Chủ nhật, 24/11/2024, 01:15[GMT+7]

Vũ Thư khẩn trương khắc phục hậu quả ngập lụt

Thứ 5, 12/10/2017 | 17:51:41
1,322 lượt xem
Mưa lớn, kéo dài cộng với triều cường dâng và Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến 6.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch, trên 2.450 ha cây vụ đông đã trồng và 1.650 ha nuôi trồng thủy sản của nông dân Vũ Thư bị ngập lụt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề. Huyện và các địa phương khẩn trương tiến hành các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do ngập úng gây ra.

Nông dân Vũ Thư tranh thủ thời tiết tạnh ráo thu hoạch lúa mùa khỏi úng.

Duy Nhất (Vũ Thư) là xã duyên giang, tiếp giáp sông Hồng và có địa bàn thấp trũng so với các xã trong vùng. Những ngày qua, mưa lớn, mực nước trên hệ thống sông dâng cao khiến nước không thể tiêu thoát, gây ngập toàn bộ các cánh đồng và nhiều khu dân cư các thôn. Đến chiều ngày 12/10, hầu hết các tuyến đường giao thông thôn Dũng Nhuệ vẫn ngập nước từ 50 – 60cm. Vùng bãi nằm ngoài tuyến đê bối dân cư của xã, rộng hơn 100 ha hiện có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp và nông dân trồng ngô vụ đông đã ngập tràn trong biển nước. Nước cách chỉ còn cách mặt đê bối hơn 1m. 

Ông Nguyễn Doãn Quảng, chủ trang trại chăn nuôi thôn Dũng Nhuệ cho biết: Từ sáng đến trưa ngày 12/10 nước dâng nhanh, tăng hơn 1m nước, hiện trang trại của ông đã bị nước ngập làm cô lập, không thể ra vào được. Hơn 300 con lợn trong chuồng, ông đã phải dồn chuyển lên chuồng cao nhất, nhưng nếu nước tiếp tục dâng sẽ khó có thể chống đỡ được.

Một số hộ xung quanh chăn nuôi ít đã di chuyển đàn lợn vào trong làng, nhưng gia đình ông Quảng nuôi số lượng lớn, không thể có chỗ chứa. Ông Quảng chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đắp bờ vùng và bơm tát nước ra khi cần thiết để cứu đàn lợn. Ngoài đàn lợn, gia đình ông bị ngập hơn 1 mẫu ao, thiệt hại khoảng 4 – 5 tấn cá. 

Ông Phạm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nhất cho biết: Đợt lụt này, xã bị ngập trắng hơn 70 ha chăn nuôi thủy sản, 100 ha cây vụ đông, gần 100 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch, 110 ha lúa nếp bể, cây lúa cao không bị ngập nhưng dự đoán khi nước rút sẽ đổ ngả, giảm đáng kể năng suất lúa. Đến ngày 12/10, lượng mưa giảm nhưng nước sông Hồng tiếp tục tăng cao. Xã nhận được lệnh báo động số I. Ngay lập tức, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã họp triển khai, phân công các nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu ban, đặc biệt phân công lực lượng canh coi 24/24 trên hệ thống cống, đê; tuyên truyền vận động bà con không chờ nước rút mà khẩn trương huy động nhân lực thu hoạch thủ công nốt diện tích lúa mùa đại trà; các hộ chăn nuôi di chuyển đàn vật nuôi vào khu vực an toàn; các hộ có ao, đầm dùng lưới vây kín quanh ao để giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt.


Cán bộ, nhân dân Duy Nhất thu vớt bèo bồng, vật cản ở các cống, góp phần tiêu nước ở khu dân cư.

Không riêng Duy Nhất, các địa phương trên địa bàn huyện Vũ Thư đều bị ảnh hưởng của đợt ngập úng này. 

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Theo thống kê ban đầu, 100% trong tổng số 6.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch của huyện bị ngập úng, trong đó khoảng hơn 1.000 ha lúa úng nghiêm trọng, cây lúa ngâm quá lâu trong nước, có nguy cơ hỏng hẳn, không thể thu hoạch; gần 1.000 ha cây vụ đông mới trồng và cây ngô ở vùng bãi bị ngập sâu, khả năng không thể cứu; khoảng 1.000 ha trong tổng số 1.650 ha ao, hồ chăn nuôi thủy sản, chủ lực là cá bị nước dâng tràn bờ, gây thiệt hại hàng vạn tấn cá. Nhiều địa phương như Duy Nhất, Bách Thuận, Xuân Hòa…ngập úng xảy ra ở cả khu dân cư gây thiệt hại sản xuất và khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân.

Người chăn nuôi thủy sản quây lưới quanh bờ ao để bảo vệ đàn cá.

Đến thời điểm trưa ngày 12/10, mực nước đo được tại Thẫm là 172cm khiến việc tiêu thoát nước tự chảy rất hạn chế. Trước tình hình trên, huyện Vũ Thư tập trung cao công tác tiêu úng để cứu lúa, hoa màu và đàn vật nuôi. 

Bà Bùi Thị Kim, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi huyện Vũ Thư cho biết: Đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng thường xuyên trực, điều hành các công trình tiêu úng trên địa bàn. Để ngăn lũ tràn từ sông vào nội đồng, đơn vị đã chỉ đạo thả toàn bộ hệ thống phai dự phòng ở các cống qua đê; tuy nhiên khi nước sông rút sẽ lập tức chỉ đạo mở phai để tiêu nước ra. Các trạm bơm tiêu úng lớn như Nguyên Tiến Đoài, Cự Lâm, Tự Tân…duy trì vận hành 24/24 để hỗ trợ việc tiêu rút nước. Ngoài ra, Xí nghiệp phối hợp với các HTXNN huy động nhân dân thu vớt toàn bộ bèo bồng, vật cản ở các sông, kênh, mương, cống, đập để góp phần giải phóng dòng chảy, tiêu thoát nước nhanh nhất.

Nước ngập trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Doãn Quảng, thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất.

Cùng với công tác tiêu úng, huyện Vũ Thư tập trung tuyên truyền vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa để giảm thiểu thiệt hại. Trong điều kiện lúa đã ngập nước lâu ngày, hạt thóc đang nảy mầm, bà con không thụ động chờ nước rút, chờ máy móc mà khẩn trương huy động nhân lực tiến hành gặt thủ công. Với diện tích lúa chưa cho thu hoạch nhưng bị đổ ngả, hướng dẫn nông dân buộc đầu bông để lúa không bị thối, hỏng. Phần lớn diện tích cây vụ đông mới trồng không thể khắc phục, bà con chủ động nguồn giống, làm bầu, sẵn sàng gieo trồng thay thế khi nước rút. Đặc biệt, các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ hộ chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi thủy sản ngoài vùng bãi chủ động phương án, sẵn sàng di chuyển đàn vật nuôi vào khu vực an toàn; dùng lưới vây xung quanh ao, đầm để bảo vệ đàn cá.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày