Hiệu quả từ công tác dạy nghề cho nông dân
Cũng là cánh đồng chuyên màu, những năm trước đây, nông dân thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên chỉ biết trồng một số loại rau màu truyền thống, quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập thấp. Từ khi được tham gia lớp dạy nghề nông nghiệp, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại rau màu cho giá trị kinh tế cao như cà chua, bắp cải chịu nhiệt, súp lơ, cà rốt…
Ông Trần Sỹ Khôi chia sẻ: Tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho một số loại cây màu, gia đình quyết định chuyển 2 sào trồng ngô, lạc sang trồng cà chua và bắp cải, mỗi sào rau màu cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm, cao gấp gần 2 lần so với trồng cây màu truyền thống; mỗi năm trồng từ 3 - 4 vụ, gia đình thu về từ 60 - 65 triệu đồng.
Cũng như ông Khôi, hàng trăm hộ nông dân ở xã Bình Nguyên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tích tụ ruộng đất, mở rộng diện tích trồng rau màu; riêng vụ đông, toàn xã có 260ha rau màu các loại.
Ông Trần Sỹ Lực, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã khẳng định: Qua lớp dạy nghề cho nông dân do Hội Nông dân huyện phối hợp với Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình tổ chức, bà con trong xã đã thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen lao động nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn. Trình độ thâm canh của nông dân cũng được nâng lên, một năm sản xuất 3 - 4 vụ, giá trị thu nhập đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm.
Với phương châm “Nông dân cần gì học đấy”, sau 5 năm (2012 - 2017) triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Kiến Xương đã mở được 143 lớp cho 5.085 nông dân. Trong đó, 2.940 nông dân có trình độ trung cấp nghề nông nghiệp như làm vườn, trồng rau màu, bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản nước ngọt và trồng cây lương thực. Ngoài ra, 2.145 nông dân còn được học các nghề phi nông nghiệp như vận hành sửa chữa máy nông nghiệp, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, may công nghiệp, mây tre đan, đan thảm, cói và tin học văn phòng.
Giáo viên Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình hướng dẫn nghề cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Xương cho biết: Để công tác dạy nghề cho nông dân hiệu quả, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở hội tích cực tuyên truyền, vận động, điều tra, khảo sát kỹ nhu cầu học nghề và tư vấn học nghề cho nông dân, lao động nông thôn để tránh tình trạng “thợ mộc học nghề xây dựng, cơ khí”; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề (Hội Nông dân tỉnh), Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, Trường Cao đẳng nghề số 19 - Bộ Quốc phòng, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp, Trường Đại học Thái Bình để mở lớp đúng thời điểm, duy trì lớp học đủ số lượng, đúng độ tuổi, phù hợp đối tượng.
Xuất phát từ đặc điểm người học trình độ, tuổi đời cao thấp khác nhau, xa sách vở lâu ngày nên quá trình dạy nghề các cơ sở đào tạo đã chủ động sắp xếp chương trình, hình thức dạy phù hợp.
Ông Phạm Ngọc Túy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình cho biết: Nhằm giúp nông dân nắm vững kiến thức để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nhà trường chỉ đạo, phân công những giáo viên giỏi đứng lớp và phải cầm tay chỉ việc cho bà con. Theo đó, mỗi nông dân có 20 - 25% thời gian để học, tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết, còn lại thời gian để thực hành ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng, cây trồng và các máy móc nông nghiệp cụ thể. Sau đào tạo, nhà trường tổ chức tiếp nhận thông tin phản hồi và trao đổi, hướng dẫn cho bà con khi gặp những tình huống phát sinh trong thực tiễn.
Với hình thức học như vậy, 100% nông dân tham gia lớp dạy nghề đã áp dụng tốt kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao giá trị kinh tế. Nhiều nông dân còn tạo thêm việc làm, thu nhập từ việc chuyển đổi nghề nghiệp sang làm nghề phi nông nghiệp.
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định cho biết: Từ chỗ tự phục vụ việc vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp như máy gặt, máy làm đất, máy cấy, tự chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa và hoa màu, chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm của gia đình, một số nông dân đã chuyển sang làm dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y cho thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chương trình dạy nghề cho nông dân hiệu quả thiết thực không chỉ đối với bà con nông dân mà còn giúp địa phương sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng