Thứ 3, 23/07/2024, 12:25[GMT+7]

Người “bắc cầu” cho nông sản

Thứ 2, 25/09/2017 | 08:52:57
601 lượt xem
Những năm qua, anh Phạm Công Đạt, thôn Nguyên Xá 5, xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) là người tiên phong ở địa phương xây dựng mối liên kết, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho bà con.

Nông dân xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) trồng ớt cho thu nhập cao.

Năm 1994, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Đạt lập gia đình, bắt đầu cuộc sống mới với tài sản chỉ có 3 sào ruộng trũng. Dù hai vợ chồng đã nuôi thêm gà, lợn nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Đến khi được chính quyền và Hội Nông dân xã tuyên truyền về lợi ích của việc trồng cây màu vụ đông, anh Đạt mới mạnh dạn mở rộng diện tích trồng, cấy.

Thấu hiểu sự vất vả, thiệt thòi của người nông dân khi phải chịu cảnh “được mùa rớt giá” và từ thực tiễn sản xuất của bản thân, anh sớm nhận thức nếu tìm được thị trường tiêu thụ nông sản ổn định thì sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết, quyết định hiệu quả sản xuất. Do vậy, ngoài tích cực mở rộng diện tích gieo trồng, vào mỗi vụ thu hoạch, anh lặn lội đi từng cánh đồng, thu mua nông sản và sau đó tìm mối tiêu thụ. Thời điểm đó, chưa có phương tiện vận chuyển, hai vợ chồng đánh xe bò đi khắp các ngả đồng của các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Minh, Quỳnh Hải, An Đồng… thu mua nông sản. Đến năm 2014, khi có điều kiện về tài chính, anh mới đầu tư mua hai xe tải chuyên dụng để chở hàng, đồng thời mở rộng thị trường cung cấp nông sản ra các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Đắk Lắk… Sau nhiều năm làm ăn nhỏ lẻ, trải qua nhiều thất bại, mất cả vốn lẫn lãi, anh dần tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức thị trường. Cũng từ những chuyến buôn dài, anh đã kết nối với một số công ty cung ứng và có đầu ra ổn định cho nông sản.

Mỗi lần có giống mới, các hộ nông dân đều được anh Đạt hướng dẫn cách gieo trồng.

Theo anh Đạt, làm khâu trung gian thu mua nông sản mình phải tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng mà trước hết là tạo được nguồn hàng ổn định, chất lượng cho doanh nghiệp song vẫn phải bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người nông dân. Không bao tiêu ồ ạt, anh chỉ chọn một số loại nông sản làm chủ lực như dưa gang, dưa bao tử, ngô, bí, ớt và một số loại theo mùa vụ như rau thơm, khoai tây, khoai lang… Để chủ động nguồn hàng, trước mỗi vụ sản xuất, hai vợ chồng đều lên kế hoạch nhập các loại giống cây trồng phù hợp, thông báo cho bà con nông dân chủ động sản xuất. Để bảo đảm chất lượng nguồn hàng khi đến với doanh nghiệp, mỗi lần thu mua anh thuê hơn 20 nhân công để phân loại nông sản bảo đảm chất lượng.

Hiểu được cái khó của người nông dân chính là việc thiếu kiến thức trong sản xuất nên anh tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con. Anh cũng chia sẻ các kiến thức về pháp luật, kinh nghiệm liên kết sản xuất và hợp tác thương mại với bà con xã viên, giúp họ hiểu đúng và làm đúng theo hợp đồng ký kết nên hiếm khi có tình trạng xã viên vi phạm hợp đồng, bán phá giá sản phẩm ra bên ngoài. Đồng thời, không để nông dân chịu thiệt, giá thu mua của anh bao giờ cũng cao hơn so với giá thu mua thị trường.

Ngoài bao tiêu nông sản tại địa phương, anh Đạt còn thu mua một số nông sản từ các tỉnh khác như Lạng Sơn, Sơn La, Đắk Lắk...

Cung cấp giống chất lượng, giá cả thu mua hợp lý, minh bạch, sòng phẳng, tạo được uy tín với người dân nên mỗi vụ thu hoạch, nông sản cứ tự tìm tới nhà anh, chất đầy cả trong sân, ngoài ngõ. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, số lượng nông sản anh thu mua đạt trên 10.000 tấn, riêng tháng 7/2017 anh thu mua được 300 tấn dưa gang. Đầu vào, đầu ra ổn định, trừ chi phí, thu nhập bình quân của gia đình anh mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng.

Cùng với sản xuất, kinh doanh, bao tiêu nông sản cho bà con nông dân, anh Đạt còn tận dụng những nông sản thừa ngay tại gia đình để chăn nuôi, đào ao thả cá cho hiệu quả kinh tế cao.



Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp (Quỳnh Phụ)

Không chỉ là một nông dân điển hình trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Đạt còn là một chi hội trưởng năng động, nhiệt tình với công tác hội. Thông qua việc cung ứng giống, bao tiêu nông sản, anh đã góp phần giúp nhiều hội viên nông dân tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Ông Đỗ Đình Minh, Trưởng thôn Nguyên Xá 5, xã An Hiệp (Quỳnh Phụ)

Thôn Nguyên Xá 5 có 23ha đất trồng trọt, trong đó có 8ha trồng ớt, ngô, dưa bao tử, còn lại là cấy lúa. Những năm gần đây, thôn xuất hiện nhiều tổ liên kết sản xuất với quy mô từ 5 - 7  gia đình/tổ. Điều khó nhất để có thể duy trì sự liên kết của các tổ này là vốn, giống, đầu ra và lợi nhuận thì đã được anh Đạt góp phần hỗ trợ, giải quyết. Phát triển những tổ liên kết sản xuất như vậy vừa giúp nông dân tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong lao động sản xuất vừa góp phần thúc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Ông Nguyễn Đức Dũng, thôn Nguyên Xá 4, xã An Hiệp (Quỳnh Phụ)

Vụ mùa trước, tôi mua giống lúa Nhật từ cơ sở của anh Đạt về gieo cấy. Giống lúa mới, ít tốn công chăm sóc và phân bón, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 3 tháng là thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2 - 2,5 tạ/sào/vụ, giá thành thu mua cao hơn giá lúa thường. Với 6 mẫu ruộng cấy lúa Nhật, vụ mùa vừa rồi gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Vụ tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy để tăng thu nhập cho gia đình.


Thùy Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày