Chủ nhật, 24/11/2024, 01:24[GMT+7]

Đông Hưng dồn sức tiêu úng cứu lúa và rau màu

Thứ 4, 11/10/2017 | 18:11:11
1,132 lượt xem
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua, trên 9000ha lúa mùa chưa kịp gặt và gần 2000 ha rau màu đã trồng trên địa bàn huyện Đông Hưng bị ngập úng. Các địa phương trong huyện đang dồn sức tiêu úng cứu lúa và rau màu.

Nông dân xã Liên Giang dầm mình trong nước cứu lúa mùa

Do mưa lớn kèm gió to nhiều ngày qua khiến mực nước trên hệ thống sông trục dẫn nước dâng cao, việc tiêu thoát nước từ các cánh đồng gặp khó khăn, các diện tích rau màu bà con nông dân đã trồng gồm bí xanh, bí đỏ, ngô, ớt, rau cải các loại đều bị ngập úng, hàng nghìn ha lúa bị đổ, chìm trong nước, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. 

Ông Nguyễn Văn Đún, thôn Duyên Tục, xã Phú Lương cho biết: Vụ này nhà tôi cấy 01 mẫu lúa Kim Cương 111, bông lúa to, nặng nên mưa to, gió lớn đã làm một số diện tích bị đổ, ngập dưới nước. Do nằm dưới nước mấy hôm nay nên hạt xanh thì có nguy cơ thối còn hạt chín thì đang nẩy mầm. Nếu trời tạnh, có gặt được cũng chỉ làm thức ăn cho gà, vịt.

Lúa mùa và cây trồng ở xã Đông Xá bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn kéo dài.

Là xã có phong trào trồng cây vụ đông nhiều năm qua của huyện Đông Hưng, đến nay Đông Xá đã trồng được hơn 100ha bí xanh, bí đỏ nhưng hiện toàn bộ diện tích cây vụ đông và hơn 50% diện tích lúa bà con chưa kịp thu hoạch đã bị ngập trong nước. Đặc biệt, nhiều diện tích cây bí bà con rẽ lúa đặt bầu đã lên xanh, nay không chỉ bị ngập dưới nước mà còn bị lúa đổ đè lên làm dập nát. Nếu không khẩn trương tiêu nước kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất của lúa và cây vụ đông đã trồng. 

Ông Phạm Văn Hạnh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Xá cho biết: Sáng ngày 10/10, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng cùng nông dân dầm mình dưới mưa tiêu thoát nước cứu lúa và rau màu. Dòng chảy tắc ở đâu thì giải tỏa ở đó, đồng thời tổ chức vớt bèo bồng khơi thông dòng chảy trên các sông trên địa bàn. Nhiều gia đình đã dùng máy bơm bơm tiêu nước trên ruộng để bảo vệ cây vụ đông. Ngay khi tạnh mưa, chúng tôi sẽ huy động máy gặt và nhân lực gặt tay để nhanh chóng thu hoạch lúa chín giảm thiệt hại cho người nông dân.

Trạm bơm Hậu Thượng (Bạch Đằng) bơm tiêu nước chống ngập úng cho lúa và rau màu

Vì lúa chưa chín, kèm theo mưa liên tiếp nhiều ngày qua nên hầu như toàn bộ diện tích lúa của xã Đông Hợp chưa được thu hoạch. Từ đêm ngày 9/10 tới nay, với lượng mưa lớn trên 170mm cộng gió to đã làm hơn 100ha lúa của bà con nông dân trong xã bị đổ, chìm dưới nước. 

Ông Đỗ Nguyên Tường, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hợp cho biết:  Để chống úng cứu lúa, xã đã huy động hơn 20 cán bộ xã trực tiếp vớt bèo bồng trên các dòng sông, dòng kênh với chiều dài gần 2km; đồng thời, vận động nhân dân tranh thủ buộc dựng những diện tích lúa bị đổ, khơi thông dòng chảy và tranh thủ thời tiết tạnh ráo thu hoạch những diện tích lúa đã chín được 80% trở lên.

Nông dân Đô Lương buộc lại lúa bị ngập.

Không riêng gì Đông Xá, Đông Hợp, hiện nay, tất cả các địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng, công tác tiêu thoát nước đang được cán bộ và nông dân nhanh chóng thực hiện. Để kịp thời tiêu úng cứu lúa và rau màu, Xí nghiệp Khai thác các công trình thủy lợi huyện đã tổ chức bơm tiêu thoát nước tại Cống Lấp và Cống Hậu Thượng; các trạm bơm dã chiến cũng tổ chức vận hành bơm tiêu úng, mở cống tiêu, đóng cống tưới... 

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác các công trình thủy lợi huyện cho biết: Ngay từ sáng ngày 10/10, chúng tôi đã vận hành các máy để bơm tiêu thoát nước, bơm đến khi nào nước cạn thì dừng, nếu tiếp tục mưa, mực nước lên cao thì lại tổ chức bơm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng huy động công nhân phối hợp với các xã vớt bèo bồng, vật cản trên các sông trục để dòng chảy thông thoáng, tiêu nước nhanh.

Thực hiện Công điện số 07/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo tiêu úng, khắc phục ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, UBND huyện Đông Hưng đã huy động các đồng chí Huyện ủy viên, lãnh đạo các ban, ngành xuống các xã chỉ đạo công tác tiêu úng cứu lúa và rau màu; dừng các cuộc họp không cần thiết để kiểm tra, chỉ đạo chống úng; chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện phân công cán bộ kỹ thuật xuống các xã, kết hợp cùng địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục hậu quả mưa úng, đặc biệt là khi nước rút thì phun thuốc gì, bón phân gì cho cây vụ đông để phòng chống sâu bệnh, giúp cây sinh trưởng tốt sau thiên tai. 

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, tiêu úng cứu lúa, cứu rau màu vẫn là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu toàn huyện đang dốc sức thực hiện; huyện cũng đã chỉ đạo Công an và Ban Chỉ huy quân sự huyện huy động gần 100 chiến sĩ về một số xã gặt lúa giúp dân; Phòng Giáo dục và Đào tạo đã cho học sinh các trường THCS, THPT nghỉ học để về giúp gia đình gặt lúa. 

Tạnh mưa, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung chăm sóc cây trồng; những cây trồng còn thời vụ sẽ tiếp tục cho gieo trồng lại; tận dụng những diện tích có thể gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh để bù đắp diện tích cây vụ đông ưa ấm mất do ngập úng và diện tích lúa mùa bị ngập, năng suất thấp.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày