ngoài 3 khâu dịch vụ bắt buộc, HTX SXKD DVNN xã Thái Thọ còn mở rộng thêm hai khâu dịch vụ: bao tiêu sản phẩm và cung ứng lao động đóng bao trong Nhà máy sản xuất Amon Nitrat. Đặc biệt, dịch vụ bao tiêu sản phẩm được HTX chú trọng xây dựng từ nhiều năm nay thông qua việc tích cực tìm kiếm liên kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho hộ thành viên. 

Hàng năm, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương chi nhánh Thái Bình sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa với diện tích 130ha, sản lượng thu mua gần 600 tấn. 

Ông Phạm Văn Cao, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thái Thọ cho biết: Để xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động tới các hộ thành viên, HTX đã quy vùng sản xuất tập trung với diện tích lớn thuận tiện cho sản xuất cũng như việc thu mua của doanh nghiệp. Liên kết theo chu trình khép kín, các doanh nghiệp cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật; HTX cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chỉ đạo sản xuất theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp, đứng ra thu mua sản phẩm của các hộ thành viên cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký kết. Cái lợi rõ nhất của hình thức này là nông dân sản xuất tập trung hơn nên thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, hạn chế sâu bệnh và đẩy mạnh cơ giới hóa, qua đó hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Bình quân mỗi sào canh tác, các hộ nông dân tham gia chuỗi thu lãi cao hơn so với cấy lúa thông thường khoảng 450.000 đồng/sào. Ngoài ra, công ty thu mua lúa tươi ngay tại ruộng đã giúp nhiều nông dân trong xã mở rộng diện tích sản xuất lên đến 8 - 10 mẫu, cá biệt có hộ cấy 24 mẫu. Bởi vậy mà trong tổng số 130ha bao tiêu sản phẩm chỉ cần có 80 hộ dân tham gia liên kết.

Vụ mùa này, HTX ký hợp đồng sản xuất lúa giống cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương chi nhánh Thái Bình, diện tích 65ha, trong đó 10ha lúa Thiên ưu 8 thu mua khô, 55ha giống lúa RVT thu mua tươi. 

Là một trong những chủ hộ tham gia liên kết từ nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thường, Trưởng thôn Độc Lập có 8 mẫu ruộng cấy lúa giống cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ông Thường cho biết: Ngoài diện tích ruộng của gia đình, tôi còn thuê thêm ruộng của người dân các xã Thái Học, Thái Thịnh không canh tác để cấy, hình thành vùng tập trung của gia đình. Để có thể sản xuất với quy mô lớn như vậy là nhờ các doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm và thu mua thóc tươi ngay tại ruộng. So với việc canh tác tự do, nông dân chúng tôi có lợi nhiều hơn do giảm được chi phí đầu vào từ khâu chọn giống, vật tư, kỹ thuật… mà giá bán lại cao hơn so với thị trường từ 1,3 - 1,5 lần.

Thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi trong sản xuất lúa, mỗi năm HTX SXKD DVNN xã Thái Thọ giúp các hộ thành viên nâng cao thu nhập từ cấy lúa khoảng 1,5 tỷ đồng. Đây cũng là mục tiêu mà khu vực kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh đang vươn tới.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày